Chi 200-300 tỷ đồng mỗi năm cho truyền thông
Thông tin trên báo Dân trí, trong năm 2022, các công ty bảo hiểm đã dành ra hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng cho truyền thông.
Trong đó, công ty bảo hiểm sôi nổi và chịu chi nhất có lẽ phải kể đến AIA Việt Nam. Năm vừa qua, AIA Việt Nam dành ra đến 353 tỷ đồng cho quảng cáo truyền thông trong năm 2022, tăng 21% so với năm 2021.
Trên website của doanh nghiệp, gần như mỗi tháng đơn vị này đều có chương trình truyền thông riêng, nhưng đa phần tập trung ở việc khuyến mại, tặng quà để kích thích khách hàng mua và gần như không có nội dung nào thể hiện rõ bản chất, quyền lợi về bảo hiểm nhân thọ.
Một doanh nghiệp ngành bảo hiểm khác là Generali Việt Nam dành 174 tỷ đồng cho quảng cáo, truyền thông trong năm 2022. Năm trước đó, chi phí cho mảng này của doanh nghiệp cũng lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Các chiến dịch truyền thông của Generali Việt Nam ghi dấu ấn với nhiều video, phim ngắn cảm xúc. Tự giới thiệu, doanh nghiệp này định vị hình ảnh là "một thương hiệu bảo hiểm sáng tạo và truyền cảm hứng cho người dùng thông qua chiến dịch lớn truyền tải được ý nghĩa của bảo hiểm. Tuy nhiên, việc truyền thông lại có phần chưa thể hiện rõ bản chất của loại hình sản phẩm này.
Về Manulife, công ty dính lùm xùm bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan, báo cáo tài chính năm 2022 của công ty cho thấy đơn vị này tăng mạnh chi phí quảng cáo, truyền thông. Nếu năm 2021, chi phí quảng cáo của Manulife là 38 tỷ đồng (ghi nhận tại chi phí quản lý doanh nghiệp), thì năm qua con số được tăng gấp đôi lên 68 tỷ đồng.
Dù chi hàng chục tỷ đồng, song Manulife gần như chỉ có một chiến dịch duy nhất dành nâng cao nhận thức khách hàng lợi ích của việc tham gia bảo hiểm nhân thọ. Chiến dịch này cũng diễn ra tương đối muộn, vào cuối tháng 11/2022.
Cần đầu tư nhiều hơn cho truyền thông nhận thức
Thống kê trong năm 2022, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã tung ra đến 10 chiến dịch truyền thông xoay quanh chủ đề khơi gợi cảm xúc, tình yêu thương gia đình. Cùng lúc đó, chỉ có vỏn vẹn 3 chiến dịch tập trung giúp khách hàng hiểu đúng và đủ về lợi ích thực tế của bảo hiểm nhân thọ.
Đặc biệt, trong bối cảnh uy tín bị sụt giảm, cách truyền thông và tư vấn cho khách hàng của các công ty bảo hiểm nhân thọ, theo giới quan sát, chưa giải đáp được những e ngại và hiểu lầm của khách hàng.
Phân tích tổng cộng gần 850.000 thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội từ vụ việc diễn viên Ngọc Lan livestream về bảo hiểm Manulife, một đơn vị nghiên cứu đưa ra những con số khá giật mình: 97% nói kênh bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) là tiêu cực; 90% bày tỏ thái độ tiêu cực đối với các đại lý bảo hiểm; đặc biệt 94% đánh giá tiêu cực về uy tín của ngành bảo hiểm nhân thọ.
Bộ Tài chính chỉ ra một trong những tồn tại kéo dài nhiều năm trên thị trường, đó là nhận thức và ý thức về bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân, người tham gia bảo hiểm còn hạn chế.
Trả lời phỏng vấn trên Tin nhanh chứng khoán, ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA tại Việt Nam (trực thuộc GAMA Global Hoa Kỳ - tổ chức quy tụ các nhà quản lý, lãnh đạo và chuyên gia hàng đầu trong ngành bảo hiểm Hoa Kỳ và thế giới), các chuyên gia bảo hiểm quốc tế cũng gợi ý, bên cạnh phát triển kinh doanh, các doanh nghiệp bảo hiểm cần đầu tư nhiều hơn nữa cho các chương trình truyền thông nhận thức (theo cách nói ở các thị trường phát triển là “giáo dục kiến thức/nhận thức” - to educate) về các giá trị của bảo hiểm nhân thọ trên diện rộng và cho các đối tượng, từ người dân (khách hàng) tới đội ngũ tư vấn bảo hiểm...
Cho dù ở đâu, vào thời điểm nào, tất cả chúng ta đều phải chấp nhận một thực tế không thể thay đổi, đó là ai cũng phải trải qua quy luật “sinh - lão - bệnh - tử” và khi đó, sự an toàn tài chính cho các gia đình luôn là điều quan trọng nhất.
Vân Anh(T/h)