(ĐSPL) - Ở đất lửa Vĩnh Linh, có rất nhiều gia đình đã đi vào huyền thoại. Thế nhưng, với riêng đại gia đình cụ Phan Đình Đồng thì đó là một câu chuyện rất khác. Huyền thoại ấy được khắc nên không chỉ bởi cụ Đồng là ngưới lính đầu tiên và duy nhất gác đèn biển ở vĩ tuyến 17, mà đó còn là nơi hội tụ tình yêu, máu xương, nước mắt và cả những sợi dây giao cảm tâm linh kỳ lạ.
Nhạc phẩm "Câu hò bên bờ Hiền Lương" và niềm cảm hứng bất tận
Nghe câu chuyện tình cảm động của người lính gác đền biển Cửa Tùng, được nhạc sỹ Hoàng Hiệp phổ nhạc từ một cựu binh người Thái Bình trong dịp về thăm lại chiến trường xưa kể lại, đã thôi thúc chúng tôi về Vĩnh Linh tìm lại nhân vật chính.
Thế nhưng, tìm đỏ mắt quanh ngọn hải đăng ở bờ biển Cửa Tùng lẫn ngọn hải đăng Mũi Lài ở gần địa đạo Vịnh Mốc, chẳng ai hay biết thông tin về gia đình người gác đèn biển năm xưa. Đang lúc thất vọng, định bỏ cuộc, chúng tôi gặp ông Hoàng Đức Đàn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).
Ngọn hải đăng Cửa Tùng được xây dựng lại thay thế cho ngọn hải đăng cũ đã bị bom đánh sập. |
Nhắc đến người lính gác đèn biển Cửa Tùng trước giải phóng, mắt ông Đàn chợt nhòa lệ, ông cho biết: "Bây giờ về Cửa Tùng, cô chú hỏi không ai biết cũng phải thôi, bởi cả hai ngọn Hải Đăng hiện tại đều mới được xây dựng gần đây. Còn ngọn hải đăng năm xưa đã bị bom Mỹ đánh sập từ thời chiến tranh rồi. Còn người gác đèn biển ngày ấy là cụ Phan Đình Đồng, nhưng cụ đã mất từ bốn năm trước. Ngày ấy, vợ và con trai đầu của cụ hy sinh, nay chỉ còn duy nhất cô con gái út, o du kích Phan Thị Hoa (60 tuổi), đang sống ở thị trấn Cửa Tùng...".
Người lính gác đèn biển đầu tiên và duy nhất ở Cửa Tùng. |
Men theo những con ngõ quanh co ven biển Cửa Tùng, chúng tôi về thăm căn nhà nhỏ của bà Hoa tại khối phố Hòa Lý (thị trấn Cửa Tùng). Tiếp chúng tôi là một người phụ nữ phúc hậu, làn da bánh mật và đặc biệt là giọng nói "ngọt", đậm chất biển. Nhắc về cha của mình, giọng bà Hoa chợt trầm xuống, bà kể: "Ông cụ sinh năm 1915, quê gốc ở thôn 9, xã Gio Hải (nay là xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Hồi còn thanh niên, cụ lăn lộn ở Pháp 11 năm để học và nghiên cứu về ngành điện. Trở về Việt Nam, cụ tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình - Trị - Thiên".
"Đến năm 1954, cụ Đồng nhận được lệnh tập kết ra Bắc, phụ trách trạm đèn biển Cửa Tùng. Lúc cụ lên đường, thì mẹ tôi (cụ bà Khổng Thị Nậy - PV) đang mang thai tháng thứ ba. Đứa trẻ đó chính là tôi bây giờ... Và như một sợi dây linh cảm kỳ lạ, năm 1955, đúng đêm mẹ tôi trở dạ thì cha tôi bí mật từ bờ Bắc sông Bến Hải trở lại bờ Nam. Chiến tranh ác liệt nên lúc đó, cụ chỉ kịp nhìn, đặt một nụ hôn lên má mẹ con tôi, rồi lại phải trở về bờ Bắc làm nhiệm vụ. Đó là một đêm rét bầm, trong căn hầm bí mật chỉ vừa đủ để mẹ con tôi nằm co ro...", bà Hoa cho biết thêm.
Lúc chia tay lên đường nhận nhiệm vụ, giữa cụ Đồng và cụ Nậy có một lời nguyện ước, rằng hai năm sau hiệp thương kết thúc, ông sẽ lại trở về đoàn tụ với gia đình. Thế nhưng, chính cụ Đồng cũng không thể ngờ được cái lời hứa hai năm ấy, đến 20 năm sau mới có thể thực hiện được. Mỹ hất cẳng Pháp, biến cầu Hiền Lương thành giới tuyến phi quân sự, âm mưu chia cắt đất nước ta vĩnh viễn. Vậy là cứ đằng đẵng gần 20 năm trời, ngày nào cụ Đồng cũng lên đỉnh ngọn hải đăng Cửa Tùng, làm xong nhiệm vụ, cụ lại hướng ánh mắt về phương Nam. Mỗi lần nghe tiếng máy bay gầm rú, nhìn những cột khói đen ngòm bốc lên từ những mái nhà, cánh đồng bờ Nam là tim gan cụ cồn cào, đứng ngồi không yên.
