+Aa-
    Zalo

    Cha hại mẹ bất tỉnh, hai con gái vẫn xin giảm án cho cha

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bị vợ ghen tuông và nặng lời xúc phạm, bị cáo Thông đánh đập vợ rồi rút dao chém vào đầu khiến vợ bất tỉnh.

    (ĐSPL) - Bị vợ ghen tuông và nặng lời xúc phạm, bị cáo Thông đã đánh đập rồi rút dao chém vào đầu bị hại Tây khiến cô bất tỉnh với tổn thương 87\% sức khỏe, liệt nửa người và không thể đi lại được. Thế nhưng trong phiên xử án, hai con gái của bị hại cũng là con gái của bị cáo vẫn một mực xin giảm án cho cha.

    Ngày 25/6, TAND tỉnh Quảng Bình đã mở phiên tòa xét sử sơ thẩm đối với hai bị cáo là Phạm Văn Thông (SN 1972) về tội “giết người” và Hồ Thị Cúc (SN1986) về tội “không tố giác tội phạm”, cùng trú tại Bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Điều đáng nói là bị cáo Cúc là em dâu của Thông – chị Hồ Thị Tây. Phiên tòa lác đác chỉ vài người, hai con gái của Thông được mẹ ủy quyền trong vai trò người bị hại đến phiên xử và ai cũng xót xa khi chứng kiến cảnh cha đứng trước vành móng ngựa còn hai con ngồi ở ghế bị hại.

    Bị xúc phạm, đánh vợ bất tỉnh rồi ném xuống sông

    Theo cáo trạng của Viện kiểm soát, vào khoảng 19h ngày 16/9/2014, Phạm Văn Thông và Hồ Thị Cúc (là em dâu của Thông) cùng tổ chức uống rượu tại nhà Thông. Vì trời tối nên Thông đã chủ động đưa Cúc về. Đến 23h cùng ngày, chị Hồ Thị Tây (vợ Thông) chờ mãi mà không thấy chồng về liền đi tìm. Khi chị này thấy Thông và Cúc đi về hướng ngược lại. Lúc này, nghi ngờ chồng và em dâu có tình cảm với nhau, chị Tây nổi cơn ghen và to tiếng chửi bới, xúc phạm chồng và Cúc.

    Bực tức vì vợ xúc phạm, Thông đã dùng tay đánh vào gáy, dùng chân đá vào bụng chị Tây, khiến chị này ngã sấp mặt xuống cầu. Sau khi bị ngã, đau đớn, chị Tây la khóc và luôn mồm kêu cứu. Thấy thế, Thông không dừng lại mà rút dao đi rừng chém mạnh một nhát vào đầu khiến vợ bất tỉnh. Nghĩ rằng vợ đã chết, Thông liền ôm vợ ném từ trên cầu cao 3,3m xuống sông khi phía dưới nước đang chảy mạnh.

    Chứng kiến toàn bộ sự việc nhưng khi nghe Thông dặn là không được nói với ai, Hồ Thị Cúc đã không trình báo sự việc với cơ quan công an. Sau đó cả Thông và Cúc lại rủ nhau về nhà Thông, trên đường về Thông tiếp tục dặn Cúc là không được nói chuyện này với ai. Sau đó, tại nhà Thông cả hai tiếp tục uống rượu và hát hò như không có chuyện gì xảy ra.

    Về phần chị Tây, sau khi bị Thông ném xuống sông, một lúc sau chị tỉnh lại và kêu cứu. Rất may một người dân ở gần đó nghe thấy tiếng kêu cứu của chị liền tới cùng mọi người đưa chị đi cấp cứu tại bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới. Tại bản kết luận giám định pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy: chị Tây bị chấn thương đốt sống cổ, gãy móng gai, vỡ thân đốt sống, hiện tại bị liệt hai chân dưới, nằm tại chỗ và lở loét, hoại tử vùng cùng cụt...tỉ lệ tổn chung thương chung 87\%.

    Mong cha sớm được về nhà để chăm sóc các em

    Bị liệt hai chân cùng nhiều tổn thương nên trong phiên xử này, bị hại là chị Hồ Thị Tây không thể có mặt mà ủy quyền cho hai con gái đến với tư cách là đại diện người bị hại. Vì là người dân tộc Chứt (thuộc nhóm Mã Liềng) nên khi mới bắt đầu vào phiên tòa, chủ tọa hỏi gì hai chị em cũng nhìn nhau cười không hiểu. Khi chủ tọa hỏi đi hỏi lại, vừa hỏi vừa giải thích thì hai chị em mới bập bẹ trả lời. Có điều đặc biệt là trước giờ nghị án, cả hai chị em cứ nhắc đi nhắc lại một câu rằng mẹ bảo xin tòa giảm án cho bố để bố còn về nuôi hai em nhỏ.

    Nghe những lời này, những người có mặt trong phiên tòa không khỏi xót xa. Chuyện của người lớn đã kéo cả con trẻ liên lụy khiến bây giờ chúng vừa trong vai trò đại diện cho bị hại là mẹ, cũng là con của bị cáo là cha. Nghe những lời của hai đứa trẻ xin tòa giảm án cho cha, nhiều người không khỏi chạnh lòng. Có lẽ chị Tây đã mường tượng được cảnh sống của các con khi mình nằm liệt giường còn cha chúng vướng vào vòng lao lý, nên đã nuốt nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần để tha thứ cho chồng, mong chồng được giảm án để còn sớm trở về nuôi dạy các con.

    Bị cáo Phạm Văn Thông và Hồ Thị Cúc tại phiên tòa

    Khi nghe những lời của hai con xin giảm án cho mình, ánh mắt bị cáo Thông chợt chùng xuống, hai bàn tay vò vện vào nhau. Chắc hẳn bị cáo không nghĩ rằng sẽ có lúc gia đình các con bị cáo rơi vào tình thế này chỉ bởi một phút nóng giận không kiềm chế được hành vi của mình. Và chắc hẳn bị cáo cũng bất ngờ khi mà người vợ với thương tích khắp mình do bị cáo gây ra vẫn bảo các con xin giảm án cho cha.

    Tại phiên tòa, cả Phạm Văn Thông và Hồ Thị Cúc đều tỏ ra ăn năn, hối lỗi và thành khẩn khai báo. Sau khi xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ, như cả hai bị cáo Thông và Cúc đều là người dân tộc Chứt, không biết chữ, cả hai cùng thuộc diện hộ nghèo, khó khăn và chưa có tiền án tiền sự... Riêng bị cáo Cúc còn phải nuôi bốn con nhỏ (chồng đã mất) nên TAND tỉnh Quảng Bình đã tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Thông 8 năm tù, Hồ Thị Cúc 24 tháng tù treo.

    Lúc bị cáo Thông được cảnh sát tư pháp dẫn ra xe chở phạm để về nơi giam giữ, hai đứa con bị cáo lật đật ôm một bao mì tôm, lương khô chạy theo đưa cho cha. Nhìn cảnh này ai cũng thấy chạnh lòng bởi giờ đây cha vào tù, mẹ nằm liệt giường không còn khả năng lao động, những đứa trẻ này phải nhờ sự cưu mang của người thân và bà con lối xóm và tương lai không biết sẽ ra sao. Hỏi còn giận bố không, cô con gái nhỏ của bị cáo là Phạm Thị Khánh (SN 1996) bảo còn nhưng cũng mong bố nhanh được về nhà để chăm sóc mẹ và hai em. Khánh còn kể, để đến dự phiên tòa sáng nay, cả hai chị em phải bắt xe đi từ hôm trước do nhà cách đó hơn 150km. Theo lời kể của Khánh thì tiền phòng ở lại và tiền ăn một chú công an trả cho chứ hai chị em không có tiền.

    Còn với bị cáo Thông, khi thấy hai con chạy đến dúi vào tay mình bao mì tôm, lương khô với lời nhắn nhủ hãy nhanh trở về nhà với chúng, khuôn mặt bị cáo đã chùng xuống, đôi môi mím chặt. Có lẽ lúc này đây bị cáo Thông mới thấm thía hết được hậu quả khi chính mình đã đẩy gia đình vào tình cảnh thế này. Bị cáo vào tù, vợ bị cáo thì nằm liệt giường, không còn khả năng lao động, rồi đây 6 đứa con của bị cáo trong đó có hai con đang học tiểu học và mầm non sẽ ra sao. Người thân và bà con lối xóm tuy có giúp đỡ nhưng cũng chỉ một phần, bởi ở độ tuổi này các con của bị cáo đang rất cần sự chăm sóc yêu thương của cha mẹ mình.

     HÀ ANH
    Xem thêm video:
     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cha-hai-me-bat-tinh-hai-con-gai-van-xin-giam-an-cho-cha-a100691.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.