Đội mũ bảo hiểm vốn là điều kiện bắt buộc đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện khi tham gia giao thông, nhằm hạn chế số ca chấn thương sọ não khi tai nạn giao thông xảy ra. Đây là quy định rất đúng đắn nhằm bảo vệ an toàn cho chính bản thân những người tham gia giao thông.
Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều người không chấp hành nghiêm quy định này. Không chỉ không đội mũ bảo hiểm, nhiều người đối phó bằng cách đội mũ bảo hiểm rởm, mũ thời trang không bảo đảm chất lượng (không có tem kiểm định, tem hợp quy…) hoặc đội không đúng quy cách như không cài quai hoặc cài lỏng lẻo, không ôm cằm, gây mất tác dụng của mũ.
Những năm qua, các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tác hại của đội mũ bảo hiểm kém chất lượng khi tham gia giao thông. Các ngành chức năng cũng liên tục tổ chức những đợt kiểm tra hoạt động kinh doanh mũ bảo hiểm, phát hiện và thu giữ số lượng lớn “hàng rởm”. Song tại nhiều tuyến đường của Hà Nội, không khó để bắt gặp tình trạng các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng được bán tràn lan, với giá bán chỉ vài ba chục nghìn đồng/cái, mẫu mã bắt mắt, nhiều kiểu dáng.
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật về câu chuyện mũ bảo hiểm ở Việt Nam, ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á (Quỹ AIP) cho biết: "Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á đã làm việc với Chính phủ Việt Nam trong vòng 24 năm qua và chúng tôi đặc biệt tập trung vào lĩnh vực sử dụng phương tiện xe gắn máy và những yếu tố bên cạnh xe gắn máy. Trong những năm qua, chúng tôi đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam từ việc xây dựng quy định tiêu chuẩn mũ bảo hiểm đến quy định thực thi của pháp luật dựa trên những quy định quốc tế để hệ thống quy định pháp luật được hoàn chỉnh và áp dụng thực tế đối với người dân.
Tôi rất hoan nghênh sự hỗ trợ cũng như tinh thần luôn luôn học hỏi, tìm hiểu từ những quốc gia lân cận để xây dựng hệ thống pháp luật tốt nhất. Đơn cử như việc quy định người tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm thì những con số về thương vong, tử vong được giảm thiểu đáng kể. Trong chặng đường dài đó chúng ta luôn có sự đồng hành của các tổ chức quốc tế cùng với sự lãnh đạo của Chính phủ và tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn giao thông xe máy".
Ông Greig Craft cũng cho rằng, việc đội mũ bảo hiểm sẽ liên quan trực tiếp đến sự an toàn của người sử dụng và hành vi sử dụng, buôn bán mũ bảo hiểm kém chất lượng là hành vi vô đạo đức.
"Tôi được biết rằng trong thời gian tới chúng ta sẽ có những giải pháp, biện pháp để hạn chế việc sử dụng mũ lưỡi trai, mũ bảo hiểm thời trang hiện đang được lưu hành, sử dụng rộng rãi trên thị trường. Có lẽ chúng ta phải cùng đồng hành để hạn chế việc sử dụng, kinh doanh này và khi đó chúng ta mới dần cải thiện được việc cho người dân sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Đây chính là yếu tố then chốt để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông", ông Greig Craft bày tỏ.
Ông Qingfeng Li, Tiến sĩ MHS, Trợ lý giáo sư, Y tế quốc tế, Phó giám đốc, Đơn vị nghiên cứu chấn thương quốc tế cho biết, tại Việt Nam xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính, chiếm 95% phương tiện lưu hành.
Việt Nam đã có thành công lớn trong việc thúc đẩy đội mũ bảo hiểm nhờ các biện pháp kết hợp, từ sản xuất mũ bảo hiểm đến bán và thực thi. Tuy nhiên, 3/5 số ca tử vong do TNGT đường bộ vẫn liên quan đến xe máy và trong số đó 3/4 do chấn thương đầu.
Để giảm TNGT và tử vong từ xe máy, theo ông Qingfeng Li cho rằng đội mũ bảo hiểm là biện pháp chính.
Theo WHO, đội mũ bảo hiểm đúng cách có thể giảm 42% nguy cơ tử vong trong tai nạn và giảm 70% nguy cơ bị thương nặng.
Để tốt nhất cho người tham gia lưu thông, tất cả người dùng xe máy và xe gắn động cơ đi trên đường bộ đều phải đội mũ bảo hiểm. Đồng thời, cần đội và thắt mũ bảo hiểm tiêu chuẩn. Hiện 167 quốc gia thực thi luật bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm và quản lý tốc độ.