+Aa-
    Zalo

    Chênh lệch “khủng” từ các gói thầu: Tiền đi đâu, vào túi ai?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Giá của nhiều thiết bị của một số gói thầu cao hơn nhiều so với giá thị trường, thậm chí là gấp đôi. Điều này khiến dư không khỏi hoài nghi, con số chênh lệch tới hàng tỷ đồng đã đi đâu, vào túi ai?

    Đội giá gần vài trăm triệu đồng/hạng mục

    Theo tìm hiểu của PV, thời điểm quý 2 năm ngoái, phó chủ tịch UBND một tỉnh khu vực miền Trung đã ký Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sắm tập trung năm 2020, duyệt gói thầu Mua sắm thiết bị cho các trường mầm non có giá dự toán là 50.000.000.000 đồng. Sau đó, tỉnh này ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn công ty CP H.Y.L. thực hiện gói thầu với giá 6.500.000.000 đồng, giảm được 50.000.000 so với dự toán.

    Tuy nhiên, khi tìm hiểu từng hạng mục và so sánh giá của các thiết bị do công ty CP H.Y.L. cung cấp cho sở GD&ĐT tỉnh này so với giá thị trường, PV thấy điều bất thường rằng, nhiều thiết bị “xịn” hơn hẳn về giá nhưng chất lượng không đổi vì cùng 1 model, cùng nhà sản xuất, cùng chất liệu. Mức chênh lệch lên tới gần 80.000.000 đồng/hạng mục thiết bị.

    Ngoài các thiết bị có số lượng mua sắm lớn dẫn đến giá chênh ở mức “khủng” này thì ở các thiết bị khác được mua với số lượng hàng chục chiếc và ở mỗi sản phẩm, mức giá chênh lệch của nhà cung cấp so với giá thị trường đều dao động trong khoảng từ 200 đến gần 400.000.000 đồng. 

    Tổng số tiền chênh lệch khi mua sắm các thiết bị kể trên theo nhẩm tính của PV lên tới vài tỷ đồng.

    Dư luận đặt nhiều dấu hỏi xung quanh những con số chênh lệch “khủng” kể trên: Giá dự toán được xây dựng trên cơ sở pháp lý và khảo sát giá thực tiễn thế nào? Giá dự toán trên đã được cơ quan nào lập, thẩm định, phê duyệt? Căn cứ vào đâu để cơ quan chức năng phê duyệt giá dự toán gói thầu là 6.000.000.000 đồng. Có hay không sự bắt tay giữa chủ đầu tư, nhà thầu để nâng giá dự toán, cùng hưởng lợi ích nhóm?

    Ai sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật

    Liên quan đến vấn đề có sự chênh giá, đội giá ở các gói thầu xuất hiện tại nhiều địa phương hiện nay, chia sẻ riêng với PV Đời sống và Pháp luật, bà Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khoá XIII) cho rằng, chủ trương của Đảng, Chính phủ là xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, cần có giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc triển khai thực hiện, nếu không sẽ xảy ra rất nhiều vấn đề như báo chí đã phản ánh.

    Qua thực tế, bà Bùi Thị An cho rằng: “Với những địa phương đã phát hiện ra sự việc có dấu hiệu bất thường thì cần có sự vào cuộc ngay của các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Cơ quan chức năng cần làm rõ vấn đề để công bố công khai trước dư luận, sai đến đâu xử lý đến đó. Ai sai sẽ phải chịu trách nhiệm và thậm chí là xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Không thể vì một số lợi ích của cá nhân hay một nhóm người mà làm câu chuyện chính sách bị xấu đi”.

    Cùng đưa quan điểm về việc thiếu minh bạch trong hoạt động đấu thầu, ông Bùi Đức Thụ, thành viên hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia, nguyên Ủy viên Thường trực uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, ĐBQH khóa XIII cho rằng: Luật Đấu thầu đã buộc các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách phải minh bạch, công khai, thực hiện theo đúng quy định luật hiện hành. Tất cả các gói thầu đều phải được thực hiện đúng theo quy trình, thủ tục.

    “Tôi đề nghị cần có sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện công tác đấu thầu từ nguồn vốn của Nhà nước xem mặt nào bất cập, bất cập do đâu. Nếu do quản lý điều hành thì phải có biện pháp chấn chỉnh lại ngay. Còn nếu do thể chế còn bất cập thì đề nghị điều chỉnh, bổ sung, chỉnh sửa các quy định của pháp luật theo tình hình thực tiễn theo hướng đơn giản hoá thủ tục, huy động được các nhà thầu tham gia rộng rãi hơn.

    Bất cứ cơ quan, tổ chức nào thực hiện không tròn vai, không thực hiện hết trách nhiệm của mình kể cả cơ quan quyết định tổ chức đấu thầu cũng như cơ quan giám sát, trúng thầu thực hiện trái với luật định thì đều phải xử lý thích đáng theo quy định của pháp luật”, ông Bùi Đức Thụ nói.

    Nhóm PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chenh-lech-khung-tu-cac-goi-thau-trong-nganh-gd-dt-tien-di-dau-vao-tui-ai-a504225.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan