+Aa-
    Zalo

    Câu chuyện về người mẹ biến cậu con trai tự kỷ nặng thành thần đồng Vật lý

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mặc cho các chuyên gia nói con trai không còn hy vọng, một bà mẹ ở Mỹ vẫn kiên trì nuôi dạy con thành thiên tài Vật lý.

    Mặc cho các chuyên gia nói con trai không còn hy vọng, một bà mẹ ở Mỹ vẫn kiên trì nuôi dạy con thành thiên tài Vật lý.

    Nể phục cách người mẹ nuôi dạy cậu con trai tự kỷ

    Jacob được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ khi mới 2 tuổi. Ảnh: The Spark.

    Ngày 26/5/1998, ông Michael Barnett và bà Kristine Barnett đến từ bang Indiana, Mỹ chào đón người con thứ ba, cậu bé Jacob Barnett.

    Họ sớm nhận ra con trai mình khác biệt so với những đứa trẻ bình thường. "Mỗi khi tôi bế Jacob, thằng bé sẽ uốn cong lưng và quay đi. Jacob không thể giao tiếp bằng ánh mắt với tôi. Ngay từ lúc một tuổi, thằng bé thường hướng ra cửa sổ và nhìn chăm chăm vào bóng tối hoặc xoay quả bóng suốt nhiều giờ. Trong khi những đứa trẻ khác hiếu động và thiếu kiểm soát, con tôi lại rất rõ ràng và ngăn nắp", mẹ của Jacob, bà Kristine kể lại.

    Các bác sĩ chẩn đoán Jacob bị tự kỷ và nói rằng cậu sẽ không bao giờ biết đọc, biết viết, thậm chí là thực hiện những hoạt động bình thường như buộc dây giày. Nhiều phương pháp chữa trị được áp dụng, hàng loạt chương trình giáo dục đặc biệt giúp Jacob phục hồi đều vô hiệu. Cậu bé tự kỷ ngày càng nặng và sống khép kín hơn.

    Mặc cho những chuyên gia và cả giáo viên đều nói Jacob bị tự kỷ nặng và hầu như không còn hy vọng để học tập và phát triển như những đứa trẻ bình thường, mẹ của cậu bé vẫn không hề mất niềm tin ở con, bà đã từng nói: "Là một người mẹ, bằng tất cả trái tim mình, chúng tôi biết điều con mình muốn và chúng tôi tin tưởng nhiều hơn nữa vào điều đó. Thậm chỉ cả khi nó đi ngược với những gì người khác nói".

    Thậm chí ngay cả vào những lúc vô cùng lo sợ nhưng bà cũng vẫn luôn giữ niềm tin vào con. Vào năm Jacob lên 8, bà Kristine quyết định đưa con trai đến Đại học Indiana để diễn thuyết về toán học, thiên văn học và vật lý.

    Bà Kristine nhắn nhủ đến tất cả những bậc làm cha, làm mẹ, đặc biệt là những người có con bị tự kỷ. "Trong mỗi đứa trẻ luôn có một tia sáng".

    Tin vào nhìn nhận sáng suốt của mình trong quá trình chăm sóc con ở nhà, bà Kristine quyết tâm theo đuổi "tia sáng" phát lộ ở Jacob – đam mê của cậu bé đối với Vật lý. Tại sao phải tập trung vào những điều cậu không làm được mà không hướng đến những điều cậu có thể làm? Triết lý này, cùng với niềm tin vào sức mạnh của cách vui chơi thời thơ ấu, đã giúp cậu bé phát triển một cách đáng kinh ngạc.

    "Con tôi thích các hành vi lặp lại. Nó có thể chơi với một cái ly và nhìn vào ánh sáng, xoay trở nó hàng tiếng không ngừng. Thay vì cất cái ly đi, tôi mang thêm cho con 50 cái ly, đổ đầy nước với các mức khác nhau và cho con được tha hồ khảo sát", bà kể, "tôi mang cho con tất cả những gì con thích".

    Cũng như nhiều ông bố bà mẹ có con bị tự kỉ khác, ban đầu bố mẹ Jacob cũng cho con theo học chương trình giáo dục đặc biệt dành cho trẻ bị tự kỷ. Nhưng tất cả các phương pháp đều không có tác dụng mà thậm chí còn khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. "Suốt thời gian đó, thằng bé không nói được bất kỳ từ nào, không giao tiếp ánh mắt với bất kỳ ai, không phản ứng lại khi được gọi tên. Nếu được ai đó ôm, thằng bé sẽ đẩy người đó ra", bà Kristine kể lại.

    Và thực sự như vậy, Jacob ngày càng tiến bộ dưới sự trông nom dạy dỗ của mẹ mình. Trong khi bà để cho cậu bé tự khám phá những điều cậu muốn, học về những thứ liên quan đến Vật lý. Bà cũng chắc chắn rằng con mình cũng được chơi những trò chơi con trẻ, hay đi picnic như bất cứ đứa trẻ nào ở lứa tuổi của cậu.

    Cuối cùng chính những nỗ lực không mệt mỏi này của người mẹ đã dần dần biến Jacob từ một đứa trẻ tự kỷ nặng, tương lai mù mịt thành một thiên tài vật lý.

    Cậu bé có IQ cao hơn Albert Einstein

    Cậu bé tự kỉ ngày nào đã trở thành thần đồng nổi danh trong làng Vật lý thế giới.

    Theo báo chí Canada, Jacob là nghiên cứu sinh nhỏ tuổi nhất trong lịch sử 16 năm hoạt động của Viện Vật lý lý thuyết Perimeter. Thành tích học tập của nam sinh khiến bất cứ nhà quản lý đào tạo nào cũng phải nể phục.

    Jacob gần như lướt qua thời trung học chỉ trong 2 tuần tại chương trình học sớm của Đại học Purdue Indiana, sau khi bỏ dở lớp 5. Không lâu sau đó, cậu trở thành tân sinh viên nghiên cứu Toán học và Vật lý Thiên văn của ngôi trường này, khi chỉ mới 10 tuổi.

    Theo Theplaidzebra, năm lên 9, Jacob đã tự nghiên cứu Thuyết tương đối của Einstein và cố gắng mở rộng nó.

    Sau khi xem công trình nghiên cứu của cậu bé, GS Scott Tremaine (Đại học Princeton, Mỹ), nhận xét rằng: "Kiến thức mà Jacob nghiên cứu bao gồm những vấn đề phức tạp nhất trong Vật lý học Thiên thể và Vật lý lý thuyết. Bất cứ ai giải quyết được chúng đều sẽ giành giải Nobel".

    Tài liệu nghiên cứu này của cậu bé sau đó được xuất bản tại Đại học Indiana. Giới truyền thông cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến thành tựu kinh ngạc của Jacob là chỉ số IQ lên đến 170 của nam sinh.

    Jacob thấu hiểu quang phổ khi 2 tuổi. Lên 3, cậu có thể ghi nhớ kiến thức của các thành phố và dễ dàng hoàn thành bức tranh ghép 5.000 miếng. Đến năm 4 tuổi, Jacob gây kinh ngạc khi nhớ rõ bản đồ đường bộ của Mỹ hay có thể chơi piano mà không cần học.

    Cậu bé có thể hoàn thành mọi bài kiểm tra trí nhớ. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng trí thông minh của Jacob sẽ không ngừng tăng lên và tạo ra những ý tưởng vô hạn.

    Thanh Tùng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cau-chuyen-ve-nguoi-me-bien-cau-con-trai-tu-ky-nang-thanh-than-dong-vat-ly-a294100.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan