(ĐSPL) - Được em họ nhờ chạy tại ngoại, Sang liên hệ với anh em Vinh rồi "thổi" giá lên 2 tỷ đồng để kiếm tiền chênh lệch của người nhà.
Theo báo Vnexpress, ngày 29/11, TAND TP HCM mở phiên xử Nguyễn Huệ Sang (42 tuổi, quê Kiên Giang) về tội Môi giới hối lộ. Liên quan đến vụ án, Nguyễn Văn Vinh (45 tuổi) và anh trai Nguyễn Văn Thắng (46 tuổi) bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại tòa bị cáo Sang không thừa nhận hành vi phạm tội. Ảnh: báo Vnexpress |
Báo Tri thức trực tuyến thông tin, theo cáo trạng, Phan Tấn Phúc là anh ruột của Phan Thị Như bị công an tỉnh Kiên Giang bắt giam về hành vi buôn lậu xăng dầu, có thể bị mức án từ 20 năm đến chung thân. Như nhờ Sang tìm người giúp đỡ cho Phúc được tại ngoại.
Được giới thiệu gặp Vinh và Thắng, đồng thời thấy Vinh chụp với một số lãnh đạo cấp cao, bà Như tỏ ra tin tưởng. Vinh ra giá "chạy án" với Sang là 1,65 tỷ đồng. Sau đó, Sang báo lại cho bà Như số tiền cần lo lót vụ việc là 2 tỷ, nhằm trục lợi 350 triệu đồng.
Sau 7 lần chuyển khoản, bà Như đã đưa trước số tiền 1,1 tỷ đồng cho Sang. Tuy nhiên, bà Như sau đó đã tố giác với cơ quan chức năng về vụ việc.
Cũng theo báo Vnexpress, quá trình điều tra các bị cáo liên tục thay đổi lời khai. Thực tế, anh em Vinh không quen biết ai có khả năng lo lót nhưng lợi dụng sự tin tưởng của bà Như để chiếm đoạt tiền. Tại phiên xử hồi tháng 9, họ không thừa nhận hành vi khiến HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Trong phiên xử hôm nay các bị cáo tiếp tục có lời khai mâu thuẫn nên tòa phải tạm hoãn.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
HẠNH VŨ (Tổng hợp)
Xem thêm video tại đây:
[mecloud]TqVtnWlfkh[/mecloud]