Với Đời sống & Pháp luật, sứ mệnh làm báo không chỉ dừng lại ở những bài viết...
Đó còn là trách nhiệm cộng đồng khi mang lại những giá trị về tinh thần cho người dân mà câu chuyện ở Thị xã Ba Đồn cách đây 5 năm là một ví dụ.
Quảng Bình là mảnh đất nghèo của miền Trung. Người dân ở đây thiếu thốn nhiều thứ, trong đó những đam mê về văn hóa, thể thao dường như là xa xỉ. Trong một bài viết của mình đăng lên mạng xã hội, nhà báo Phạm Phú Thép (báo Văn hóa) đã nói lên ước mơ của hàng trăm ngàn người dân Thị xã Ba Đồn về một trận đấu bóng đá có các ngôi sao của Đội tuyển Việt Nam ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
"Xem Việt Nam đá tự hào quá, ước gì có ngày được một đội bóng chuyên nghiệp Việt Nam, có trong đội hình các tuyển thủ quốc gia về quê Thép đá giao hữu. Nếu xảy ra, đó chắc chắn là ngày hội đúng nghĩa của người dân Ba Đồn", trích trong bài viết của nhà báo Phạm Phú Thép.
Phó TBT Vương Tiến Thành (ngoài cùng bên trái) và lãnh đạo tỉnh Quảng Bình tặng hoa 2 đội bóng trước giờ thi đấu. |
Dù biết, giúp được Ba Đồn là khó, vì điều kiện sân bãi không đảm bảo và mùa giải chuyên nghiệp năm 2016 cũng cận kề, các đội phải giữ quân nhưng vì tình yêu với mảnh đất đầy nắng và gió này; chúng tôi đã mạnh dạn đặt vấn đề với CLB Sông Lam Nghệ An.
Nghe chúng tôi trình bày về trận đấu từ thiện ở Ba Đồn, lãnh đạo đội bóng xứ Nghệ đồng ý và cho người vào khảo sát sân vận động, đưa ra yêu cầu về việc cải tạo sân với chi phí không nhỏ. Nhưng vì đam mê và muốn người dân được hưởng thụ những giá trị về mặt tinh thần, lãnh đạo địa phương phát động xã hội hóa và ngay lập tức được các doanh nghiệp ủng hộ.
Một ngày của trung tuần tháng 11/2015, mọi con đường đều đổ về sân bóng Ba Đồn. Thị xã từ ngày thành lập, chưa bao giờ nhộn nhịp và đầy khí thế như vậy. Người ta chen nhau vào sân biến Ba Đồn thành một "chảo lửa" chỉ quen thấy trên sân bóng ở tivi. Nhiều người không thể chen chân vào sân được đã chọn những cây cổ thụ hay các ngôi nhà cao tầng xung quanh sân bóng để được theo dõi trận đấu. Từ lãnh đạo tỉnh cho đến cán bộ địa phương, ai cũng rưng rưng vì xúc động; lần đầu tiên họ được cảm nhận không khí bóng đá cuồng nhiệt đến như vậy.
Được trông thấy những ngôi sao như: Quế Ngọc Hải, Trần Nguyên Mạnh, Trần Phi Sơn, Phạm Văn Quyến... bằng da bằng thịt với những pha xử lý điêu luyện, ai cũng trầm trồ.
Đó là giấc mơ từ rất lâu rồi của người dân Ba Đồn. Người ta thi nhau chụp ảnh với các thần tượng và những ngày ấy, khắp nơi ở cái Thị xã nhỏ này, người ta giành trọn câu chuyện để nói về Sông Lam, nói về bóng đá và giấc mơ có thật của mình.
Gần 13.000 khán giả đến theo dõi trận đấu tạo nên kỷ lục vô tiền khoáng hậu của sân vận động Ba Đồn. |
340 triệu đồng thu được từ trận đấu từ thiện này được Văn phòng Đại diện miền Trung - Báo Đời sống & Pháp luật (nay là Tạp chí) và địa phương thống nhất trao cho Bệnh viện Tây Bắc Quảng Bình để giúp bệnh nhân nghèo chạy thận. Vui hơn nữa, sau đó vài tuần nhà báo Phạm Phú Thép thông báo trên trang facebook cá nhân của mình rằng, từ hiệu ứng của trận đấu Sông Lam Nghệ An gặp Thanh niên Thị xã Ba Đồn, lãnh đạo địa phương đã bàn bạc và thống nhất tuyển sinh lớp bóng đá năng khiếu U.10 của Thị xã, làm hạt nhân để xây dựng đội bóng chuyên nghiệp sau này.
Không phải là một tác phẩm báo chí xuất sắc nhưng anh em chúng tôi xem kỷ niệm năm ấy ở Quảng Bình là đáng nhớ trong ký ức làm nghề. Ở đó, chúng tôi thực hiện một sứ mệnh khác, cũng cao cả; đó là mang lại giá trị tinh thần, đầy nhân văn và ý nghĩa với người dân nghèo miền Trung.