Tôi thường hỏi trẻ con trong một số trường hợp, vì chúng trong sáng, cái lý của nó thông thoáng và đơn giản, quyết cái rẹt, không hề oằn tà là vằn chút nào. Và, nghe lời khuyên của chúng, tôi vừa từ chối 5 triệu USD!
Trước khi đi Đà Nẵng công tác, tôi đưa hai đứa nhỏ đi ăn phở. Đứa lớn, con gái 13 tuổi, thằng nhỏ 10 tuổi. Để chúng nó có thời gian suy nghĩ, ít nghịch dại trong lúc tôi vắng nhà; và cũng muốn kiểm chứng rằng giữa rất nhiều tiền và bố, chúng chọn ai. Ba bố con ăn phở, tôi hỏi: “Có người hứa cho bố 5 triệu USD. Nên lấy hay không, các con?”.
Con gái lớn: “Oà òa, 5 triệu USD là bao nhiêu, bố? Mua được bao nhiêu cái ôtô nhỉ?”.
Tôi trả lời: “Khoảng hơn 100 tỉ đồng Việt Nam. Mua được khoảng 500 cái nhà, còn ôtô chắc cũng chừng ấy cái xịn đấy”.
Nó ồ lên, “thế mình có nhà, có xe rồi, tiền ấy tha hồ mà tiêu. Có chừng ấy tiền, nhà mình là đại gia rồi, bố nhỉ”.
Một lúc sau nó hỏi: “Mà người ta quen bố à? Sao người ta lại cho nhỉ…?”.
Thằng nhỏ vừa ăn vừa suy tư, vì tôi hỏi thật sự, khiến nó căng thẳng. Tôi giao nhiệm vụ cho hai đứa trong hai ngày phải đưa ra quyết định. “Các con quyết lấy, bố sẽ lấy. Có tiền hay không có tiền là do các con đấy nhá”.
Tôi đi công tác ở Đà Nẵng, đang uống cà phê với bạn bè, thì con gái lớn a lô: “... Con hỏi này, tức là nếu con đồng ý thì bố lấy tiền về luôn à?”. -“ Ừ, bố đang đợi các con quyết định. Con nói "OK" phát là bố vác tiền về luôn”.
Nó nói lớn: “Không bố ơi. Hai ngày vừa rồi con cứ ngồi nghĩ, nhà mình thế là được rồi. Bố đừng lấy nhé. Con sợ lắm. Sợ người ta lừa bố…”. – “Sao mà lừa được chứ. Bố thông minh mà”.
- “Không bố ơi, đừng lấy. Con không muốn bố bị làm sao đâu. Người ta là người lạ mà. Nguy hiểm lắm”. Tôi nói, con nghĩ cho kỹ, bố muốn lấy tiền lắm. Nó cuống quýt bảo không.
Tôi bảo con gái chuyển điện thoại cho thằng cu. Nó quyết: “Con và chị bàn rồi mà bố. Quyết định là không lấy bố nha. Con sợ bố bị bắt lắm…”.
Nếu tôi không đùa với chúng, có lẽ sẽ chẳng biết nó yêu mình đến thế. Và, trẻ con ngửi thấy mùi nguy hiểm chính xác hơn mình.
Mấy ngày nay, thấy có người nghèo trả lại nhiều tiền cho người đánh mất, thấy vui. Cái lẽ đương nhiên, bài học vỡ lòng “nhặt được của rơi tìm người đánh mất” đáng ra chúng ta phải làm nhiều hơn thế. Thế nhưng, vì lòng tốt hiếm nên người ta trân quý và phải cổ vũ, khen thưởng. Lẫn lộn nỗi buồn ngay trong niềm vui.
Bỗng có đống tiền không phải của mình, có nên giữ lại tiêu xài được không? Nhặt được tiền, không ai biết, thì cứ tiêu, có gì mà boăn khoăn?
Không được lấy? Trả lại. Vì thương người đánh mất, hay vì mình?
