Do ảnh hưởng dịch COVID-19, giai đoạn 2 LS V-League theo kế hoạch ban đầu sẽ được tổ chức tập trung trên 9 sân cỏ miền Bắc nhưng đã phải hoãn lại. VPF sau khi lấy ý kiến HĐQT và 27 CLB đã đề xuất VFF hoãn giải tới tháng 2/2022 và đã được thông qua.
Tuy nhiên, có 6/14 đội V-League muốn dừng, huỷ giải và công nhận kết quả hiện tại. Trong số này có Hải Phòng, Sài Gòn FC và SLNA, 3 đội đang đứng cuối bảng xếp hạng V-League. Hầu hết các đội đều cho rằng nếu giải hoãn lâu, đội bóng sẽ gặp khó khăn về kinh tế.
Các đội như HAGL, Viettel hay Thanh Hoá thì muốn tiếp tục đá. HAGL ủng hộ kế hoạch của VPF, trong khi Viettel và Thanh Hoá muốn đá sớm hơn.
Chủ tịch CLB bóng đá Hải Phòng Văn Trần Hoàn đã có văn bản gửi VFF và VPF với nội dung khi giải hoãn, CLB sẽ mất hàng chục tỷ đồng để duy trì nuôi đội bóng tới tháng 2. Ông Hoàn vì vậy yêu cầu VFF và VPF phải đền 30% chi phí nếu V-League không diễn ra đúng kế hoạch dự kiến.
CLB Nam Định cũng gửi đơn lên VFF và VPF đề nghị hỗ trợ nếu giải đấu tiếp tục phải hoãn dài hạn như hiện nay.
“CLB Nam Định vừa mới gửi đơn đề xuất VPF có phương án hỗ trợ cho các câu lạc bộ bởi tình hình hiện nay là khó khăn chung. Còn riêng với Nam Định thì tôi đề xuất với những con số cụ thể.
Chúng tôi muốn được hỗ trợ 30% kinh phí hoạt động nếu như V.League có thể tiếp tục trở lại vào tháng 2. Nếu đến lúc đó không đá được thì VPF hỗ trợ 50% tiền thiệt hại", ông Trần Thái Toán, Giám đốc điều hành CLB Nam Định, cho biết.
Được viết, CLB Hải Phòng có mức giảm đến 70% lương của cầu thủ. Trong khi đó, CLB Nam Định với tình hình tài chính không mấy khả quan cũng giảm 50% thu nhập cầu thủ, bao gồm cả các ngoại binh như Wesley, Rodrigo Dias hay Oussou Konan. Một số cầu thủ trẻ thu nhập thấp có thể được giảm ít hơn.
Trong những ngày tới, rất có thể sẽ có những cuộc họp giữa VFF và VPF để tìm ra phương án tháo gỡ khó khăn cho các CLB. Nhiều đội bóng chuyên nghiệp tại Việt Nam không thể “tự kiếm tiền” từ bóng đá, kinh phí hoạt động trông chờ vào nguồn ngân sách từ địa phương hoặc “bầu sữa” của doanh nghiệp đỡ đầu. Do vậy, mức độ "tổn thương" khi có biến cố kinh tế - xã hội là điều khó tránh khỏi.
Mộc Miên (T/h)