Bố mẹ nào mà chẳng yêu con nhưng không giống như các bà mẹ yêu thương không thể che giấu, sự quan tâm của các ông bố đôi khi lại không diễn tả được hết bằng lời.
Câu chuyện về người cha giấu 4 đứa con công việc mình làm
Mỗi bước chúng ta trưởng thành không hề đơn giản, nó lấy đi biết bao mồ hôi, công sức của cha mẹ. Chính những công lao, sự hy sinh đó của cha mẹ đã khơi nguồn cho các thi ca những vần thơ, câu hát. Hình ảnh một ông bố nghèo giấu các con nghề nghiệp của mình tại Bangladesh đã khiến hàng nghìn con tim nghẹn ngào xúc động.
Không phải là những cử chỉ, hành động âu yếm vuốt ve như tình mẹ. Tình yêu thương của người cha luôn thầm lặng và sâu sắc, điều đó được thể hiện trên khắp mọi nẻo đường của cuộc sống. Đã có biết bao những câu chuyện có thật về tình cha con làm rung động lòng người. Và mới đây, hình ảnh về một ông bố gầy còm, đen mẻm, được đăng tải bởi một nhiếp ảnh gia – chủ tài khoản Instagram GMB Akash – đã một lần nữa minh chứng cho tình yêu thương vô cùng lớn lao đó.
Một tấm hình chứa đựng cuộc đời đầy nước mắt của một ông bố. Khi ông làm một công việc mà nó rất dơ bẩn và hôi hám, dọn cống bên dưới lòng đường. Ở Bangladesh thì nghề này là công việc vất vả và bẩn thỉu nhất, người ta cho là một nghề nằm dưới đáy của xã hội.
Tại sao lại như vậy? Bức hình đó có gì đặc biệt mà lại khiến hơn 489.000 người sử dụng Facebook không khỏi cay mắt?
Bức hình ông bố nghèo nhận được cả trăm nghìn lượt thích và chia sẻ của cư dân mạng. (Ảnh: Instagram GMB Akash )
Đó là bởi tấm hình rất đời thường kia chứa đựng một câu chuyện đầy ý nghĩa về cuộc đời của một ông bố thuộc tầng lớp dân nghèo, những người sống dưới đáy xã hội tại quốc gia này.
Theo đó, ông Idris ngày ngày cần mẫn với công việc của một công nhân dọn cống để lo cho 4 đứa con ăn học.
Dọn cống ở Bangladesh bị coi là công việc vất vả và bẩn thỉu nhất trên thế giới. Phải làm việc trong môi trường rất mất vệ sinh, dễ mắc phải bệnh lây nhiễm nhưng số tiền công nhận được lại vô cùng ít ỏi.
Cực nhọc là vậy nhưng ông bố nghèo đã giấu nhẹm công việc của mình vì lo sợ nếu biết sự thật, các con sẽ cảm thấy xấu hổ trước bạn bè. Ông làm việc quần quật không một lời oán thán mong sao các con có thể yên tâm học hành.
Để các con không nghi ngờ, mỗi ngày trước khi đi làm về, ông đều chui vào nhà tắm công cộng tắm rửa sạch sẽ để xua đi mùi hôi thối sau khi lặn ngụm dưới các ống cống.
Thế nhưng, một biến cố lớn xảy ra đã khiến ông quyết định công khai sự thật và đây là những lời ông muốn nói:
Chia sẻ của nhiếp ảnh gia về cuộc đời của ông bố nghèo thương con đã nhận được sự cảm thông của hàng nghìn người trên thế giới. (Ảnh chụp màn hình Instagram GMB Akash)
"Tôi chưa bao giờ dám để cho con biết mình đang làm nghề gì bởi tôi không muốn chúng phải xấu hổ về bố. Khi cô con gái út hỏi bố làm gì, tôi ngập ngừng trả lời rằng tôi là một công nhân.
Tôi muốn các con có thể ngẩng cao đầu trước mọi người, để con không bị người khác coi thường như họ vẫn làm với tôi.
Cả đời mình, tôi chưa từng nghĩ đến việc mua một chiếc áo mới. Tất cả số tiền kiếm được tôi để dành cho các con mua sách vở học hành. SỰ TÔN TRỌNG, đó là tất cả những gì mà tôi muốn các con có được.
Nhớ lại thời điểm trước ngày nhập học của con gái út, tôi đã cảm thấy vô cùng tuyệt vọng và đau đớn vì không lo nổi học phí cho con.
Cả ngày hôm đó, tôi chẳng làm nổi việc gì cho ra hồn mà chỉ ngồi thù lù cạnh đống rác rưởi, cố gắng giấu đi những giọt nước mắt buồn tủi.
Tôi không biết sẽ phải đối mặt với con gái như thế nào khi trở về nhà mà không có tiền đóng học. Tôi sinh ra nghèo khó và có lẽ mãi mãi cũng chẳng thể khá hơn.
Lúc tôi ngồi khóc một mình, đồng nghiệp vẫn làm việc bình thường như không có chuyện gì xảy ra, nhưng ngạc nhiên thay, sau giờ tan ca, tất cả bọn họ đều ngồi lại bên tôi và hỏi tôi có coi họ như những người anh em hay không.
Trước khi tôi kịp thốt nên lời, họ đã giúi vào tay tôi toàn bộ số tiền công phải vất vả cả ngày mới kiếm được.
Tôi ra sức từ chối nhưng những người anh em luôn cùng tôi ngụp lặn trong các ống cống đó, những người công nhân vệ sinh nghèo khổ thường bị người ta coi thường đó đã khiến tôi nghẹn lời bởi câu nói: "Chúng tôi có thể nhịn đói ngày hôm nay nhưng con gái của anh phải được đến trường".
Ngày hôm đó, tôi trở về nhà với bộ dạng lấm lem của một công nhân vệ sinh, toàn thân bốc mùi hôi mà chẳng màng tắm rửa như mọi hôm nữa bởi tôi biết tôi hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu về những việc mình làm".
Nghề dọn dẹp cống bị coi là một nghề thấp kém ở Bangladesh. (Ảnh Internet)
Đó chính là ngày ông Idris quyết định nói cho các con biết sự thật về nghề nghiệp của mình.
Ông cũng thú nhận không thể kiếm đủ tiền cho con gái út đi học đại học nhưng các đồng nghiệp của ông đã hi sinh đồng lương nhỏ nhoi của họ cho bố con ông.
Nhìn gương mặt khổ sở của bố khi phải giấu giếm bản thân vì 4 chị em, các con ông òa khóc vì xúc động.
Biết bố đã phải hi sinh như thế nào khi một mình gánh trên vai biết bao tủi nhục, các con ông không muốn bố phải vất vả thêm nữa. Con gái út ông Idris vẫn còn đi học nhưng đã xin đi làm thêm còn các chị lớn sẽ kiếm tiền lo học phí cho em để đỡ đần bố.
Được biết, ông Idris hiện vẫn tiếp tục công việc của mình nhưng giờ đây ông không còn một mình nữa.
Cô con gái út thường xuyên đưa ông đi làm và mang đồ ăn cho tất cả đồng nghiệp của bố. Khi được hỏi tại sao lại làm vậy, cô đã trả lời: "Các chú các bác đã phải nhịn đói vì con ngày hôm đó để con có thể là con ngày hôm nay.
Vì vậy, con luôn cảm thấy biết ơn khi ngày ngày được mang cơm tới cho mọi người đấy ạ".
Ông Idris cũng chia sẻ bây giờ ông không thấy mình là một người nghèo hèn thấp kém nữa bởi với những đứa con hiếu thảo và ngoan ngoãn như thế, ông đã quá giàu rồi.
Một câu chuyện về người cha khác: Cha nghèo nhặt rác 25 năm tần tảo nuôi con, ngày con cưới ông tặng món quà khiến anh không thốt nên lời
Một câu hỏi được đặt ra là khi bạn đã trưởng thành, người cha đóng vai trò thế nào trong cuộc sống của bạn? Nói về đề tài này, dù chúng ta có tốn bao nhiêu giấy mực cũng không thể nói hết được.
18 tuổi, tôi đang theo học năm thứ hai đại học. Năm đó, tôi ở thành phố Tiêu Tác, mẹ tôi mất sớm còn cha tôi ở núi Bình Đỉnh làm nghề bán than. Công việc nặng nhọc, thường xuyên phải lên núi xuống núi. Mỗi ngày phải kéo xe than đi từ 7h sáng đến 10h tối. Thu nhập được khoảng 7 triệu đồng/tháng. Vậy mà riêng chi phí của tôi đã chiếm khoảng 1,7 triệu, gần bằng 1/4 số tiền mồ hôi nước mắt của cha. Vai trò của cha lúc bấy giờ cứ như là một con bò sữa để tôi vắt.
