Mới đây, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã vinh danh nhóm tác giả sáng chế “mũ cách ly di động” Vihelm và trao tặng danh hiệu Đại sứ trẻ Sở hữu trí tuệ của WIPO cho 3 bạn trẻ đến từ Việt Nam. Câu chuyện về nhóm tác giả và sản phẩm của họ thật sự là nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ trong thời đại 4.0.
3 bạn trẻ gồm: Đỗ Trọng Minh Đức (sinh năm 2003), Trần Nguyễn Khánh An (sinh năm 2006) và Nguyễn Hoàng Phúc (sinh năm 2007).
"Vihelm", trong đó "Vi" là "Vietnam" (Việt Nam) còn "Helm" là "Helmet" (Mũ bảo hiểm), vì vậy "Vihelm" có thể hiểu là "mũ chống dịch của Việt Nam". Mũ được bơm không khí liên tục qua một màng lọc virus khiến virus không thể lây xuyên qua mũ bảo hộ trong khi đội. Chiếc mũ cũng được thiết kế một hệ thống quạt làm thoáng khí, không gây đọng hơi nước bên trong, do đó không làm ảnh hưởng tầm nhìn của người đội.
Một trong những sáng chế giúp Vihelm trở thành công cụ phù hợp để chống lại bệnh dịch là gắn thêm một găng tay đặc biệt ở đáy mũ. Người dùng xỏ tay vào găng từ phía ngoài. Kết quả là đường hô hấp vẫn giữ cách ly giữa với môi trường bên ngoài nhưng tay lại nằm gọn bên trong mũ để có thể gãi mặt, dụi mắt, thậm chí ăn uống thoải mái, đem lại sự tiện lợi cao nhất.
Đây là lần đầu tiên WIPO trao tặng danh hiệu này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cũng là lần thứ hai danh hiệu này được trao trong suốt hơn 50 năm lịch sử của WIPO (thành lập năm 1967).
Khó khăn lớn nhất khi ba bạn trẻ nghiên cứu khi đây là một sản phẩm y tế, đòi hỏi phải có hiểu biết chuyên môn, nhưng may mắn, nhóm học sinh nhận được sự hỗ trợ của nhiều nhà tư vấn. Từ đó hoàn thiện sáng chế theo quy chuẩn quốc tế.
Khi tham gia dự án sáng chế mũ cách ly di động Vihelm, Minh Đức chỉ mới 16 tuổi, Khánh An khi đó còn chưa lên cấp 3 và Hoàng Phúc chỉ mới là học sinh lớp 7. Thông tin chi tiết về 3 bạn học sinh đem về niềm tự hào cho Việt Nam:
- Đỗ Trọng Minh Đức (sinh năm 2003, hiện đang học tại Montverde Academy, Florida, Mỹ).
Trường Trung học Montverde Academy là một trong những trường trung học tư thục nội trú danh tiếng và lâu đời nhất tại Mỹ. Số lượng học sinh tại trường hàng năm lên đến gần 900 người, gấp ba lần so với tỷ lệ trung bình ở các trường nội trú khác. Trong đó, sinh viên quốc tế du học trung học tại Mỹ chiếm khoảng 37%.
Trường nổi bật nhờ tỷ lệ 100% học sinh chuyển tiếp thuận lợi lên các trường đại học nổi tiếng ở Mỹ, bao gồm cả ĐH Princeton, Harvard, Yale, Đại học California tại Berkeley... Điểm SAT trung bình của học sinh đạt đến 1290/1600.
- Trần Nguyễn Khánh An (sinh năm 2006, học sinh lớp 10 trường The Dewey Schools, Hà Nội).
Trường quốc tế The Dewey Schools là ngôi trường nổi tiếng với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại tiện ích nằm trong các khuôn viên rộng lớn. Chương trình học tại The Dewey Schools tích hợp giữa chương trình giáo dục Quốc tế theo chuẩn Common Core của Mỹ và chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Chương trình học tại The Dewey Schools được xây dựng cùng Trường đối tác Mount Vernon - top 10 trường học sáng tạo tại Mỹ. Trường nổi tiếng uy tín vì sự ưu tú, các sáng kiến và mô hình tư duy thiết kế - Design thinking.
- Nguyễn Hoàng Phúc (sinh năm 2007, học sinh lớp 9 Trường quốc tế Pháp Lfay, Hà Nội).
Trường Quốc tế Pháp Lfay (Lycée français Alexandre Yersin) vốn nổi tiếng với cách tuyển sinh gắt gao. Được biết học sinh muốn thi vào trường phải trải qua bài kiểm tra năng lực tiếng Pháp với kỹ năng nghe, hiểu và nói. Năm học 2020-2021, học phí của trường dao động từ 107-210 triệu đồng/năm, tùy theo cấp học và quốc tịch.
Mộc Miên (T/h)