Chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết tại nhà như thế nào?
Cha mẹ cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, nếu có dấu hiệu trở nặng cần đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.
Mức độ nguy hiểm của sốt xuất huyết ở trẻ em
Theo Ths.BS Đặng Khánh Ly - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ với Tri thức trực tuyến, sốt xuất huyết bao gồm các triệu chứng sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng. Do đó, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời, trẻ dễ có nguy cơ tử vong.
Mặt khác, sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau và diễn biến phức tạp. Sự khởi phát của bệnh thường khá đột ngột và diễn biến bệnh nhanh từ nhẹ đến nặng qua ba giai đoạn gồm: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
"Ở giai đoạn sốt (từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 4), trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục trong 4-5 ngày, kém đáp ứng với thuốc hạ sốt. Với trẻ nhỏ, các bé có biểu hiện bứt rứt, quấy khóc. Trẻ lớn hơn thường đau đầu, chán ăn, buồn nôn, biểu hiện da sung huyết, đau cơ khớp, nhức ở hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam”, vị chuyên gia thông tin.
Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh, thường rơi vào khoảng ngày thứ 3-7 sau khi mắc bệnh. Lúc này, trẻ có thể vẫn còn sốt hoặc đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, các bé sẽ mệt hơn, lờ đờ, li bì, ăn kém, tiểu ít, phát ban xuất huyết toàn thân.
Trong đó, các biểu hiện xuất huyết tiêu biểu là: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, hành kinh số lượng nhiều ồ ạt (ở trẻ nữ), xuất huyết nội tạng (đi ngoài phân đen), xuất huyết não (co giật, hôn mê).
Các biểu hiện thoát dịch gồm: Dịch ổ bụng (đau bụng, chướng bụng, tức bụng), dịch màng phổi (ho tăng, tức ngực, khó thở), mạch nhanh, huyết áp tụt hoặc kẹt.
BS Ly nhấn mạnh: "Cha mẹ cần lưu ý xuất huyết không phải là biểu hiện bắt buộc của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em. Nguyên nhân là có thể trẻ mang bệnh nhưng lại hoàn toàn không biểu hiện triệu chứng xuất huyết. Vì vậy, dù có hoặc không xuất hiện triệu chứng xuất huyết, bệnh vẫn có thể đã tới giai đoạn nguy hiểm".
Vị chuyên gia cho hay một trong những biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết là trẻ bị sốc. Lúc này, biểu hiện gồm 3 tình trạng là giảm tri giác, giảm thân nhiệt và giảm huyết áp. "Nếu không phát hiện xử trí kịp thời trong những tình huống này, trẻ dễ đi vào sốc, rối loạn đông máu, suy đa tạng", BS Ly nói.
Sau giai đoạn nguy hiểm khoảng 48-72 giờ là giai đoạn phục hồi. Lúc này, trẻ sẽ hết sốt, tình trạng sức khỏe cải thiện nhiều, tỉnh táo hơn, đỡ mệt, ăn ngon hơn, tiểu nhiều, ban xuất huyết dưới da hết dần, đỡ và hết đau bụng. Khi xét nghiệm máu, số lượng bạch cầu trong giai đoạn này cũng tăng lên nhanh, lượng tiểu cầu dần trở về mức bình thường nhưng thường chậm hơn so với bạch cầu.
Thận trọng khi dùng thuốc hạ sốt
BSCKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết khi trẻ sốt cao hơn 38 độ C, nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất với liều 10-15mg/kg cân nặng, uống lặp lại 4-6 giờ, không dùng thường xuyên. Nếu dùng thuốc hạ sốt quá liều liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả thuốc hạ sốt nhét hậu môn đối với trẻ em.
"Để giảm sốt, người nhà nên cho trẻ mặc đồ mỏng, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm. Ngoài ra, tuyệt đối không dùng thuốc aspirin và ibuprofen cho trẻ nhiễm bệnh vì 2 loại thuốc này có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng", BS Tiến chia sẻ với Tuổi trẻ.
Cho trẻ ăn uống thế nào?
Theo BS Tiến, phụ huynh nên bổ sung nước thường xuyên cho trẻ, đặc biệt với những trẻ sốt cao. Khi trẻ được uống nước đủ thì nguy cơ diễn tiến nặng phải nhập viện ít hơn. Có thể cho trẻ uống từng ly nhỏ, uống nhiều lần trong ngày, tránh uống 1 lúc quá nhiều nước.
Những loại nước dùng cho trẻ uống có thể là nước đun sôi để nguội, nước bù điện giải, nước trái cây, nước canh đều được; không sử dụng nước có gas, nước có màu đen hoặc đỏ. Hiệu quả của việc bù nước đủ biểu hiện bằng việc bé đi tiểu thường hơn, 3 - 6 giờ/lần và nước tiểu trong.
