Những điều mà cha mẹ nên giấu kín
Tiền tiết kiệm
Ai cũng cần 1 khoản tiền nhất định để tự lo cho bản thân lúc về già. Chúng ta cần tiền để chi trả thuốc men, viện phí, tiền sinh hoạt và rất nhiều chi phí phát sinh. Khi không còn sức lao động, đây là số tiền vô cùng quan trọng với mỗi người.
Vì vậy, người khôn ngoan sẽ không tiết lộ số tiền tiết kiệm với bất kỳ ai, kể cả con cái của mình. Đây là cách họ bảo toàn số tiền dưỡng già, phòng lúc bất trắc và không cần dựa dẫm, nhờ vả vào ai.
Khi giữ kín bí mật này, người lớn tuổi sẽ tự “chừa đường lui” cho chính mình, tránh được nhiều rắc rối về tài chính.
Mỗi người cũng nên hoạch định rõ khoản tiền mình cần để dưỡng già là bao nhiêu. Càng tính toán kỹ lưỡng, bạn sẽ càng có cuộc sống nhàn hạ và bình yên sau khi về hưu.
Giấu kín chuyện thừa kế tài sản
Nhiều bậc cha mẹ thường có suy nghĩ sẽ để lại tài sản cho con cháu, tuy nhiên, điều này nên được giữ kín thay vì nói ra bởi có thể sẽ gây ra những việc trái với mong muốn của các phụ huynh.
Việc tiết lộ cho con cháu biết mình sớm đã có “tài sản riêng” sẽ khiến chúng nảy sinh thái độ sống phụ thuộc, không muốn lao động mà trở nên lười biếng, thui chột ý chí phấn đấu. Những đứa con sống trong cảnh đủ đầy, biết mình có tiền tài đôi khi không ý thức được sự vất vả của cha mẹ mà nảy sinh thói sống hoang phí, đua đòi. Nếu không biết kiểm soát chi tiêu thì rất dễ kéo theo nhiều tai họa.
Hơn nữa, việc nói ra chuyện “thừa kế” quá sớm sẽ có những việc mà cha mẹ không lường trước được. Nếu sau này khi có sự thay đổi trong các khoản thừa kế hay sự phân chia không đồng đều sẽ dễ gây sứt mẻ tình cảm giữa anh chị em, cha mẹ và con cái trong gia đình. Nhất là khi bị cuốn vào vòng xoáy kim tiền, bị những tài sản hiện hữu cám dỗ rồi quên mất giá trị tình thân.
Do đó, cha mẹ thương con nhưng đừng nên cho con cháu những khoản tiền cho những việc không thiết thực vì rất dễ làm hư con cháu.
Mâu thuẫn vợ chồng
Dù ở tuổi nào đời sống hôn nhân cũng nảy sinh những vấn đề, mâu thuẫn khác nhau. Thế nhưng quan trọng là mỗi người đều cần trân trọng những gì mình đang có, thấu hiểu cho nhau để dung hòa với đối phương.
Kể cả những người cao tuổi, vợ chồng cũng thường xảy ra mâu thuẫn. Thế nhưng bạn không nên kể lể cho con cái biết về vấn đề này. Hãy suy xét xem mâu thuẫn ở đâu và cùng người bạn đời của mình tìm ra cách giải quyết.
Nếu như các bậc cha mẹ không chịu ngồi lại và nhìn nhận sự việc mà kể với con cái thì vấn đề vẫn khó được giải quyết. Ngược lại, con cái sẽ phải nhận những nguồn năng lượng tiêu cực và lo lắng cho cha mẹ nhiều hơn.
Giấu kín những lời so sánh, thiên vị
Cho dù không nói ra nhưng con cái thường rất quan tâm đến việc cha mẹ có yêu thương, quan tâm mình giống như các anh chị em khác hay không. Trong vấn đề này, các bậc cha mẹ thường dõng dạc tuyên bố rằng mình không thiên vị con cái, luôn công bằng với các con. Tuy nhiên, sự thật thường không phải hoàn toàn như vậy.
Có một sự thật rằng đa số cặp bố mẹ nào cũng có xu hướng dành tình thương, sự quan tâm cho một đứa con nhiều hơn so với những đứa còn lại. Tuy nhiên, họ dường như không nhận ra rằng con cái rất nhạy cảm và chúng có thể cảm nhận được điều đó.
Dù ở bất kỳ độ tuổi nào, việc thiên vị này nếu thể hiện ra có thể khiến những đứa trẻ không được quan tâm bằng anh chị em khác sẽ bị tổn thương rất nhiều. Thậm chí, điều này có thể thay đổi nhận thức và hành động của những người con được bố mẹ “ít” yêu thương hơn. Họ sẽ cảm thấy “đố kỵ”, luôn có sự so sánh với những anh chị em khác. Từ đó, những mâu thuẫn giữa những mối quan hệ ruột thịt nảy sinh, làm rạn nứt tình cảm gia đình, thậm chí nhiều người còn từ mặt nhau và nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.
Do đó, các bậc cha mẹ nên suy nghĩ kỹ trước khi nói hay hành động để đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực đến các con. Đặc biệt khi về già, những mâu thuẫn của những người trường thành có thể trở nên trầm trọng hơn, vì vậy nên việc cha mẹ hành xử một cách tinh tế, không thể hiện sự thiên vị trong lời nói cũng như hành động đối với bất cứ người con nào mới là khôn ngoan.
Thùy Dung(T/h)