Nhiều người nghĩ rằng, cứ có tiền bỏ ra vài chục đến vài trăm triệu đồng rồi kiếm một chỗ quen biết để nhờ vả thì kiểu gì cũng có công ăn việc làm ổn định. Nhưng thật sự không phải ai cũng “đầu xuôi đuôi lọt”…
Giấc mơ tìm việc … 0 đồng!
Chị Vũ Hải Dương (36 tuổi, Thanh Xuân, HN) trước kia từng là kế toán trưởng ở một đơn vị có tiếng tại HN với mức thu nhập khá, công việc năng động, bận rộn, môi trường làm việc cạnh tranh. Chỉ vì một vài mâu thuẫn nhỏ với đồng nghiệp, chị nảy ra ý định nhờ người quen xin vào Nhà nước làm cho “yên ổn, nhàn hạ, không phải đấu đá”.
Với số tiền đặt trước là 120 triệu và được hứa hẹn chắc chắn sẽ đi làm ngay trong vòng một tháng, chị Dương lập tức viết đơn xin thôi việc ở cơ quan cũ. Nhưng rồi chờ đợi thấp thỏm đến ba tháng, chị vẫn chỉ nhận được những lời hẹn lần lữa.
Vừa xót tiền vừa sốt ruột, người trong gia đình, họ hàng lại nói ra nói vào nên chị đã quyết định tự tìm việc mới trong lúc vẫn ngóng tin người quen.
“Tôi không thể ngồi nhà mãi nên đã thử tạo hồ sơ trên các trang tìm việc mặc dù trong lòng cũng băn khoăn, nhiều người tìm việc thế này, chẳng biết có bên nào ngó ngàng gì tới mình không? Rất may là ngay ngày hôm sau tôi đã nhận được cú điện thoại đầu tiên từ một em tư vấn của trang tuyển dụng TimViecNhanh
Em xem kỹ lưỡng từng chi tiết trong hồ sơ tôi đã lập, không những giúp tôi viết lại hồ sơ hoàn thiện, mà còn gợi ý để tôi tự đề xuất một mức lương cực kỳ cạnh tranh, phù hợp với mức lương chung của thị trường. Cuối cùng, có đến 4 công ty gọi phỏng vấn và tôi đã tìm cho mình được một công việc với mức thu nhập tốt hơn mong đợi.
Đến giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy vui vì mình đã tìm được công việc cực kỳ ưng ý, vui vì chẳng tốn một đồng nào để xin việc, lại không phải lạy lục một ai đó, chờ đợi một lời hứa hẹn hão huyền nào đó với mức chi phí tốn kém. Đó thực sự là giấc mơ tuyệt đẹp với tôi, giấc mơ tìm việc với giá … 0 đồng!”
Tiền mất – Việc đâu?
Tiền mất tật mang |
Câu chuyện của chị Dương chỉ là một trong rất nhiều trường hợp tương tự mà kẻ xấu đã lợi dụng lòng tin và “cơn khát” việc làm của nhiều người để thực hiện trót lọt các cuộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn. Cái mánh chủ yếu của những kẻ này là tự xưng có quen biết thân tình với “ông nọ, bà kia”.
Bằng cách giới thiệu mình quen biết lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí QG VN, Nguyễn Xuân Thiết (53 tuổi, ngụ TP Vũng Tàu) đã ba lần nhận tổng cộng 35.000 USD và 400 triệu đồng tiền mặt từ ông N.V.H (TP Vũng Tàu) và hứa “lo việc” cho con, cháu ông H. Sau khi nhận tiền, Thiết đã không xin được việc nào cả và dùng số tiền lừa được để trả nợ cá độ bóng đá.
Ngày 12.4, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã cách chức Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh đối với ông Nguyễn Thanh Sơn do khi còn là Bí thư Huyện ủy H.Vũ Quang, ông Sơn đã nhận 75 triệu đồng để “chạy” cho một người làm tạp vụ vào biên chế. Tuy nhiên, ông Sơn không “chạy” được và cũng không trả lại số tiền trên…
Và còn vô số những cú lừa ngoạn mục mà chỉ cần gõ vài dòng tìm kiếm trên mạng cũng có thể thấy ngay những vụ điển hình như việc nữ quái Lương Thị Bích Ngọc (tập thể công ty Bông, Phú Diễn, Từ Liêm) ham lô đề, cá độ bóng đá, tự quảng bá mình “có suất” vào các Bộ, ngành để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của các bị hại; Hoặc nữ thượng úy công an phường Kim Liên Đặng Thị Diệu Linh ra giá chạy trường công an lên tới 600 triệu đồng…
Mất tiền vẫn không có việc |
Thúc đẩy cạnh tranh từ khâu tuyển dụng
Đã từ nhiều năm nay, chuyện “chạy việc” diễn ra như một thứ giao ước ngầm lén lút, nhiều người biết đến nhưng chẳng mấy ai dám nói công khai. Thậm chí có nhiều người vẫn sẵn sàng vay mượn, rồi bán cả ruộng vườn để lo tiền chạy việc. Dưới góc nhìn xã hội học, ông Thân Trung Dũng – Viện nghiên cứu Truyền thống và Phát triển cho rằng:
“Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là vì họ muốn có một công việc ổn định với khả năng thăng tiến cao cả về chính trị và kinh tế. Làm việc trong cơ quan Nhà nước thời gian đầu có thể khó khăn vì đồng lương thấp, nhưng sau đó đa số đều giàu lên nhanh chóng. Bởi có quyền lực sẽ tạo ra tiền và ngược lại – tức là quyền lực tạo cho người ta cơ hội để có thu nhập ngoài lương hoặc ở những vị trí cao họ có thể có nhiều bổng lộc từ cấp dưới.
Cũng có nhiều người chấp nhận “chạy việc” do tự nhận thấy kỹ năng, trình độ chuyên môn, kiến thức của mình không đáp ứng được công việc bên ngoài nên vào cơ quan Nhà nước để không phải chịu cạnh tranh, áp lực công việc, chấp nhận “sáng cắp ô đi, tối cắp về”.”
Ông Ong Xuân Minh, Giám đốc công ty CP Tìm Việc Nhanh lại chia sẻ câu chuyện dưới góc nhìn của một doanh nhân: “Chuyện chạy tiền, chạy việc diễn ra nhiều ở cả miền Bắc, miền Trung và cả các tỉnh xung quanh TP HCM, nguyên nhân là vì thị trường không cạnh tranh hoặc cạnh tranh không mạnh mẽ nên chuyện tìm việc làm cũng trở nên thực dụng.
Ví dụ ở Hà Nội có nhiều công ty làm dựa trên các mối quan hệ, tôi chỉ quan hệ với anh A, B, C, tổng này tổng kia, và tôi trúng vài cái thầu thì tôi có thể làm kiếm tiền. Do đó, việc làm hay tuyển dụng nó cũng tương tự, cũng là nhờ anh A, B, C. Trong khi ở TP.HCM họ phải làm bằng chất lượng dịch vụ, chiến lược giá cả, đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức.”
Mặc dù vậy, không phải ngành nghề nào cũng có thể “chạy” được. Là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Phùng Văn Đông – Phó GĐ Trung tâm CNTT, Đại học Hà Nội khẳng định: “Đối với những lĩnh vực hoạt động đòi hỏi chuyên môn cao như CNTT thì rất khó có thể chạy việc được vì có “chạy” cũng không biết làm.”
Đề cập đến các giải pháp nói chung, ông Đông chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng những bộ tiêu chí dành riêng cho tuyển dụng và đánh giá nhân sự, đồng thời cũng đưa ra cảnh báo: “Có những tiêu chí vẫn “lách” được, ví dụ như các yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ… mà người ta có thể mua hoặc làm giả. Muốn đánh giá được chính xác thì phải thông qua quá trình làm việc thực tế.”
“Chạy việc” vẫn sẽ là câu chuyện dài chưa có hồi kết mà như ông Ong Xuân Minh nói thì một trong những nút thắt quan trọng nhất cần được “mở” ngay đó là: “Phải có một thị trường cực kỳ cạnh tranh để thúc đẩy tuyển dụng minh bạch. Sự cạnh tranh đến từ cả hai phía: nhà tuyển dụng và người lao động. Đối với người tìm việc, ngoài năng lực chuyên môn còn cần rèn luyện cả những kỹ năng mềm, đôi khi chỉ là ở cách tạo một hồ sơ xin việc sao cho thật thu hút. Cũng chính vì thế mà Tìm Việc Nhanh có cả một đội ngũ chuyên tư vấn cho người tìm việc cách khai thác những lợi thế của mình để có một CV hấp dẫn, góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh ngay từ khâu đầu tiên của quá trình tuyển dụng.”