Khi trẻ sốt sẽ biếng ăn, do vậy cần cho trẻ dùng thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, ăn nhiều lần trong ngày, mỗi bữa một ít sẽ giúp dễ tiêu hơn mà vẫn bù năng lượng. Tuy nhiên, nếu trẻ nôn ói thì đừng vội cho ăn lại ngay, cần nghỉ ngơi 1 - 2 giờ, khi trẻ bớt cơn ói hãy cho ăn ít lại dần. Tránh sử dụng những thức ăn có màu đen, đỏ vì khi trẻ nôn ói ra khó phân biệt có xuất huyết hay không.
Cùng với đó, cần tắm rửa, vệ sinh cho trẻ, không kiêng cữ nước. Đồng thời, đưa trẻ đi khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
Trong quá trình chăm sóc, nếu trẻ không diễn tiến nặng sẽ có dấu hiệu hồi phục vào ngày thứ 6 kể từ ngày sốt đầu tiên. Trẻ tỉnh táo hơn, ăn uống ngon miệng hơn, thậm chí đòi ăn những món bình thường, nổi những mảng đỏ, ngứa ở chân tay (ban hồi phục). Các biểu hiện nặng của trẻ dần dần thuyên giảm.
Tuy nhiên, nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng sau thì nên đưa đến bệnh viện khám: Sốt cao không hạ dù đã uống thuốc hạ sốt, hoặc co giật khi sốt cao; lừ đừ, ngủ li bì khó đánh thức; đau vùng bụng phải, ngày càng tăng; tiểu ít, nước tiểu sậm vàng; nôn và nhợn ói nhiều, ói ra thức ăn và nước uống nhiều, không thể ăn uống được; tay chân lạnh, tím tái; chảy máu mũi, chảy máu chân răng, chảy máu kinh bất thường, nôn ra máu, tiêu ra phân đen hoặc máu, theo Người lao động.
Những sai lầm cần tránh khi điều trị sốt xuất huyết cho trẻ
Lo lắng, sốt ruột khi con bị sốt xuất huyết, nhiều phụ huynh thường nghe theo các phương pháp điều trị dân gian, tiềm ẩn nguy cơ khiến bệnh trở nặng hơn. BS Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo phụ huynh:
Không tự ý cho trẻ uống thuốc mà không đi khám bệnh vì có thể bỏ sót các triệu chứng nặng của trẻ và khiến chủ quan.
Không cho trẻ uống những loại nước có màu đen hoặc đỏ như coca, xá xị… vì có thể gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa.
Không nên cạo gió, cắt lể vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ, đôi khi sẽ khiến trẻ chảy máu không cầm.
KKhông cho trẻ sốt xuất huyết truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện vì nguy cơ sốc dịch truyền hoặc bỏ sót các triệu chứng nặng của bệnh.
Khi nào tôi là một người cha có đầy đủ bản lĩnh về kinh tế, về sự chịu đựng, đức hy sinh, không còn ham chơi nữa, đủ trình độ và tri thức để dạy con thì tôi mới sinh con.
Phòng ngừa sốt xuất huyết
Theo ThS.BS Lê Phan Kim Thoa - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ với VnEpress, hiện tại, sốt xuất huyết vẫn là gánh nặng đối với các nước nhiệt đới. Đây là căn bệnh xảy ra hàng năm theo mùa, nhưng nhiều người thường lơ là. Khi bùng phát dịch, đột biến số ca nhiễm, số ca tử vong thì người dân mới phòng ngừa.
Sốt xuất huyết có 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 tuýp gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp, do đó nếu không biết cách phòng ngừa, mỗi người có thể trải qua 4 lần bị bệnh trong đời bởi 4 tuýp khác nhau.
Hiện tại, sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vẫn là nguy cơ tiềm ẩn. Biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất là diệt muỗi, hạn chế môi trường sinh sống của muỗi. Phát hiện bệnh sớm, đến bệnh viện đúng lúc để giảm thiểu số ca tử vong.
Để hạn chế môi trường sinh sống của muối, những chỗ nước đọng trong nhà phải dọn dẹp sạch sẽ, bình chứa nước cần có nắp đậy, cần loại bỏ các vật phế thải như vỏ xe, bát bể có thể đọng nước.
Gia đình có thể phòng ngừa không để muỗi đốt bằng cách mặc áo tay dài, ngủ mùng, giăng lưới ở cửa sổ. Đặc điểm của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết là muỗi hoạt động vào ban ngày, nên phụ huynh cần có thói quen giăng mùng ngay cả khi ngủ trưa. Đặc biệt, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết chích nhiều lúc sáng sớm và chiều tối nên phụ huynh phải để ý thời điểm để bảo vệ trẻ, hạn chế cho bé đi đến những chỗ có khả năng bị muỗi chích.
DOISONGPHAPLUAT.COM |