Thanh tra Bộ VHTTDL đề nghị Thanh tra Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar… có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Ngày 1/3, Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Trần Văn Minh ký công văn số 21/TTr-VHGĐ về việc kiểm tra hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng gửi thanh tra các Sở VHTT&DL, Sở VH&TT các tỉnh TP.
Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được công văn số 149/CV-A87 ngày 18/1/2017 của Cục An ninh Văn hóa, Thông tin, truyền thông (A87) về việc kiểm tra hoạt động của hệ thống kinh doanh karaoke tụ điểm ca nhạc trên cả nước.
Qua công tác nắm tình hình, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận thấy tình trạng sử dụng các tác phẩm âm nhạc sáng tác trước năm 1975 chưa được phép phổ biến, ca khúc có nội dung phản động, lồng ghép hình ảnh ca ngợi người lính Việt Nam cộng hòa như “Đêm nhớ trăng Sài Gòn”, “Thiên thần mũ đỏ”, “Trên bốn vùng chiến thuật”, “Rừng lá thấp”…
Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm âm nhạc, bản ghi âm, ghi hình được sao chép, sử dụng phổ biến mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan (người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình). Việc vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phổ biến, nhất là các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, điểm ca nhạc…
Tại các quán bar, karaoke, vũ trường...xuất hiện tình trạng sử dụng các tác phẩm âm nhạc sáng tác trước năm 1975 chưa được phép - Ảnh minh họa |
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao các tỉnh, thành phố phối hợp với lực lượng an ninh văn hóa tại địa phương để kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, điểm ca nhạc… có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Cùng với đó, Thanh tra Bộ cũng gửi kèm danh mục các bài hát, chương trình của các tác giả sáng tác trước năm 1975 chưa được cấp phép, phổ biến theo Công văn số 1176/NTBD-QLBD ngày 23/12/2016 của Cục Nghệ thuật biểu diễn để các địa phương làm căn cứ xử lý đối với các các cơ sở kinh doanh.
Điều 9. Hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm 1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tác phẩm mà không nêu tên thật, bút danh tác giả, tên tác phẩm hoặc nêu không đúng tên thật hoặc bút danh tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. 2. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai lệch đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này; b) Buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có thông tin sai lệch về tên tác giả, tên tác phẩm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này. Điều 10. Hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm 1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. 2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. 3. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này; b) Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)