Và tình cờ trong một lần về thực tế tại vĩ tuyến 17 cuối năm 1956, nhạc sỹ Hoàng Hiệp đã bắt gặp ánh mắt của người lính Phan Đình Đồng trên tháp canh Cửa Tùng. Cái nhìn xa xôi, như xoáy sâu vào từng nhành cây, ngọn cỏ ở bên kia giới tuyến, đã cuốn hút người nhạc sỹ đa cảm từ lần gặp gỡ đầu tiên. Lần gặp lại sau đó một năm, vẫn khuôn mặt ấy, ánh nhìn ấy và chính điều đó đã thôi thúc nhạc sỹ Hoàng Hiệp đi tìm nguyên nhân. Trước người nhạc sỹ từng trải, anh lính gác đèn thật thà thú thật: "Nhà tôi ở ngay chỗ chòm dương có những cây cao nhất đó. Ở đó còn có vợ và con của tôi. Vì vậy, hằng ngày tôi lên đây không chỉ để làm nhiệm vụ mà còn để nhìn về quê hương. Có vài lần tôi đã trông thấy ai như vợ con tôi, đang từ xóm ra bãi để nhận cá mang ra chợ bán. Tôi muốn kêu to lên gọi tên vợ con cho đỡ nhớ...".
Ngay trong đêm hôm đó, những ý tứ của bài hát "Câu hò bên bờ Hiền Lương", được nhạc sỹ Hoàng Hiệp phôi thai. Sau đó, cùng với nhạc sỹ Đằng Giao cộng tác phần lời, bài hát ấy đã vang lên làm rung động hàng triệu trái tim yêu thương...
Nước mắt ngày đoàn viên
Cuối năm 1955, cụ bà Khổng Thị Nậy, khi ấy vừa sinh con, nhưng rất can trường giả vờ làm người buôn cá để vào lân la bán cho các đồn bốt địch. Ít ai biết rằng quang gánh nặng vai, nhưng cụ Nậy vẫn kiên nhẫn đếm nhẩm từng bước đi để về cộng lại rồi tính ra khoảng cách, cự ly từng đồn lính giúp bộ đội nã pháo trúng đích. Trong một trận kịch chiến với địch tại vĩ tuyến 17, cụ Nậy đã anh dũng hy sinh. Khi ấy cụ bà đang là Bí thư Đảng ủy xã Gio Hải - Huyện ủy viên. Con trai cả của vợ chồng cụ Nậy, ông Phan Đình An giữ chức Xã đội trưởng xã Gio Hải, khi đó cũng đã trở thành liệt sỹ. Không lâu sau, ông Phan Đình Trung, con trai thứ của hai cụ cũng qua đời.
Chiến tranh ác liệt, gia đình của ngôi làng cát trắng ven biển ấy, chỉ còn duy nhất bà Phan Thị Hoa, o du kích tả xung hữu đột trên sông Bến Hải. Sự rắn rỏi trên chiến trường đã ăn sâu vào huyết quản của người phụ nữ quả cảm. Cuối năm 1972, sau gần 20 năm bặt tin tức, cụ Đồng biết con gái mình đang có mặt ở xã Vĩnh Kim, bờ Bắc sông Bến Hải, làm nhiệm vụ nhận thêm quân về bờ Nam chiến đấu. Ông tìm đến để được gặp con. Như có linh tính mách bảo, lúc đó cả năm cô du kích trạc tuổi nhau, nhưng ngay ở giây phút chạm mặt đầu tiên, cụ đã giữ chặt vai bà Hoa gọi tên con.
Bà Phan Thị Hoa, cô du kích gan dạ năm nào giờ đã lên chức bà. |
Cuộc trùng phùng trong nước mắt giữa hai cha con chỉ diễn ra trong một đêm, rồi bà Hoa tạm biệt cha trở về bờ Nam. Sau khi nước nhà thống nhất, bà Hoa lập gia đình. Chồng bà là người cùng quê ở bờ Nam. Nhưng biết hoàn cảnh cha vợ thui thủi một mình nơi đầu sóng ngọn gió, ông động viên bà sang bờ Bắc mua nhà định cư ở thị trấn Cửa Tùng để được gần cha.
"Sau giải phóng, trạm canh đèn biển đã bị bom san lấp hoàn toàn. Nhưng nó gần như đã trở thành một phần máu thịt của mình, nên ông cụ quyết định cất một căn nhà nhỏ cạnh bờ biển, ngay sát ngọn hải đăng lúc trước. Ngày ngày, dù mắt đã mờ, chân đã yếu nhưng cụ vẫn chống gậy ra bờ biển dõi mắt về bờ Nam, để được sống mãi với phần ký ức về hình ảnh người vợ từng một thời son sắt chờ chồng, nơi các con của cụ đã hy sinh vì Tổ quốc", bà Hoa tâm sự.
Khúc tình ca được sống nhờ... Bác Hồ Ít ai biết rằng, bản tình ca "Câu hò bên bờ Hiền Lương" đã suýt bị "tuyên án tử", nếu không có sự chỉ thị của Bác Hồ. Thời đó, nhiều người coi bài hát đó là nhạc vàng, ủy mị, không cho phổ biến. May mắn là Bác Hồ nghe được và thấu hiểu khúc tâm tình trong bài hát trên, Bác khen bài hát đó chứa chan tình cảm của những gia đình hai bên bờ giới tuyến, nên bài hát lại được vang lên, như bản tình ca bất diệt của tinh thần yêu nước và sống mãi đến ngày nay. |