Ông Hoàng Minh Sơn, Phó hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định, chênh lệch điểm chuẩn giữa các trường không lớn. Ông khuyên thí sinh nên đăng ký cả 4 nguyện vọng.
Ông có nhận xét gì về phổ điểm 8 môn thi mà Bộ GD&ĐT vừa công bố?
Năm nay, phổ điểm tập trung từ 6 – 6,5 điểm. Trong 8 môn, thấp nhất là Ngoại ngữ, tập trung phổ điểm ở 3 – 3,5, tiếp đến là Hóa học, Lịch sử.
Trong phổ điểm, Bộ GD&ĐT thống kê chưa chi tiết. Năm nay điểm tính tới 0,25, nhưng có môn Bộ lấy độ chênh trong phổ điểm là 0,5 đến 1 điểm. Vậy 0,25 và 0,75 điểm sẽ nằm đâu?
Bộ GD&ĐT đưa ra giá trị tuyệt đối, không phải biểu đồ tích lũy nên thí sinh nhìn vào biểu đồ cũng không biết cụ thể bao nhiêu bạn trên, bằng điểm mình.
Với phổ điểm này, ông có hy vọng sẽ chọn được những thí sinh phù hợp với yêu cầu của Đại học Bách Khoa Hà Nội?
Chọn được thí sinh phù hợp yêu cầu của trường phụ thuộc chất lượng đề thi và công tác coi thi, không phải chỉ ở phổ điểm. Điểm chỉ là tiêu chí phụ. Vấn đề là đề thi có ra sát thực yêu cầu không?
Không thể nói điểm thi năm nay tốt hơn năm trước. Với phổ điểm năm nay, nhiều người băn khoăn mức điểm khá nhiều, rộng. Điều này là đúng vì chúng ta sử dụng khoảng điểm trung bình, trung bình khá để xét tốt nghiệp. Mọi năm, điểm được được làm tròn đến 0,5, nhưng năm nay đến 0,25 nên các trường xác định điểm chuẩn dễ hơn.
Ông Hoàng Minh Sơn. |
Thu hẹp chênh lệch điểm chuẩn
Năm nay, Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh biết điểm rồi mới nộp vào các trường ĐH. Chính vì vậy, nhiều người lo ngại các trường top trên sẽ “vớt” hết thí sinh điểm cao. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Trước kỳ thi, ĐH Bách Khoa Hà Nội đã đưa ra kế hoạch tuyển sinh. Theo quy chế, trường cũng chờ ngưỡng chất lượng tối thiểu của Bộ GD&ĐT và đưa ra ngưỡng của trường.
Ngưỡng này chỉ định hướng thí sinh nên hay không nên nộp vào trường. Còn chuyện "vớt" hết thí sinh điểm cao không liên quan điểm thi, mà chủ yếu do uy tín, chất lượng đào tạo của các trường.
Ông dự đoán thế nào về điểm chuẩn các trường năm nay?
Dựa vào phổ điểm có thể dự đoán, điểm chuẩn năm nay giữa các trường, ngành học không chênh lệch nhau nhiều như những năm trước.
Mọi năm, các trường lấy từ điểm sàn đến 26-27 điểm, nhưng năm nay sẽ từ 17-18 điểm đến 24-25 điểm. Nghĩa là, dải điểm chuẩn các trường sẽ hẹp hơn mọi năm.
Các trường sẽ khắp khó khăn như thế nào trong công tác tuyển sinh năm nay?
Tôi nghĩ đợt 1 không nhiều hồ sơ "ảo", nếu có thì chỉ ở những nguyện vọng sau.
Năm nay, thí sinh nhận điểm thi trước, đăng ký sau, giảm rủi ro cho các em. Sẽ không có chuyện thí sinh điểm cao không trúng tuyển, nếu có chỉ không vào đúng ngành, trường mong muốn. Đó là sự lựa chọn, không phải rủi ro.
Việc giảm rủi ro cho thí sinh cũng đồng nghĩa lựa chọn của các trường cũng tốt hơn.
Thí sinh nên đăng ký cả 4 nguyện vọng
Tiêu chí đưa ra ngưỡng điểm xét tuyển của trường thế nào, thưa ông?
Trường sẽ đưa ra ngưỡng xét điểm cần thiết để định hướng cho thí sinh và giảm bớt việc rút hồ sơ ra, nộp hồ sơ vào.
Trường sẽ đưa ra ngưỡng chung cho nhiều nhóm ngành, không riêng từng nhóm ngành. Có thể chỉ 1, 2 ngưỡng cho nhóm ngành nhất định.
Dự kiến điểm chuẩn của trường sẽ như thế nào?
Tôi nghĩ, ngành thấp nhất năm ngoái là 18 điểm, năm nay sẽ tăng mạnh từ 1-2 điểm. Những ngành điểm chuẩn thấp sẽ tăng; ngành cao sẽ chững lại, nếu có tăng thì chỉ ở một số ít ngành và tăng không nhiều.
ĐH Bách Khoa Hà Nội chủ yếu xét tuyển trong đợt 1. Chỉ một số ngành và chương trình đào tạo quốc tế có thể sẽ tuyển bổ sung nguyện vọng sau.
Ông có lời khuyên gì dành cho thí sinh?
Thí sinh nên cân nhắc theo năng lực của mình để lựa chọn trường. Các em cũng nên đăng ký đủ 4 nguyện vọng để tránh trường hợp phải rút hồ sơ.
Theo Tri thức trực tuyến
Xem thêm video:
[mecloud]KhHrFdBK46[/mecloud]