Từ Phó giáo sư trẻ nhất trở thành một trong 3 Giáo sư trẻ nhất Việt Nam
Vừa qua, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023. Trong đó, có 58 ứng viên đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư, 572 ứng viên đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh phó giáo sư.
Ông Trần Xuân Bách, sinh năm 1984 (39 tuổi) - giáo sư ngành Y học là 1 trong 3 người trẻ nhất được công nhận chức danh giáo sư năm nay. 7 năm trước, ông cũng là Phó giáo sư trẻ tuổi nhất.
Giáo sư Trần Xuân Bách sinh ngày 05/10/1984, quê ở xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội. Hiện nay, ông là Giảng viên cao cấp, Phó Trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội. Đồng thời, thỉnh giảng tại cơ sở giáo dục đại học khác như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học VinUni.
Vị giáo sư trẻ tuổi này đã đạt được rất nhiều kết quả khó tin, cho thấy một quá trình nghiên cứu miệt mài không ngửng nghỉ suốt một thời tuổi trẻ. Giáo sư Trần Xuân Bách đã dành cả tuổi thanh xuân để… học tập, nghiên cứu và nỗ lực ghê gớm "như robot", cũng đã từng trải qua vô số những vần vũ của cuộc đời trên con đường học thuật gian nan khiến hun lên ý chí sắt đá, người ta sẽ hiểu những kết quả lao động khoa học của anh là có lý do.
Ông Trần Xuân Bách được cấp bằng Tiến sĩ ngành Y tế công cộng; chuyên ngành Chính sách và Dịch vụ y tế tại Đại học Alberta, Canada vào năm 2012. Tới năm 2016, ở tuổi 32, ông được công nhận chức danh phó giáo sư ngành Y học - là phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam thời điểm đó.
Năm 2019, ông Trần Xuân Bách được Đại học Johns Hopkins (Mỹ) bổ nhiệm chức danh Giáo sư (kiêm nhiệm), trở thành một trong những Giáo sư trẻ tuổi nhất của trường đại học số 1 thế giới về Y tế công cộng. Đồng thời ông tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên của Đại học Texas at Houston (Mỹ), Đại học kỹ thuật Queensland (Úc), Đại học Alberta (Canada).
Giáo sư Trần Xuân Bách nghiên cứu 3 hướng chủ yếu, gồm Kinh tế Y tế, Dịch vụ Y tế và Chính sách Y tế (đã xuất bản 34 bài báo, 4 cuốn sách); Mô hình hóa kinh tế và dịch tễ ứng dụng trong dự báo và kiểm soát bệnh tật toàn cầu: (39 bài báo, 5 cuốn sách); Kinh tế lượng ứng dụng trong Công nghệ Y tế số (24 bài báo).
Tới nay, Giáo sư Trần Xuân Bách đã hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ; trong đó, hướng dẫn chính 2 nghiên cứu sinh; đã hướng dẫn 25 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn ThS/BSNT.
Ông là chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm 11 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Trong đó, chủ nhiệm 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ đã nghiệm thu; chủ nhiệm/đồng chủ nhiệm 7 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở đã nghiệm thu. Ông đã công bố 97 bài báo khoa học, trong đó có 92 bài báo khoa học tiêu biểu trên các tạp chí quốc tế có uy tín (71 bài là tác giả chính); xuất bản 9 cuốn sách, đều thuộc nhà xuất bản có uy tín.
Năm 2014, ông được chọn là lãnh đạo trẻ về Y tế khu vực châu Á của Hội đồng các Viện Hàn lâm quốc tế (IAP); tham gia giảng dạy chương trình lãnh đạo trẻ về y tế thế giới của Viện Hàn lâm Y học New York và Hội đồng các Viện hàn lâm quốc tế, chủ trì phiên họp về Lãnh đạo Y tế công cộng tương lai tại Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới tại Berlin (Đức).
Giáo sư Trần Xuân Bách từng đạt rất nhiều giải thưởng, huân chương, huy chương, danh hiệu như Giải thưởng “Healthy Women, Healthy Economies” của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2022; Giải Nhì Chiến sỹ thi đua cấp Bộ Y tế, 2021-2022; Highly Cited (Top 1%) Researcher by Clarivate 2022; Research.com Rising Star of Science Award 2022.
Ông cũng từng nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2017; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2018 và năm 2020; Bằng khen của Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2020; Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2017; Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở của Trường Đại học Y Hà Nội 5 năm liền từ 2016-2021.
