Theo báo Phụ Nữ TP.HCM, tối 16/1, một đoạn clip dài gần 3 phút ghi lại cảnh một người đàn ông bị chốt kiểm tra của CSGT Công an TP .Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn được chia sẻ nhiều trên các trang mạng xã hội.
Điều đáng nói, sự việc không phải là cảnh chống đối lực lượng CSGT mà là cảnh đối thoại hài hước của người đàn ông với đại tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh. Đoạn clip nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của dư luận.
Sự việc trên xảy ra vào tối 16/1. Thời điểm này, đại tá Nguyễn Hồng Phong cùng tổ công tác của Công an TP Hà Tĩnh xử lý vi phạm nồng độ cồn trên đường Hàm Nghi (phường Hà Huy Tập, TP.Hà Tĩnh). Thấy người đàn ông đi xe máy có biểu hiện ngà say, tổ công tác yêu cầu kiểm tra hành chính, đo nồng độ cồn.
Người đàn ông này thật thà trình bày tên Nguyễn Văn S. (50 tuổi, trú xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), làm nghề thợ xây. Tối 16/1, ông S. được chủ nhà mời nên uống rượu, trên đường về nhà bằng xe máy thì mất phương hướng đến 3 lần. “Như bị ma ám nên lại quay lại đây”, ông S. thật thà trình bày.
Sau khi hỏi han, đại tá Nguyễn Hồng Phong đã nhắc nhở ông S. không nên uống rượu khi tham gia giao thông vì sẽ ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và nguy hiểm cho người khác. Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng quyết định "đặc cách" không đo nồng độ cồn bác thợ xây và yêu cầu người này gọi điện thoại cho người thân xuống đón về, báo Thanh niên thông tin.
Ngay sau đó, ông S. đã lấy điện thoại ra gọi cho cho vợ. Ít phút sau, người vợ của người thợ xây đã có mặt tại chốt kiểm tra để chở chồng mình về nhà.
Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho hay, thời điểm đoạn clip xuất hiện trên mạng xã hội là vào tối 16/1, khi ông đang cùng tổ công tác của Đội CSGT Công an TP.Hà Tĩnh xử lý vi phạm nồng độ cồn trên tuyến đường Hàm Nghi.
"Sau khi bác thợ xây chấp hành hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, tôi thấy ông ấy rất hiền lành, chất phác, thật thà trình bày lý do uống rượu. Bác thợ xây thậm chí rất hợp tác, không đến mức say xỉn quậy phá. Nếu đo nồng độ cồn thì chắc chắn bác ấy sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền khoảng 7 - 8 triệu đồng, trong khi người ta rất khó khăn. Tôi nhận thấy việc xử lý cũng cần phải nhân văn, vì trong các vụ án hình sự thậm chí còn có cho hưởng khoan hồng chứ nói gì đến hành chính. Trong lĩnh vực hành chính thì có xử phạt tiền và phạt cảnh cáo. Do vậy, tôi đã yêu cầu cấp dưới không đo nồng độ cồn đối với bác ấy và yêu cầu người này gọi điện cho người thân xuống để chở về nhằm đảm bảo an toàn", đại tá Phong nói.
Theo đại tá Phong, mặc dù "đặc cách" không đo nồng đối với bác thợ xây nhưng ông sẽ yêu cầu công an địa phương làm việc để kiểm điểm người này.
XEM THÊM: Hóng hớt chuyện hàng xóm rồi đăng lên TikTok, người đàn ông bị công an triệu tập
"Tôi chọn phương án xử lý này là vì chính sách nhân văn của pháp luật và quyết định như vậy thì tính răn đe cũng cao hơn là phạt tiền. Nếu trong trường hợp bác thợ xây quậy phá thì sẽ bị xử lý ngay. Nói chung trong lĩnh vực xử lý giao thông thì phải nhân văn, người ta phải phục thì mới chấp hành. Sau khi đoạn clip được đăng tải, có người còn bảo có phải đây là trường hợp ngoại lệ hay không. Tôi nhìn nhận rằng đây là văn hóa của làng quê, thường khi thợ xây xong thì có mời uống ít ly rượu. Cái này phải tuyên truyền từ từ để thay đổi, để người dân chấp hành đã có nồng độ cồn thì tuyệt đối không lái xe", đại tá Phong giải thích.
Thục Hiền(T/h)