Ông cha nói câu “lộc bất tận hưởng”. Vì sao? Những thứ tiền tài đến với mình mà không có lý do, khó giải thích, cần san sẻ bớt, tránh rủi ro, hạn ách. Lộc rơi vào đầu, không ngẫu nhiên, có khi là phép thử của cuộc đời, họa ập ngay xuống chứ chẳng chơi, nếu cứ tham lam vô lối. Bản chất của cuộc sống, của mọi sự vật hiện tượng là có âm, có dương. Phúc- họa, Họa - phúc có trong mọi thứ, xoay vần, biến đổi. Tán lộc là vì mình, không phải vì người. Cũng giống như các Mạnh Thường Quân làm từ thiện là để cứu mình, giảm bớt những lọc lừa, xảo trá lúc kiếm tiền bằng cách làm từ thiện để cân bằng thiện - ác, họa -phúc.
Người ta thống kê, đa số người trúng số độc đắc thường có cuộc sống không hạnh phúc, nghèo túng lúc tuổi già. Tôi tin điều này, tiền đến có thể coi là phúc, cũng có thể là họa, tùy góc nhìn của mỗi người. Nếu biết sử dụng, làm tốt cho cuộc đời, tiền ấy sẽ sinh phúc. Chi tiêu cho mình, khư khư giữ lấy thì tiền sẽ hết, tình cũng tan. Cũng có thể giết nhau vì khoản tiền ấy. Thà nó không có còn khi được bình yên! Nhiều người sau khi trải qua bao đau khổ mới ước trở thành người bình thường, thèm khát bình yên là vậy!
Chuyện các vụ án lớn đang nhắc nhở chúng ta về điều này.
Tiền không phải của mình rồi nó sẽ ra đi. Và, nó ra đi theo cách nào? Nếu là người thông thoáng, nó sẽ đi theo kiểu cho, mượn, ăn chơi, mất mát, thất thoát… Tiền ra kiểu này, có khi khỏe. Nếu người ki bo giữ cho bằng được, tiền sẽ đi theo kiểu con cái bòn rút, hư hỏng, thân thể bệnh hoạn, tù đày, thậm chí mất mạng vì kẻ cướp. Tiền ra kiểu này, đau đớn!
Ông cha hay có câu, “của đi thay người”, nó hay thế đó. Tiền mất có khi lại được khỏe, cố giữ nó bằng mọi cách thì gây họa lớn. Thôi thì mất tiền mà khỏe cái thân, đừng để mất theo kiểu bị cướp bị giết, còn gì nữa mà giữ.
Tiền không phải của mình, sẽ không ở lại với mình. Nếu của mình, nó sẽ là của mình. Không chỉ tiền, mà mọi thứ cũng vậy. Cứ kệ, tùy duyên, thuận tự nhiên. Mong cầu cũng chẳng được, níu giữ cũng không ích gì.
Những người trả lại tiền, trả lại rất nhiều tiền, ngoài việc họ là người tốt, tôi tin họ hiểu cái lẽ được mất từ những khoản tiền "trên trời rơi xuống". Nhặt được tiền không có gì hay ho cả. Trả lại tiền là tốt cho mình, tốt cho người mất, tốt cho cuộc đời. Cứ xởi lởi, tốt bụng thế, trời thương!
Nhà thơ Trần Nhuận Minh có bài thơ “Dặn con”, đại ý, nếu có ăn xin vào nhà, có gì thì con cứ cho, đừng hỏi quê quán họ ở đâu. Chó nhà mình dữ lắm, giữ nó lại, đừng để cắn người ăn xin. Hành khất là tội trời đày ở nhân gian. Và ông kết: “Lòng tốt gửi vào thiên hạ/ Biết đâu nuôi bố sau này”.
Nếu con không tốt thì có ngày bố cũng đi ăn xin. Lòng tốt ấy có khi cứu rỗi bố. Cuộc đời biến thiên vô cùng tận, chả biết đâu mà lần.
Lại nhớ chuyện ông cụ bán vé số ở miền Tây bỗng trúng số, ông ấy mang tiền trả ơn, cho người nghèo khắp nơi. Tôi tin ông ấy hiểu cuộc đời này vay trả - trả vay, tiền bạc mang đến phúc thì cũng mang đến họa. Giữ lại chút phần vừa đủ của mình thôi.
Cuộc đời là vậy. Nhặt được tiền, nên trả lại. Có lộc lá hãy cùng ban phát. Có tình thương hãy cứ yêu thương như mặt trời cho tia nắng, cây cho bóng che, dòng sông cho nước mát…, hồn nhiên, vô tư “cho gió cuốn đi hết”.
Cứ sống vậy chẳng ai nghèo được đâu nhỉ?
LÊ ANH ĐẠT/Lao động