Hiểu bệnh “viêm màng túi” nhưng đam mê xê dịch của các bạn trẻ, nhiều người kiếm tiền triệu nhờ bán phụ kiện giúp chế xe đạp thường thành xe đạp điện.
Hiện nay giá xe đạp điện trên thị trường rẻ nhất cũng từ 8 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, chỉ cần bỏ ra trên dưới 2 triệu đồng cho một bộ phụ kiện hoàn chỉnh, người mua có thể dễ dàng lắp ráp, chế xe đạp thô sơ thành xe đạp điện.
Ngọc Huyên (sinh viên năm 3 trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) mới kinh doanh được vài tháng nhưng khá đắt hàng. Huyên cho biết, để chế xe đạp thường thành xe đạp điện cần có một bộ phụ kiện gồm động cơ, bo điều khiển, dây ga, ắc quy, mạch sạc. Ắc quy gắn ở gác-ba-ga sau xe, còn động cơ gắn vào bánh trước. Nguyên một bộ lắp vào xe như vậy nhưng rất gọn gàng, đảm bảo tính thẩm mỹ. Xe chế xong có thể chạy với vận tốc 20-25 km/h, sạc đầy một bộ gồm 2 bình ắc quy mất 4 tiếng, đi được 20-22 km. Nếu muốn đi xa hơn, khách hàng có thể chế thêm ắc quy với giá hơn 500.000 đồng/bộ.
Một bộ phụ kiện chế xe đạp thường thành xe đạp điện gồm: động cơ, bo điều khiển, dây ga, ắc quy, mạch sạc có giá 1.800.000 - 1.900.000 đồng. Ảnh: Diệp Sa. |
Bạn Mai Anh (Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) muốn mua xe đạp điện từ lâu để tiện đi học, đi làm thêm nhưng không đủ tiền. Đập lợn tiết kiệm chỉ có gần 2 triệu, Mai Anh nhờ bạn trai mua phụ kiện về chế chiếc xe đạp hồng của mình thành xe đạp điện. “Thực tế xe chế xong đi nhẹ và êm không khác gì xe đạp điện mà lại rẻ hơn rất nhiều. Hàng ngày mình chỉ đi những cung đường ngắn nên cũng không cần thiết phải bổ sung ắc quy. Nhưng nếu có tiền, mình sẽ mua thêm một đôi ắc quy dự phòng nữa, đi được xa hơn mà vẫn rẻ chán! Mình thấy xe đạp thường chế thành xe điện trông còn nhẹ nhõm, thanh lịch hơn”, Mai Anh chia sẻ.
Chiếc xe đạp màu hồng của Mai Anh được chế thành xe đạp điện chỉ với gần 2 triệu đồng. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Hiện phụ kiện để chế xe đạp điện bán theo bộ có 2 loại hàng: hàng Nhật bãi, thông thường là hàng nhãn hiệu Sanyo, có giá 1,8 triệu đồng/bộ, và hàng Trung Quốc mới toanh, giá chỉ nhỉnh hơn từ 100.000 đến 200.000 đồng. Tuy nhiên, Huyên chia sẻ, lượng khách mua hàng Nhật bãi Sanyo nhiều hơn vì bền hơn, giá lại rẻ hơn hàng Trung Quốc.
Do giá rẻ và thiết thực với đời sống học sinh, sinh viên nên hàng phụ kiện chế của Huyên khá đắt khách. Trung bình mỗi ngày cô bán được 1-2 bộ và một số phụ kiện lẻ như ắc quy, mạch sạc, lãi thu về một bộ khoảng 300.000 đồng, chưa kể công lắp ráp.
Tháo lắp đơn giản nhưng khá tốn thời gian nên công chế cho một xe là 300.000 - 400.000 đồng. Tuy nhiên, để tiết kiệm tiền và thể hiện tài lẻ, nhiều bạn trẻ tự mua phụ kiện về lắp ráp, thậm chí trang trí phụ kiện theo ý tưởng sáng tạo của cá nhân.
Nguyễn Trung Quân (sinh viên năm 2, ĐH Nông nghiệp Hà Nội) thì mua phụ kiện chế xe vì đam mê hơn là vì nhu cầu. “Thực ra mình mê độ xe máy hơn, nhưng sinh viên không có tiền nên chế xe đạp trước. Phụ kiện muốn rẻ thì ra chợ Giời, tha hồ chọn đồ rẻ mà tốt. Nhưng nếu bạn nào không có thời gian và đặc biệt là không có kinh nghiệm thì cứ lên mạng mà đặt mua cả bộ. Xe đạp điện giờ mua mới cũng trên dưới chục triệu đồng, trong khi mua phụ kiện chế từ xe thường chỉ mất khoảng 1,5 triệu đồng, cần thì mua thêm đôi bình ắc quy hơn 500.000 đồng nữa là đi thoải mái rồi”.