Trong quá trình tranh chấp bóng, nếu các cầu thủ va chạm mạnh mà không kiểm soát và tiên lượng đúng mức độ nghiêm trọng của thương tích có thể dẫn tới tử vong.
Theo báo Thanh niên, cuối tuần rồi, trong trận đấu thuộc giải vô địch Indonesia, thủ môn Choirul Huda của CLB Persele Lamongan đã băng ra để ngăn cản một tình huống tấn công từ cầu thủ đội Semen Pardang nhưng lại va chạm với chính đồng đội của mình.
Xem trên clip, sau pha va chạm, Huda vẫn tỉnh táo và còn ngồi lên chứ không ngất ngay. Sau đó anh đã bị xỉu và dù được bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng Huda đã qua đời tại bệnh viện vào chiều 15/10. Theo kết luận, anh bị tổn thương mạnh ở đầu và gáy.
Thủ môn Choirul Huda thiệt mạng sau cú va chạm trên sân. Ảnh: Twitter |
Cái chết của thủ môn Choirul Huda là trường hợp mới nhất và không phải hy hữu. Trong vòng 15 năm trở lại đây đã có hơn 100 cầu thủ thiệt mạng vì nhiều lý do như va chạm mạnh trên sân, bị đột quỵ và các chứng bệnh khác liên quan đến tim mạch. Trong năm 2017, cầu thủ trẻ Abdelhak Nouri của CLB Ajax bị đột quỵ trong một trận đấu tập hồi tháng 7, được chẩn đoán bị tổn thương não, vĩnh viễn phải sống thực vật; hay tiền vệ Cheick Tiote (Bờ Biển Ngà) qua đời đột ngột sau một cơn đột quỵ ngay trên sân bóng.
Trước đó, tháng 5/2016, cầu thủ người Úc gốc Malaysia, Stefan Petrovski mới 18 tuổi cũng bị thiệt mạng vì bị sét đánh khi thi đấu trên sân. Cầu thủ Jumadi Abdi, cũng người Indonesia, thiệt mạng hồi tháng 3/2009 vì tung chân quá cao khi tranh chấp bóng khiến bị rớt xuống quá mạnh gây xoắn ruột với dạ dày, qua đời sau 8 ngày cấp cứu điều trị. Cầu thủ người Brazil, Cristiano Junior thiệt mạng hồi tháng 1/.2004 ở Ấn Độ khi anh bị chấn thương nặng sau một pha va chạm nhưng không có bác sĩ cấp cứu kịp thời.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV báo VnExpress, bác sĩ Randell DuPraw, Trung tâm trị liệu thần kinh cột sống Maple Healthcare cho biết, va chạm trong trận đấu bóng đá là điều khó tránh khỏi. Khi hai cơ thể rắn chắc của các cầu thủ va chạm vào nhau sẽ tác động một lực rất lớn lên đối phương, khốc liệt nhất là cú va chạm ảnh hưởng trực tiếp đến cột sống và đầu. Một đốt sống có thể nứt nếu lực tác động vào đúng vị trí huyệt đạo, khiến nạn nhân tê liệt hoặc tử vong do ức chế vùng xương sống chi phối trực tiếp đến hô hấp hoặc tim.
Theo bác sĩ Randell DuPraw, nghiên cứu tại Mỹ cho thấy chấn thương xảy ra thường xuyên ở các môn thể thao mang tính đối kháng mạnh như bóng đá và bóng bầu dục. Các chuyên gia định nghĩa dạng chấn thương này là “contact sport”. Tức là khi chơi các môn mang tính đối kháng, các cầu thủ sẽ tiếp xúc với lực tác động mạnh trong suốt trận đấu. Gãy xương, vết cắt và vết bầm tím là chấn thương không thể tránh khỏi.
Một số chấn thương thể thao có thể dẫn đến tử vong nếu không kiểm soát và tiên lượng đúng mức độ nghiêm trọng của thương tích. Nạn nhân có thể chết do tính chất phức tạp của quá trình đông máu. Một số trường hợp cầu thủ có khiếm khuyết bẩm sinh hay di truyền mà bác sĩ không phát hiện nên không kiểm soát được triệu chứng trong suốt quá trình điều trị chấn thương thể thao.
Khảo sát của ngành y trong chấn thương thể thao cho thấy những thương tổn phổ biến nhất với vận động viên là tổn thương gân và dây chằng. Các chấn thương này thậm chí còn khó điều trị hơn gãy xương, do cơ chế tự chữa lành của cơ thể ở những bộ phận này kém. Bên cạnh đó là các vấn đề khác nhau từ mắt cá chân, căng cơ, đĩa đệm thoát vị, rách màn bao khớp, tình trạng đau vai, khuỷu tay đối với người chơi tennis, đau lưng với các tay golf.
Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách khi chấn thương, quá trình hồi phục có thể kéo dài đến vài tháng. Chấn thương có thể tái phát nhiều lần và trở thành vấn đề nghiêm trọng. Do đó, việc cẩn thận và biết cách phòng ngừa có thể giảm thiểu nguy cơ này.
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời khuyên của các bác sỹ cho hay, để giảm thiểu nguy cơ chấn thương cần: Luôn dành thời gian thích đáng để khởi động và căng cơ trước khi luyện tập hay thi đấu. Điều này không có gì mới và có vẻ như ai cũng biết, nhưng nhắc lại cũng không thừa; vì thực tế đã cho thấy rất nhiều ca chấn thương đã xảy ra do không khởi động hoặc khởi động không kỹ.
Với các vận động viên đỉnh cao, các bước khởi động khá đa dạng và phức tạp. Đối với những người chơi bóng có tính chất luyện tập, có thể khởi động bằng việc xoay chuyển làm mềm các khớp; chạy, nhảy hay bước bộ tại chỗ trong 5-10 phút, sau đó làm căng cơ ép dẻo, mỗi nhóm cơ khoảng 30 giây.
- Luôn mang nẹp bảo vệ cẳng chân khi thi đấu: Nhiều vận động viên bị chấn thương ở cẳng chân khi không mang nẹp hoặc nẹp bảo vệ không đảm bảo.
- Phục trang thích hợp: Nên mang giày đế đúc đinh cao su hoặc đế có xẻ rãnh để tăng ma sát. Những đôi giày đế đinh vít có nguy cơ gây chấn thương cao hơn. Tuy nhiên, nên mang loại giày này nếu cần tăng độ bám khi thi đấu trên nền sân ướt, cỏ dài.
- Sử dụng bóng làm bằng chất liệu tổng hợp, không thấm nước khi chơi trên những sân ướt. Bóng da sẽ bị ngấm nước và nặng hơn khi ướt, làm tăng nguy cơ chấn thương cho vận động viên.
- Tránh bám đu lên xà ngang hay vào lưới: Đã có những chấn thương đáng tiếc xảy ra do trượt ngã, cọc gôn đổ ở những sân chơi nghiệp dư không đủ tiêu chuẩn. Trên thế giới cũng đã xảy ra trường hợp một cầu thủ bị rách đứt ngón tay do nhẫn móc vào lưới khi anh ta bám đu vào lưới sau lúc ghi bàn.
- Các cọc gôn nên được bọc đệm nhằm giảm những tai nạn có thể xảy ra cho thủ môn và các cầu thủ khác khi va đập vào cọc gôn.
- Bề mặt sân chơi phải được bảo đảm tốt, bằng phẳng, loại bỏ gạch đá vụn, lấp đầy ngay các chỗ trũng hay các lỗ nếu có.
- Có những hiểu biết cơ bản về cách xử trí ban đầu những chấn thương nhỏ như các vết xước rách da mặt, bầm tụ máu, các tổn thương nhỏ ở gân cơ, giãn dây chằng, co rút cơ...
- Chuẩn bị tốt và có kế hoạch cấp cứu, điều trị kịp thời những chấn thương nặng, nghiêm trọng như gãy xương, trật khớp hay các chấn động khác.
Nguyễn Hà(T/h)