+Aa-
    Zalo

    Câu chuyện về những người ở Châu Âu vội vã bay sang Mỹ trước lệnh cấm 30 ngày

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tuyên bố bất ngờ của ông Donald Trump đã làm gián đoạn kế hoạch di chuyển của hàng chục ngàn người cũng như giáng một cú đòn lớn vào các hãng hàng không.

    Tuyên bố bất ngờ của nhà lãnh đạo Mỹ đã làm gián đoạn kế hoạch di chuyển của hàng chục ngàn người cũng như giáng một cú đòn lớn vào các hãng hàng không vốn đang lao đao vì dịch bệnh.

    Dòng người chen chúc tại quầy bán vé Delta Airlines, bên trong nhà ga 2E tại sân bay ở Roissy, Pháp hôm 12/3. Ảnh: Reuters.

    Theo lệnh của Tổng thống Donald Trump, việc cấm bay từ Châu Âu (trừ Anh) sang Mỹ chính thức có hiệu lực vào ngày 13/3 (giờ Mỹ), nhằm ngăn ngừa sự lây lan dịch Covid-19.

    Việc ông chủ Nhà Trắng đưa ra quyết định bất ngờ này đã gây ra sự hoảng loạn tại các sân bay châu Âu.

    “Mọi thứ đều rối tung”, Anna Grace, 20 tuổi, một sinh viên Mỹ đang trong chuyến du lịch châu Âu đầu tiên,cho biết. Cô đã phải đổi vé để bay từ sân bay Madrid, Tây Ban Nha, về nước, thay vì tiếp tục hành trình tới Pháp. Những người bạn của Grace kém may mắn hơn khi không đổi được chuyến bay.

    Ông John Eckard, 66 tuổi, từ New York sang thăm con trai ở TP Frankfurt (Đức). Khoảng 3h ngày 11/3, ông đang ngủ ngon tại nhà con trai thì vợ ông từ Mỹ gọi điện sang báo tin “phải bay về ngay bây giờ”.

    “Tôi lúc đó còn ngái ngủ nhưng vẫn phải vô ngay trang web của hãng Singapore Airlines. Tôi đoán tôi là người cuối cùng mua được chiếc vé cuối cùng, vì tôi ngồi ở cái ghế cuối của hàng cuối”, ông Eckard kể lại.

    “Chúng tôi lo lắng rằng chúng tôi sẽ không thể về nước. Nếu lệnh cấm kéo dài thêm 30 ngày và chúng tôi bị mắc kẹt, tình hình sẽ rất khó khăn, tốn kém, việc quay về hay ở lại đều khó khăn”, Jay Harrison, 29 tuổi, một cư dân Atlantia, cho biết.

    Du khách Mỹ Keasy, từ San Francisco, cho biết: “Điều này phá huỷ kế hoạch của tôi. Tôi mới đến đây hôm qua mà mọi thứ đảo lộn hết cả chỉ trong 24 giờ”. 

    Dù các công dân Mỹ không phải đối tượng bị cấm, Keasy cho biết cô và nhiều người khác muốn trở về nhà để phòng trường hợp lệnh cấm mở rộng, hoặc nguy cơ nhiễm bệnh khi ở châu Âu. 

    Miguel Paracuellos, một người Tây Ban Nha đang làm việc ở Mỹ, cho rằng ông Trump đang cố gắng bù đắp cho sự thất bại của mình trong chương trình xét nghiệm và rà soát bệnh nhân Covid-19. “Ông ấy đổ lỗi cho kẻ thù bên ngoài, mà trong trường hợp này là châu Âu”, Paracuellos nói. 

    Jon Lindfors, một du khách Mỹ ở Paris, cũng chê trách ông Trump gay gắt. “Ông Trump nói đây không phải một cuộc khủng hoảng y tế và không phải khủng hoảng kinh tế, nhưng đúng là thế. Chúng tôi không tin điều ông Trump nói nữa”, Lindfors nói

    Một hành khách tại sân bay Frankfurt, Đức ngày 12/3. Ảnh: Reuters

    Bên cạnh đó, một tiếp viên hàng không hãng Delta cho hay lệnh cấm đi lại của ông Donald Trump đã khiến hãng này không kịp xoay xở. “Mọi chuyện sắp trở thành mớ hỗn độn lớn. Chúng tôi không lường trước điều này. Chúng tôi không nắm rõ toàn bộ thông tin, không hiểu lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến chúng tôi và công ty ra sao”, người này nói. 

    Trong khi đó, ngày 11/3, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo cũng sẽ áp đặt một hạn chế đi lại 60 ngày với các quân nhân, các quan chức bộ này cũng như gia đình của họ đến, đi tới hoặc quá cảnh các nước trong danh sách "Cấp độ 3" từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, có hiệu lực vào ngày 13/3.

    Khi ban hành lệnh cấm, ông Trump nói ông phải quyết định thế vì Liên minh châu Âu (EU) đã không có biện pháp quyết liệt để ngăn đà lây lan của virus. Lệnh cấm của ông Trump không áp dụng với công dân Mỹ.

    Theo Reuters, tuyên bố cấm bay từ châu Âu của ông Trump không những ảnh hưởng đến kế hoạch đi lại của hàng chục ngàn người mà còn làm trầm trọng hơn chuyện kinh doanh của các hãng bay vốn đã rất khó khăn trong mùa dịch, chưa kể làm xấu hơn quan hệ của Mỹ với EU.

    Ngày 12/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cùng ra tuyên bố chung thể hiện sự không đồng tình với lệnh cấm bay của Mỹ vốn được quyết định đơn phương và không có sự tham vấn nào. Tuyên bố cũng khẳng định EU đang thực hiện các biện pháp mạnh để hạn chế đà lây của virus.

    Mộc Miên(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cau-chuyen-ve-nhung-nguoi-o-chau-au-voi-va-bay-sang-my-truoc-lenh-cam-30-ngay-a315292.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan