Theo tìm hiểu của PV, chung cư mini Khương Hạ (phường Khương Đình, Thanh Xuân) - nơi vừa xảy ra vụ cháy nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong, vào tối 12/9 có 10 tầng với hơn trăm người sinh sống. Trong đó có 1 tầng hầm để xe, 8 tầng căn hộ và 1 tầng tum. Mỗi tầng có 5 căn hộ với diện tích từ 35 - 56m2/căn, chủ yếu là sinh viên và hộ gia đình sinh sống.
Chung cư này xây theo dạng nhà ống với một mặt tiền và đây cũng được coi là lối thoát hiểm duy nhất.
Thời điểm lửa bùng phát, do tòa nhà nằm trong ngõ sâu nên công tác cứu hỏa gặp nhiều khó khăn. Xe chữa cháy chỉ có thể đỗ cách chung cư mini Khương Hạ 300 - 400m. Lực lượng chức năng phải dẫn vòi rồng vào để dập lửa.
Vậy quy trình cấp phép, xây dựng, quản lý chung cư mini này được thực hiện thế nào, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong vụ việc trên?
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật về vấn đề này, luật sư Phạm Hồng Kiên, Giám đốc Công Ty Luật Cán Cân Việt nhận định, khi một chung cư bị cháy, để có thể xác định người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trước hết ta phải xét xem ai là người có lỗi gây ra thiệt hại như vậy. Đó có thể là lỗi của chủ nhà, lỗi của người dân sinh sống tại khu chung cư đó hoặc lỗi của một chủ thể thứ 3 nào khác, đó cũng có thể là lỗi vô ý hay lỗi cố ý. Tùy từng trường hợp, những người có trách nhiệm bồi thường lại khác nhau.
Ở đây, trước tiên cần phải nói đến trách nhiệm của chủ nhà về mặt xây dựng. Để làm rõ được, cơ quan điều tra cần vào cuộc xem nhà có xây đúng phép không? Hệ thống tòa nhà có đảm bảo đủ tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy theo quy định hay không? Công tác quản lý vận hành và giám sát được thực hiện đúng theo nội quy quy định không?
Đối với trường hợp lỗi gây thiệt hại hoàn toàn thuộc về chủ nhà, khi đó chủ nhà sẽ phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại về mặt tài sản và những thiệt hại về sức khỏe, tình mạng nếu nạn nhân yêu cầu.
Khoản 1, Điều 313, Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) quy định về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy như sau: “Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”.
Theo điều luật trên, có thể thấy đây là một vụ án vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong trường hợp này, các cơ quan tiến hành tố tụng hoàn toàn có thể khởi tố vụ án, điều tra làm sáng tỏ nguyên nhân dẫn đến vụ cháy này.
Nếu có vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện lực dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đối với trường hợp thiệt hại gây ra là lỗi của cư dân sống tại chung cư hay của người ngoài, nghĩa là họ đã có nhưng tác động dù vô ý hay cố ý gây nên các vụ cháy ở chung cư như xe của họ bị nổ, bếp ga bị nổ, hút thuốc lá,... Khi đó, lỗi ở đây thuộc về cả người có tác động đó và chủ nhà.
Đối với người đó là lỗi khi đã khởi nguồn đám cháy, còn đối với chủ nhà là lỗi khi đã không đảm bảo các biện pháp thông báo cũng như chữa cháy, nếu chủ nhà đảm bảo được các biện pháp này thì hậu quả đã không lớn đến vậy. Khi đó, lỗi của người gây cháy có thể là lỗi vô ý hoặc lỗi cố ý. Đối với trường hợp lỗi vô ý, người này có thể được giảm mức bồi thường theo quy định tại Khoản 2 điều 585 Bố luật dân sự 2015.
Theo các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, bên nào có lỗi dù là vô ý hay cố ý thì đều phải bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại. Thiệt hại ở đây có thể là thiệt hại về tài sản quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
- Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng;
- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút;
- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;
- Thiệt hại khác do luật quy định
Tại sự việc này, luật sư Kiên cho rằng chủ nhà vẫn phải chịu trách nhiệm chính. Bởi nếu chủ nhà làm đúng giấy phép xây dựng, làm đúng quy định PCCC thì đã không xảy ra hậu quả khôn lường như hôm nay.
XEM THÊM: Cảnh sát PCCC ra khuyến cáo khẩn sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội
“Từ sự việc này, các cơ quan chức năng cũng cần làm rõ quy trình cấp phép, xây dựng, quản lý chung cư mini trên. Nếu công trình trên chưa được cấp phép nhưng người dân vẫn xây dựng thì cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương tại sao lại không biết?
Trường hợp nữa là có giấy phép nhưng làm không đúng giấy phép thì vẫn là do địa phương, cơ quan quản lý. Tại sao có quy định, quy chuẩn… mà vẫn để xảy ra việc thương vong trên. Đây là hậu quả của sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương trong một thời gian dài qua, đối với dạng những căn hộ xây lên cho thuê và bán theo kiểu đồng sở hữu”, Luật sư Kiên bày tỏ quan điểm.
Nguyễn Lâm