Trong lúc đang chăm sóc đàn heo con, người đàn ông bất ngờ bị con heo mẹ vồ táp vào vùng kín khiến dương vật bị lóc toàn bộ da.
Vụ tai nạn diễn ra bất ngờ khiến ông N.H. (46 tuổi, ngụ tại Bình Phước) phải đi cấp cứu tại khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM lúc nửa đêm.
Tại đây, các bác sĩ ghi nhận da dương vật của bệnh nhân bị lóc hoàn toàn, mép vết thương nham nhở do bị cắn và chịu một lực kéo bất ngờ.
Bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành cầm máu, cắt lọc, rửa vết thương để loại bỏ dị vật, cắt lọc các mô tổn thương. Để che phủ thương tổn do mất da dương vật của người bệnh, ê-kíp phẫu thuật đã chôn dương vật trong bìu.
Bác sĩ Bệnh viện Bình Dân thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Vnexpress. |
ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, cho biết mất da dương vật là một tình trạng cần phải được can thiệp cấp cứu khẩn cấp để tránh vết thương nhiễm trùng, hoại tử lan rộng với nhiều dự hậu xấu.
Để đảm bảo chức năng sinh lý và thẩm mỹ của dương vật về sau, các bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật tạo hình dương vật vào 3 tháng tới khi các tổn thương đã ổn định, thuận lợi cho việc tạo hình.
Do vị trí và chức năng chuyên biệt của vùng sinh dục, việc điều trị tình trạng mất da rộng đòi hỏi bác sĩ nam khoa có kinh nghiệm về tạo hình cơ quan sinh dục. Phẫu thuật không chỉ đảm bảo tạo sự che phủ vùng khiếm khuyết da, tránh các nhiễm trùng, đau đớn hoặc co kéo về sau mà còn chú trọng yếu tố thẩm mỹ.
Tùy vào tình trạng thương tổn, việc tạo hình da dương vật có thể sử dụng vạt da bìu, da đùi hay vạt da cẳng tay... Một số trường hợp đòi hỏi trang thiết bị chuyên biệt như dụng cụ và chỉ phẫu thuật siêu nhỏ, sự hỗ trợ của kính vi phẫu phóng đại giúp tăng độ chính xác trong bóc tách, khâu nối các mạch máu nhỏ li ti.
Bệnh nhân H. cho biết có kinh nghiệm 8 năm nuôi lợn rừng lai. Bình thường lợn rừng lai sống trong khu nuôi thả và sinh con ngoài vườn. Lần này sợ lợn mới sinh không được chăm sóc tốt, anh đưa đàn con vào chuồng và bị lợn mẹ tấn công.
Thu Hằng(T/h)