19 tuổi, tôi vào năm thứ ba đại học. Năm nay, tôi cần phải đến Trịnh Châu để thực hành, thế nhưng vào thời điểm đó ở Trịnh Châu thường xuyên xảy ra các sự cố công nhân nhảy lầu tự tử, khiến cho tinh thần của mọi người bị hoảng loạn, hoang mang. Tôi cũng thấy sợ và không muốn đi vì thế đã gọi cho cha hỏi ý. Ông chỉ nói đơn giản rằng “đừng làm khó mình, nếu con không muốn đi thì đừng đi.” Cuối cùng, cả lớp 35 sinh viên chỉ có tôi và 2 bạn nữ sinh khác không đi.
Cha tôi hay nói: “Con hãy làm những gì mà con muốn, cha sẽ luôn ủng hộ con”.
Cha giống như một cuốn sách cẩm nang của tôi, bất kể gặp chuyện gì khó khăn, ông đều coi nó rất nhẹ nhàng. Chỉ cần một câu nói, sẽ khiến tôi giác ngộ. Kể cả đó là sự việc to lớn phức tạp dường nào, ông đều có thể dễ dàng vượt qua, không lo lắng, cứ bình thản từ từ làm.
Năm 20 tuổi, tôi trở lại Tháp Hà, vào làm ở một nhà máy giấy, cha tôi lúc này cũng bắt đầu chuyển nhà từ nông thôn đến một thành phố xa lạ. Để tìm kiếm một công việc trong ngày hầu như rất khó. Thêm nữa là tuổi của ông đã lớn, e rằng ăn cũng không nổi, nói chi đến ra ngoài làm việc. Khi trở về nhà, cha chỉ có thể thở dài, già rồi, không dùng được việc gì nữa. Lúc này tôi nhìn ông và lần đầu tiên cảm nhận thấy trong tâm nặng trĩu.
Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, nên cha đã được nhận vào làm khuân vác hậu cần ở một công ty vận tải. Một ngày được khoảng 300 nghìn, hai ca làm việc là 12 giờ. Một lần tôi có tìm gặp cha, cả một xe toàn người trẻ tuổi, tầm 20 đến 30 tuổi, chỉ có mỗi mình ông đầu bạc trắng. Mỗi lần có xe đến họ phải vác các sản phẩm vào bên trong, toàn bộ quá trình thường kéo dài một giờ.
Hai tuần sau, cha quá mệt mỏi, toàn thân đầy cao dán, thời điểm đó, mùi cạo gió của cha lại chính là mùi mà tôi cảm thấy an toàn và thân thương nhất. Cha nói rằng, đừng nghĩ rằng ông đã đến tuổi nghỉ hưu, ông vẫn là một khối quặng, nếu được tôi luyện thì sẽ trở thành một khối thép.
Năm tôi 21 tuổi, cha bắt đầu làm việc tại một trạm thu hồi phế liệu. Tôi hỏi ông làm gì nhưng ông không khi nào trả lời tôi. Có một hôm sau khi làm việc về tôi bị mất chìa khoá, chỉ có thể đi đến nơi thu gom phế liệu để tìm ông. Khi tôi đến đó, tôi thấy quanh eo ông buộc một túi phân bón, trên đó đều có nước ngâm quanh, trên đầu đội một túi nhựa, bên cạnh chân là một cốc trà đã bị đổi màu do thường xuyên bị ngâm trong trà. Khi nhìn thấy tôi, ông chỉ cười và nói: “Con à, ở đây bẩn lắm, đừng lại đây”.
Lúc đó tôi đang đi đôi dép da mới mua, nên thực sự không muốn dính bẩn, chỉ có thể đợi cha tiến gần đến bên tôi.
“Cha ơi, cha đang làm gì vậy?”
“Không có gì? Lần sau nếu không có việc gì thì con đừng đến.”
Sau khi mượn được chìa khóa của cha, tôi liền quay người trở về, trên đầu toàn ruồi vo ve, trên mặt đất thì toàn là dòi nước. Công việc của cha là phân loại rác thải và chờ đợi một người nào đó đến để thu mua, đổi thành tiền.
