+Aa-
    Zalo

    Chi phí cho văn nghệ 20/11 tốn kém: Liệu có cần thiết và đúng với tinh thần tri ân thầy cô?

    (ĐS&PL) - Dư luận xôn xao về chi phí "khủng" cho văn nghệ dịp lễ 20/11. Liệu những tiết mục hoành tráng này có thực sự cần thiết để tri ân thầy cô?

    Tranh cãi về chi phí "khủng" cho văn nghệ 20/11: Tri ân thầy cô bằng tiền bạc hay tấm lòng? Việc các trường học tổ chức thi văn nghệ mừng ngày 20/11 đang gây ra nhiều tranh cãi. Trong khi nhiều người cho rằng đây là hoạt động ý nghĩa, thì không ít ý kiến phản đối việc đầu tư quá tốn kém, cho rằng tinh thần tri ân mới là điều quan trọng nhất.

    Không thật sự cần thiết

    Nêu quan điểm trên báo Sức khỏe & Đời sống, TS.Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, thực tế phải nhìn nhận việc "ưa" hình thức và thành tích vẫn còn tồn tại rất nhiều trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, ngoài mục đích tìm kiếm tài năng thì nhiều nơi vẫn thường tổ chức các cuộc thi với nhiều mục đích khác nhau. Trong đó, không ít những cuộc thi khiến người chơi phải tốn kém về cả thời gian, tiền bạc và công sức.

    TS. Vũ Thu Hương cũng cho rằng, vào dịp 20/11, các em học sinh nên thể hiện tấm lòng biết ơn của mình dành cho các thầy cô giáo và cần có một ngày hội nhỏ để học sinh và thầy cô có thể tận hưởng niềm vui và ý nghĩa của ngày lễ này. Tuy nhiên, việc tổ chức thi văn nghệ là điều không thực sự cần thiết, nhà trường nên tổ chức theo hình thức biểu diễn văn nghệ thay vì một cuộc thi.

    "Ở góc độ một cuộc thi thì sẽ có sự "tranh giành" giữa các lớp, bởi đã tham gia thi ai cũng muốn có giải, các lớp sẽ phải dồn công sức và tài chính vào nhiều hơn. Điều này cũng ảnh đến thời gian học tập, vui chơi của các em, bởi việc tập luyện văn nghệ thường rơi vào buổi chiều muộn, buổi tối, cuối tuần…", TS.Vũ Thu Hương nói.

    Việc các trường học tổ chức thi văn nghệ mừng ngày 20/11 đang gây ra nhiều tranh cãi. Ảnh minh họa

    Việc các trường học tổ chức thi văn nghệ mừng ngày 20/11 đang gây ra nhiều tranh cãi. Ảnh minh họa 

    Bên cạnh đó, TS.Vũ Thu Hương cũng gợi ý, ngoài hoạt động thi giảng nêu trên, thầy cô cũng có thể tổ chức thêm hoạt động cho học sinh chấm bài. Các em sẽ thay phiên chấm bài cho nhau. Hoạt động này cũng sẽ giúp học sinh củng cố thêm được kiến thức cũng như thêm thấu hiểu công việc của các thầy cô.

    Đồng thời, để ngày 20/11 thêm phần ý nghĩa, các em học sinh cũng có thể tự tay làm nên những món quà để tặng cho thầy cô, như vẽ tranh, tự làm hoa, tự tay viết những lời chúc, trang trí lại lớp học... Kinh phí cho những món quà handmade này sẽ đến từ hoạt động bán giấy vụn của học sinh.

    "Chắc chắn những hoạt động này sẽ khiến cảm xúc của các em học sinh được dâng lên. Ngoài niềm vui, trau dồi thêm kiến thức một cách rất tự nhiên, các em cũng sẽ thêm thấu hiểu sự vất vả của thầy cô giáo. Còn với những cuộc thi văn nghệ phải đầu tư quá tốn kém, thì nhà trường, phụ huynh nên hạn chế lại. Có thể thay thế bằng việc chỉ tổ chức các chương trình văn nghệ, không phải dưới hình thức thi đua", TS. Vũ Thu Hương nói thêm.

    Thầy cô nặng lòng

    Mới đây, kế hoạch vận động phụ huynh đóng góp cho một tiết mục văn nghệ tại lớp 8A1 Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, quận 12, TP.HCM gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua.

    Cụ thể, tiết mục văn nghệ này gây chú ý không chỉ ở chi phí 22 triệu đồng mà còn nằm ở mục đích chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam, để "gửi lời tri ân sâu sắc đến các thầy cô giáo đã chăm lo sự nghiệp trồng người" nhưng "quỹ lớp không đủ", theo nội dung thư ngỏ của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

    Trao đổi trên báo Dân trí, chị Nguyễn Thu Trà, phụ huynh ở TP.HCM cho hay, một tiết mục văn nghệ của học sinh dành để tri ân thầy cô với chi phí gần 22 triệu đồng là không cần thiết và rõ ràng gây áp lực cho phụ huynh.

    Thư ngỏ vận động phụ huynh đóng góp kinh phí diễn văn nghệ mừng 20/11 với chi phí gần 22 triệu đồng. Ảnh: Dân trí

    Thư ngỏ vận động phụ huynh đóng góp kinh phí diễn văn nghệ mừng 20/11 với chi phí gần 22 triệu đồng. Ảnh: Dân trí

    Theo thông tin, lớp được tài trợ 3 triệu, cần thêm gần 19 triệu đồng. Nếu lớp 40 học sinh, tính ra mỗi em góp gần 500.000 đồng, số tiền không nhỏ với nhiều gia đình. Chưa nói đến việc phụ huynh đã đóng quỹ lớp trước đó.

    Việc chuẩn bị một tiết mục văn nghệ tặng thầy cô như vậy, chị Trà cho rằng gây áp lực về tiền bạc lẫn công sức, thời gian của phụ huynh và học sinh. Trong bối cảnh này, người được tri ân là thầy cô cũng khó mà vui nổi.

    Không chỉ ở một tiết mục văn nghệ chi phí gần 22 triệu đồng, những khoản vận động hướng đến cảm ơn, tri ân thầy cô trong dịp lễ 20/11 kéo theo nhiều tâm tư, nỗi lòng...

    Đó không chỉ là một tiết mục văn nghệ mà còn có thể là những buổi liên hoan, những chiếc phong bì, những món quà…

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/chi-phi-cho-van-nghe-20-11-ton-kem-lieu-co-can-thiet-va-ung-voi-tinh-than-tri-an-thay-co-a481017.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bữa cơm trưa vội vàng của thầy, cô giáo kiên trì bám bản, gieo chữ nơi vùng cao

    Bữa cơm trưa vội vàng của thầy, cô giáo kiên trì bám bản, gieo chữ nơi vùng cao

    Trường tiểu học Đăk Pxi nằm xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Hà cơ sở vật chất, điều kiện cho giáo viên, học sinh còn thiếu thốn. Tuy nhiên, với niềm yêu nghề, yêu học sinh, các cô giáo bám làng, bám bản nơi đây đã vượt qua bao gian nan để tích cực ươm những mầm xanh trên mảnh đất còn gian khó.