Anh Tú là chàng trai 27 tuổi, hiện đang làm kinh doanh tự do. Theo Tri Thức Trực Tuyến, bắt đầu từ tháng 8/2021, Tú bắt đầu đứng ra kêu gọi hỗ trợ miễn phí căn hộ, phòng trọ trên khắp TP.HCM để làm nơi nghỉ ngơi cho các nhân viên y tế cũng như tình nguyện viên đang gồng mình chống dịch.
Tú vốn là người cho thuê căn hộ và phòng trọ nên đã có sẵn một vài căn. Được sự chung tay của đồng nghiệp và các chủ nhà trên toàn TP.HCM, chỉ trong vòng hơn 1 tuần, anh đã hỗ trợ hơn 200 căn phòng cho 500 nhân viên y tế, tình nguyện viên. Nhờ có những phòng trọ miễn phí này, lực lượng tuyến đầu chống dịch có nơi nghỉ ngơi sau khi làm nhiệm vụ.
Mỗi căn phòng có diện tích khoảng 20 – 30 m2, đủ cho 2 – 3 người ở. Đặc biệt, tất cả các căn phòng đều được trang bị đầy đủ nội thất và các vật dụng cần thiết như giường, tủ quần áo, tủ lạnh, kệ bếp, điều hòa. Chủ nhà ở một số nơi còn mang tới cho đội ngũ nhân viên y tế, tình nguyện viên hoa quả, nước uống, mỳ tôm.
Chia sẻ về hành động nói trên của mình, Tú cho hay: "Tôi được anh rủ làm cùng, sau đó thì tiếp quản luôn việc này. Mọi chuyện cứ tự nhiên mà đến. Tôi cũng thấy các y, bác sĩ, tình nguyện viên vất vả đi trực, không về nhà được, phải đăng bài xin tá túc. Khách sạn thì họ không cho vì tiếp xúc với bệnh nhân. Tôi thấy đây là việc mình có thể làm nên tham gia giúp sức".
Được biết, các tòa nhà được sử dụng làm nơi tá túc cho các y, bác sĩ và tình nguyện viên đều không có người dân sinh sống để đảm bảo an toàn. Đối với tình nguyện viên, tùy vào điểm hoạt động và việc đã tiếp xúc với bệnh nhân hay chưa, họ sẽ được đưa tới các khu nhà ở khác nhau.
Sau khi các nhân viên y tế và tình nguyên viên rời đi, các căn hộ, phòng trọ sẽ được xịt khử khuẩn cẩn thận, trả lại trạng thái ban đầu để chủ nhà tiếp tục sử dụng hoặc kinh doanh.
Làm việc một mình, Tú gặp không ít khó khăn, trước tiên là việc không tìm được người hỗ trợ thêm phòng trong khi số lượng tình nguyện viên ngày một tăng lên. Bên cạnh đó, Tú gặp khó trong việc quản lý tình trạng của tất cả các căn hộ và phòng trọ, chỉ cần có hư hại xảy ra, anh đều phải chịu trách nhiệm với chủ nhà.
Chàng trai 27 tuổi cho biết có lúc anh cảm thấy như bị khó khăn “đánh bại”. Tuy nhiên, sự hy sinh của các lực lượng chống dịch tuyến đầu đã tiếp thêm sức mạnh cho anh. Tú cảm thấy việc làm của mình chỉ đóng góp phần nhỏ vào công cuộc chống dịch vì vẫn còn rất nhiều người cần được giúp đỡ.
Không chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để cuộc sống trở về quỹ đạo vốn có, Tú còn mong được lan tỏa những hành động đẹp tới cộng đồng.
Cũng là một người mong muốn được giúp đỡ lực lượng chống dịch, chị Nguyễn Hoàng Thảo, người sáng lập Cộng đồng ẩm thực - tiêu dùng xanh đã quyết định thực hiện chiến dịch "10.000 suất ăn đẩy lùi COVID-19".
Chị kêu gọi bạn bè, các nhà hảo tâm, cộng đồng tham gia với mục tiêu trong vòng 50 ngày sẽ làm được 10.000 suất ăn thơm ngon, bổ dưỡng, đảm bảo tiêu chí xanh, sạch gửi tặng các y bác sĩ tuyến đầu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (cơ sở 2).
Những suất ăn này sẽ được đựng hoàn toàn trong hộp bã mía, đóng gói trong thùng giấy đảm bảo tiêu chí xanh sạch. Khâu chế biến thực phẩm tuân thủ quy trình chế biến nghiêm ngặt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời được vận hành khép kín (từ bếp chuyển thẳng đến bệnh viện) để hạn chế tiếp xúc nhất có thể. Thực đơn chính sẽ được lên theo từng tuần.
Theo lời kể của chị Thảo, gọi là suất ăn trưa nhưng chỉ có một số ít y bác sĩ và các nhân viên y tế được ăn đúng giờ, đa số họ đều phải chạy đi chạy làm làm việc rất vất vả. "Suốt 2 năm qua, các y bác sĩ rất vất vả nên bọn mình nghĩ cứ làm được bao nhiêu chuyển đến y bác sĩ bấy nhiêu", Tuổi Trẻ dẫn lời chị Thảo cho hay.
Đinh Kim(T/h)