Năm tôi 22 tuổi, cha tôi bắt đầu lo lắng về hôn nhân của tôi, thường xuyên giới thiệu bạn gái cho tôi. Tôi đã từng có một bạn gái, làm việc trong một công ty trên thành phố. Cô ấy không có vấn đề gì với tôi, và chúng tôi cũng đã đi đến bước nói về chuyện kết hôn. Nhưng tôi từ đầu đến cuối không đủ lòng can đảm để nói cho cô ấy về công việc của cha mình. Cô ấy có cố hỏi tôi vài lần, tôi đều trả lời qua loa, không nguyện ý trả lời trực tiếp. Tôi nghĩ rằng, trước tiên lấy vợ, chuyện khác sau này sẽ tính.
Sau khi cha tôi biết chuyện, cha đã nói rằng, điều quan trọng nhất trong hôn nhân là sự trung thực và tin cậy lẫn nhau, cha không làm điều gì đáng phải hổ thẹn cả. Tôi đã trải qua một cuộc đấu tranh nội tâm và đã quyết định nói ra toàn bộ sự thật. Nhưng thật bất ngờ, bạn gái tôi đã vô cùng kinh ngạc, sau đó còn nói: Không phải anh nói cha anh là một giáo viên tiểu học à? “Anh đã nói, nhưng đó là trước kia.” Bạn gái nói rằng tôi đã nói dối cô ấy, và sau đó cắt đứt liên lạc.
Tôi đã cố gắng để khôi phục lại mối quan hệ, nhưng kết quả vô ích.
Năm 23 tuổi, tôi bị thương trong quá trình làm việc. Sau khi cha biết, đã ngay lập tức đến nơi cấp cứu, tôi đã được khâu vết thương hoàn tất và thay đồ. Bởi vì đau đớn khủng khiếp, nước mắt không ngừng chảy, cha tôi không nói gì, chỉ quỳ xuống đất để tôi bám leo lên. Từ bệnh viện về nhà, cha cõng tôi qua chợ, ở đó có một cửa hiệu bán ruột gà nhúng nước sốt ớt đặc biệt thơm ngon. Cha đã mua cho tôi một bát, tôi cầm trong tay, cắn một miếng rồi nhìn cha. Sau đó lại nhìn những người qua đường, một ông già cõng trên lưng một người đàn ông cao 1m87. Bây giờ nghĩ lại thật là khôi hài!
Năm 24 tuổi, tôi đã gặp người vợ của mình, cô được sinh ra trong một gia đình cán bộ cao cấp, và cô ấy cũng là một giảng viên đại học. Khi đó cô ấy hỏi tôi rằng, cha anh làm nghề gì? Tôi đã nói cha trước đây làm tại một trạm phế liệu, và hiện giờ đã tự làm chủ, thu mua rác.
Khi đó, vợ tôi đã mỉm cười, “Làm thu mua có mất mặt không? Đi, ngày mai em cũng muốn đến giúp cha anh, em muốn trải nghiệm cuộc sống xem thế nào.” Tôi ôm chầm lấy cô ấy, vui mừng đến khóc và nói rằng: “Em à, cảm ơn em”. Vợ tôi lúc đó đã nói: “Anh hãy nhìn xem, bị kích động quá rồi, công việc đó cũng quan trọng không kém, cha làm công việc thủ công. Cha anh thật sự tuyệt vời”. Tôi đã kể lại những lời này với cha và cha chỉ mỉm cười nói rằng: “Đúng là con dâu của gia đình chúng ta rồi, con hãy trân trọng cô ấy”. Sau đó, người vợ tương lai của tôi khăng khăng đòi đi cùng cha để thu mua, nhưng cha từ chối và nói rằng, quan trọng nhất là thành ý.
Để chuẩn bị tổ ấm cho mình, tôi muốn mua một căn nhà. Nhưng trước tiên tôi cần thanh toán hơn 237 triệu. Tôi không muốn vợ tương lai của mình phải bỏ tiền ra, nhưng số tiền mà tôi tích góp được chỉ mới có 100 triệu. Vào đúng ngày tôi cưới, cha lấy ra một thẻ ngân hàng rồi nói: “Con cầm đi, nếu cha nhớ không lầm thì đây là số tiền mà cha thu mua phế liệu dành dùm được, trong những năm gần đây việc thu mua rác không được tốt như trước, do đó chắc chỉ khoảng được 170 triệu thôi”. Tôi đã nhận số tiền này và chỉ im lặng không nói nên lời.
25 tuổi, tôi đã có một bé gái. Cha tôi cuối cùng đã không phải dùng xe ba bánh để chở rác thải nữa. Cha đã bắt đầu ngày ngày bế cháu đi chơi ở sân bên dưới toà nhà. Buổi trưa về đến, cha sẽ nấu cho chúng tôi những món ăn ngon, buổi chiều thì giặt quần áo cho chúng tôi, chăm sóc cây trồng trên ban công, và còn chú mèo đốm mà tôi nuôi…
Một vài ngày trước, trời đổ tuyết, cha tôi đã ở ngoài trời đến 9 giờ tối vẫn không trở về. Vợ nhắc tôi ra ngoài tìm. Một lúc sau, cha tôi đã trở về với đầu phủ đầy tuyết, trên vai ông vác hai túi lớn, bên trong là khoai lang và bắp cải, cần tây cùng nhiều loại rau khác. Tôi nói: “Cha sao mua nhiều vậy?” Ông trả lời: “Sau khi trời tuyết, giá lương thực sẽ tăng cao. Cha đã phải xếp hàng suốt buổi chiều, chỗ rau này rất rẻ, cha đã đặc biệt mua trứng và khoai lang cho con”. Cha nói xong rồi cười ha ha…
Tôi và vợ cùng cười, nước mắt cứ như vậy tuôn rơi… Vâng, đây chính là người cha thân yêu của tôi, năm nay ông đã 75 tuổi. Tôi không cần bất cứ điều gì, chỉ hy vọng trong những ngày tới, ông có thể hoàn toàn khỏe mạnh. Đây chính là tất cả những gì tôi mong muốn nhất.
Suy ngẫm:
Trong cuộc đời này, cha mẹ chính là người yêu thương bạn thực sự bằng một thứ tình cảm không hề tính toán thiệt hơn. Họ là người ban cho bạn sự sống nơi trần thế này, giáo dưỡng bạn bằng cả trách nhiệm lẫn tình yêu. Năm tháng trôi qua, cha mẹ rồi cũng sẽ phải già đi. Một ngày kia, soi vào gương thấy mái tóc mình điểm bạc, có lẽ họ cũng hiểu thời gian của mình đã chẳng còn nhiều. Nhưng dẫu thế nào đi nữa, họ vẫn luôn dành cho chúng ta tình yêu bao la, lòng vị tha như trời biển.
Có nhà thơ từng viết: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Dẫu là bạn đủ 18 tuổi, dẫu bạn có một gia đình riêng, dẫu bạn có trưởng thành biết bao đi nữa, trong mắt cha mẹ, bạn hãy còn là một đứa bé ngoan như hàng mấy chục năm trước vẫn say ngủ trong vòng tay âu yếm của họ. Dẫu là biển trời giông bão, dẫu là ngày tháng đoạn trường, tình yêu của họ dành cho bạn vẫn vĩnh cửu cùng trời đất. Đương nhiên, họ không thể ở cả đời bên cạnh bạn nhưng dù chỉ còn một phút giây, một khoảnh khắc, họ vẫn luôn vui lòng làm chỗ dựa tinh thần, làm nơi chốn bình yên để bạn trở về mỗi lúc ngã lòng.
Thần thoại Hy Lạp có kể về câu chuyện của người khổng lồ Antaeus có sức mạnh phi thường, bất khả chiến bại. Khi một chân của Antaeus còn chạm xuống mặt đất thì anh còn nhận được sức mạnh của người mẹ hiền – Đất mẹ Gaia. Trong cuộc chiến với Heracles, cứ mỗi lần Antaeus ngã xuống đất là sức mạnh lại tăng gấp bội phần vì nhận được năng lượng từ đất mẹ. Sau cùng, Heracles phải nhấc bổng Antaeus lên không và siết chặt mới đánh bại nổi. Bạn thấy đấy, cha mẹ của chúng ta cũng xứng đáng là “Đất mẹ Gaia” vĩ đại lắm chứ?
(Tổng hợp)