Giải thưởng Khoa học - Công nghệ “Quả Cầu Vàng” năm 2018; Giải thưởng Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017; Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016; Giải thưởng Khởi đầu Sự nghiệp của Đại học Alberta, Canada, 2017; Giải thưởng Noam Chomsky Ngôi sao tỏa sáng về thành tựu trong nghiên cứu 2020. Mới đây nhất, Giáo sư Trần Xuân Bác, đã vinh dự được Hiệp hội Nghiên cứu về Hiệu quả và Kinh tế Y tế lớn nhất Thế giới trao Giải
Trong quá trình nghiên cứu suốt nhiều năm, Giáo sư Trần Xuân Bách đã có nhiều năm nghiên cứu về Kinh tế Y tế và Hiệu quả của các can thiệp Y tế, phát triển các mô hình phân tích ra quyết định trong đánh giá công nghệ y tế, và phát triển chính sách y tế. Ông có kinh nghiệm chuyên sâu trong các vấn đề sức khỏe toàn cầu, tập trung vào các nghiên cứu chi phí-hiệu quả, các mô hình dịch vụ y tế và tăng cường năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực HIV/AIDS, nghiện chất, sức khỏe tâm thần và đại dịch COVID-19.
Thành công nhờ sự bay bổng, mơ mộng
Với bề dày thành tích nghiên cứu khoa học, chắc hẳn ai cũng nghĩ Giáo sư Bách là một "mọt sách" cuộc sống chỉ đơn thuần gắn với phòng thí nghiệm. Nhưng thực tế lại hoàn hoàn không phải như vậy. Vốn theo đuổi lĩnh vực y tế công cộng - một ngành rất giống với làm công tác xã hội, nên Giáo sư Trần Xuân Bách không miệt mài nơi phòng thí nghiệm mà đi điền dã, nghiên cứu thực địa rất nhiều. Có khi cả ngày ông dầm mình cùng với bà con phun thuốc trừ sâu, thu hoạch bắp cải, ngô, lạc, ngồi bệt cùng bà con ở bờ ruộng để để phỏng vấn bà con vứt rác ở đâu sau khi phun thuốc trừ sâu.
Lại cũng có khi lại ngồi quán nước cả ngày hay đêm đêm ngồi với các anh chị em ở khu tụ điểm ma túy, mại dâm để thảo luận. Cái nghề nghiên cứu về những vấn đề phát triển xã hội, về hành vi con người khiến giáo sư phải đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều đối tượng yếu thế, dãi dầm, lăn lóc với cuộc đời muôn mặt.
Niềm vui nhiều, nỗi buồn không ít, và phải chịu đựng áp lực khủng khiếp, áp lực của một người làm khoa học luôn luôn có khao khát tự phủ nhận mình, của một người leo trên quãng núi tứ bề mù sương, không thể nhìn thấy đỉnh nhưng cũng không thể nhìn xuống dưới, chỉ có thể nhìn về phía trước và leo.
Từng chia sẻ với truyền thông lý do bản thân có thể làm được nhiều việc như vậy, nhất là khi ông từng có nhiều năm học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, trong những môi trường rất khắc nghiệt, khó khăn nhiều rào cản, vị giáo sư đã không ngần ngại trả lời:
"Chắc là nhờ sự mơ mộng bay bổng. Nhiều người sẽ không thể nào hiểu nổi tại sao tôi lại có thể làm được như thế. Nhưng lý do chỉ là tôi luôn làm việc với thái độ không coi là mình đang phải làm việc.
Người làm việc hiệu suất cao đều là những người mà họ làm việc với một tình yêu và đam mê chứ không phải là nghĩa vụ phải làm. Học trò của tôi nếu ai đó làm việc nghiên cứu với thái độ là coi mình đang phải đi làm thì tôi sẽ lập tức khuyên bạn ấy nên làm việc khác.
Hai nữa là, để đạt được những kết quả trong khoa học thì người làm khoa học phải hướng tới sự thuần khiết. Con người chỉ đạt được sự sáng tạo với sự thuần khiết. Với khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, để đạt được đỉnh cao thì người theo đuổi nó phải có sự thuần khiết, mặc dù điều này không dễ dàng. Không có sự thuần khiết sẽ không thể có cảm hứng, sự tự do và động lực để sáng tạo.
Nhưng tất nhiên ngoài những yếu tố trên thì phải có năng lực quản lý để sắp xếp các ưu tiên và tổ chức được đội hình và tổ chức hệ thống của mình. Nếu không tổ chức được đội hình thì không thể đi xa.
