(ĐSPL) - Tình huống pháp luật: Cháu có quyền được hưởng thừa kế đất nông ngiệp của ông bà để lại khi đã mất không?
Hỏi: Bố mẹ cháu lấy nhau năm 1993 là thời kỳ sau của cải cách ruộng đất, do đó chị em cháu đều không có đất nông nghiệp.Trong gia đình cháu, các bác và anh chị đều có ruộng rồi. Bây giờ ông bà của cháu đã mất rồi, vậy cháu có được thừa hưởng không hay phải chia đều cho các bác và các anh chị trong gia đình ạ?.
Chân thành cảm ơn!
|
Cháu có được hưởng thừa kế đất nông nghiệp của ông bà không? |
Xin tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định tại Điều 631 Bộ luật dân sự năm 2005 thì Quyền thừa kế của cá nhân: Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Tuy nhiên, trong trường hợp cá nhân chết mà không để lại di chúc thì phần di sản sẽ được chia theo pháp luật
Điều 675: Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Theo nội dung bạn gửi đến, có thể hiểu ông bà bạn chết đã không để lại di chúc. Theo quy định của pháp luật, khi người chết không để lại di chúc thì di sản sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Có thể thấy, phần đất nông nghiệp của ông bà bạn đương nhiên thuộc vào di sản thừa kế do ông bà nội bạn để lại. Vì ông bà bạn chết đều không để lại di chúc nên khi có tranh chấp về di sản thừa kế thì tòa án sẽ áp dụng thừa kế theo pháp luật.
Người thừa kế theo pháp luật (Điều 676 Bộ luật dân sự 2005)
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Điều 677 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về thừa kế thế vị
Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Như vậy, khi áp dụng diện thừa kế theo pháp luật thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;các bác của bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất và họ đương nhiên được hưởng phần di sản thuộc về họ.
Theo đó, bạn thuộc hàng thừa kế thứ hai. Bạn chỉ được nhận thừa kế (khi không có di chúc) một phần đất mà ông bà để lại khi hàng thứ nhất không có. Như vậy, phần đất nông nghiệp đó sẽ được chia thừa kế cho bố bạn cùng với anh, chị, em của bố bạn.
Thừa kế đất nông nghiệp cần có điều kiện gì?
Trước đây, tại Bộ luật Dân sự năm 1995 có quy định: Người thừa kế đất nông nghiệp phải có điều kiện như: có nhu cầu sử dụng đất, có điều kiện trực tiếp sử dụng đất đúng mục đích; chưa có đất hoặc đang sử dụng đất dưới hạn mức theo quy định của pháp luật về đất đai. Hiện nay, Bộ Luật dân sự năm 2005 đã xóa bỏ những quy định này và đất nông nghiệp cũng được coi là tài sản thừa kế như các lọai tài sản khác.
Luật Đất đai số: 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013:
- Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất (Điều 188 Luật Đất đai):
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.
3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
- Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất (Điều 191 Luật Đất đai):
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
2. Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
4. Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
Thời hiệu khởi kiện về thừa kế (Điều 645 Bộ luật dân sự 2005):
- Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
- Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Luật Gia: Đồng Xuân Thuận
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chau-co-duoc-huong-thua-ke-dat-nong-nghiep-cua-ong-ba-khong-a93247.html