Chúng tôi là một tập hợp của rất nhiều nhóm làm việc ở các mô hình khác nhau, liên ngành, liên cơ quan, liên quốc gia, với các cơ chế quản lý thông minh để ai cũng có thể tham gia, ai cũng có thể đóng góp. Ví dụ chúng tôi nghiên cứu khoa học sức khỏe nhưng có cả các tiến sĩ toán học, tiến sĩ ngôn ngữ học, tiến sĩ y học, tiến sĩ xã hội học, các nhà tâm thần học, các kỹ sư công nghệ,…"
Giáo sư Trần Xuân Bách cũng tự nhận bản thân đã từng tuyệt vọng trên chính con đường nghiên cứu khoa học của mình, chứ không phải một con đường trải toàn hoa hồng như những thành tựu to lớn mà mọi người thấy được:
"Tôi cũng nếm đủ những vần vũ, những chán nản, khó khăn tưởng như tuyệt vọng trên con đường học thuật, nghiên cứu của mình. Đã có những lúc cuộc sống thử thách tôi đến độ thế giới quan của tôi thay đổi hẳn, nhưng tôi xin được từ chối nói về khó khăn. Suy cho cùng đó cũng là những bài học, những "kho báu" trong hành trang trưởng thành của mình. Thử thách chỉ là động lực để sáng tạo, vươn lên.
Không cần nói về những khó khăn đến nản lòng mình từng gặp phải, nhưng góp ý cho việc thu hút, trọng dụng nhân tài của nước nhà thì tôi có thể làm.
Khi tôi học tiến sĩ ở Canada, các giáo sư đã đồng ý cho tôi làm bài kiểm tra để cho phép tôi học vượt cấp nhiều môn để dành thời gian làm nghiên cứu và tích lũy thêm kinh nghiệm, gặp gỡ thêm rất nhiều chuyên gia, hoàn thành học tiến sĩ trước thời hạn.
Xã hội phát triển, bên cạnh các khuôn mẫu dù rất cần thiết, lúc nào cũng tìm ra cơ chế cho con người phát triển đột phá. Việc thu hút các nhà khoa học trẻ tài năng cũng cần đáp ứng những nhu cầu cao cấp hơn của họ, chứ không thể chỉ bằng các quy luật tuần tự.", Giáo sư Bách từng chia sẻ.
Khi được hỏi về việc những người tài sau khi đi du học nước ngoài đã không trở về nước, giáo sư Bách cũng đã chia sẻ rất thẳng thắn trên báo Tuổi trẻ:
"Không kể những người muốn ở lại nước ngoài vì những lý do cá nhân thì cũng có những người muốn về nhưng chưa đúng thời điểm. Bản chất của công việc nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ - kỹ thuật là một quá trình lâu dài, 10, 20 năm, có khi tới một đời người để đạt đến được một mức độ nhất định. Tính cạnh tranh ở trong khoa học rất khắc nghiệt, vì nó chỉ có một đỉnh kim tự tháp được chọn.
Người làm khoa học như người leo trên một ngọn núi mù sương không bao giờ nhìn thấy đỉnh, chỉ biết leo thôi. Vì vậy, họ buộc phải tiếp tục đi con đường của mình đang đi, họ cần ông thầy ấy, đội nhóm đấy. Họ chưa về, hoặc về rồi nhưng lại phải đi vì nhu cầu nội tại của quá trình phát triển khoa học.
Cũng có nguyên nhân là mức độ đời sống không đáp ứng được, nguyên nhân về cơ quan, môi trường, mức độ phù hợp ở Việt Nam. Người làm khoa học người ta sợ nhất là mỗi ngày trôi qua vô nghĩa. Về nước, nhiều người không nề hà chuyện hành chính, chuyện nọ chuyện kia, nhưng sau vài năm thì họ cũng cần phải có những môi trường, cơ hội, và cơ chế ươm mầm để tiếp tục làm khoa học.
Một lý do nữa, trong thời đại cách mạng 4.0 hiện nay, thế giới vừa phẳng, vừa tương tác đa chiều, có tính chất toàn cầu, thì việc người ta ở đâu không quan trọng. Ở đâu là do nhu cầu phát triển của mỗi người. Và dù ở đâu, chỉ cần luôn quan tâm, hướng đến các vấn đề của Việt Nam, chúng ta đều có thể lắng nghe những cơ hội, những sự chuyển mình ở Việt Nam, đều có thể đóng góp cho đất nước."
Dù đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng nể nhưng vị giáo sư trẻ tuổi này đã rất khiêm tốn, khẳng định mình không hề xuất chúng. Giáo sư Trần Xuân Bách đã từng chia sẻ: "Tôi rất sợ những từ như: xuất chúng, thành công, giỏi…Những từ ấy là những liều thuốc độc. Có chăng những giải thưởng, những động viên nghi nhận chỉ như sự cổ vũ tinh thần ở những giai đoạn cột mốc để mình tiếp tục tiến lên.
Khẩu hiệu của tôi là: "chú tâm, làm chu đáo từng việc nhỏ". Và tôi đào tạo con người cũng theo hướng đó. Đây cũng chính là cái thiếu ở giới trẻ bây giờ. Người ta hay thích làm điều to tát nhưng không phải bằng sự chú tâm, bằng tâm huyết. Nhiều khi tôi thấy chán nản vì không dễ đào tạo được phẩm chất này cho học trò."
Bảo An(T/h)