Thượng tuần tháng Năm vừa qua, BS Andrew Bryant, Chuyên khoa Tiêu hóa có 20 năm kinh nghiệm, đang hành nghề ở Brisbane, Úc, đột ngột từ trần.
Bức tường im lặng đã được dỡ bỏ nhanh chóng bởi một lá thư của vợ ông, thông báo rộng rãi cho đồng nghiệp biết rằng chồng bà đã tự sát ngay trong phòng làm việc của ông, có lẽ nguyên nhân chính là do trầm cảm nặng.
Làm việc trong môi trường xung quanh là các bác sĩ đủ ngành, trong gia đình cả cha mẹ ông đều là bác sĩ chuyên khoa tâm thần, hai anh, em trai cũng là bác sĩ, em gái là y tá chuyên khoa tâm thần, không một ai có thể biết và ngăn được BS Bryant tránh khỏi một cái chết thương tâm, oan uổng mà có thể ngăn ngừa được.
Ý nghĩ tự sát trong bệnh lý tâm thần là một cấp cứu y khoa khẩn cấp có khi còn hơn một bệnh lý thực thể nguy hiểm. Với bệnh lý thực thể, người bệnh có biểu hiện nguy cấp, có đủ năng lực và trí tuệ để tìm kiếm sự giúp đỡ, họ ý thức được sự nguy hiểm và họ sợ điều đó.
Ngược lại, với bệnh nhân trong nhóm bệnh tâm thần một khi đã có ý nghĩ tự sát thì họ đã mất năng lực điều khiển hành vi, họ không còn có đủ lý trí để tự ngăn ngừa mình ra khỏi hành vi nguy hiểm. Tệ hơn nữa, những người có biểu hiện loạn thần (psychosis), hành vi tự sát lại có thể là bị hoang tưởng xúi dục họ phải chết, hoang tưởng đó liên tục ám ảnh trong con người mất lý trí, cả hai, trầm cảm nặng và loạn thần đều có nguy cơ tìm đến cái chết rất cao.
Nhiều trường hợp biểu hiện của người bệnh không đủ rõ ràng, nhất là bệnh cảnh bị hành vi sinh hoạt thường nhật của họ che lấp, và người bệnh không thổ lộ cho ai biết ý nghĩ tự sát. Nên chỉ khi cái chết xảy ra, việc hồi cứu lại thông tin mới có thể lắp ghép lại được một bức tranh đầy đủ của một cấp cứu y khoa khẩn cấp.
Trường hợp của cố BS Bryant nằm trong ngữ cảnh đó. Chưa bao giờ có tiền sử biểu hiện trầm cảm, từ tháng 02/2017 Bs Bryant có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, mà vốn ông không phải là người ngủ nhiều. Bao nhiêu lần vợ giục ông phải đi khám xem có vấn đề gì đối với giấc ngủ của ông, ông vẫn lần lữa. Là một người hay lam hay làm, ông vẫn bận rộn đi về với công việc hàng ngày với bệnh nhân của mình.
Từ thời điểm lễ Phục sinh, Bs Bryant có biểu hiện trở nên lo lắng, về phòng mạch, về việc điều hành ở đó, về tài chính về một vài bệnh nhân và cả lo lắng về chuyên môn của mình. Ông dường như trở nên lầm lì và ít giao tiếp hơn. Vốn nhạy cảm, nhưng chính vợ của ông cũng không biết như vậy là có gì bất thường ở chồng mình không, hay ông vẫn luôn bận rộn, bù đầu vào công việc như vốn ông vẫn thế suốt 20 năm qua.
Kỳ trực trong đợt nghỉ lễ Phục sinh là đợt trực tệ hại nhất mà ông từng trải qua, ông như quả bóng xì hơi sau đó. Lại bận rộn, đến độ không dự được cả bữa tối mừng sinh nhật của con trai và nhiều bữa cơm tối gia đình sau đó.
Tuần trước khi qua đời, BS Bryant trông suy nhược, vẫn mất ngủ và gần như hết năng lượng. Bà vợ bày tỏ sự lo lắng của bà về tình trạng sức khỏe của ông, nhưng ông vẫn không phản ứng gì. Bà nài nỉ ông đi khám, ông vẫn trơ, vẫn đi làm, vẫn khám bệnh nhân, vẫn về muộn như thường lệ. Hai ngày trước khi tìm đến cái chết, buổi tối về nhà ông rất buồn và khóc vì một bệnh nhân của ông vừa mới qua đời. Điều này cũng không có gì lạ, vì ông luôn buồn khi một bệnh nhân nào đó của ông ra đi. Hai hôm sau, ông đã tự tử tại phòng mạch của mình.
Hồi cứu lại những triệu chứng thì tất cả đều rõ ra đó là một tập hợp của các biểu hiện trầm cảm nặng (major depression). Không ai khai thác được các biểu hiện của dấu hiệu thối lui trong cuộc sống của ông cũng như các dấu hiệu loạn thần, và ý nghĩ tự sát vì ông không chịu đi khám.
Cái khó cho người thầy thuốc khi là bệnh nhân ở chỗ đó. Họ nghĩ là họ biết họ, nhưng kỳ thực trong bệnh tâm thần, người bệnh đã mất lý trí và năng lực trí tuệ. Đã thế còn khó hơn đối với người nhà không làm trong nghề, vì họ bị cho là không biết gì. Cứ thà như đau bụng, đau đầu, sốt hay ói mửa dù người nhà là tay ngang thì cũng biết gọi cấp cứu. Còn những biểu hiện bệnh lý về mặt tâm thể thì nó nhiều khi lẫn lộn với ngay cả những hành vi hay một thói quen thường ngày của họ. Cái khác giữa một biểu hiện của một bệnh lý tâm thần với thói quen hay nhân cách là các biểu hiện hay hành vi đó có tác động nghiêm trọng đối với sinh hoạt thường ngày của họ, đối với toàn trạng.
Trường hợp thương tâm tương tự xảy ra ở Sydney hồi đầu năm 2017, BS Chloe Abbott, mới 29 tuổi được coi là "nhà vô địch của các bác sĩ trẻ", vì cô nằm trong đội tuyển quốc gia từng được tham dự giải bơi thế giới năm 2003. Áp lực công việc và thi cử, cô đã phải đánh vật với 40 giờ học mỗi tuần cho các kỳ thi của bác sĩ trẻ chưa kể công việc, theo gia đình, đó là nguyên nhân làm cho Chloe tìm đến cái chết. Trước đó mẹ cô đã khuyên cô rời bỏ nghề nhưng không kịp.
Tự sát trong ngành nghề nói chung, ngành y khoa nói riêng không hề mới. Một nghịch lý cho thấy là mức độ hài lòng với công việc và thu nhập lại dường như không có liên quan gì đến tỷ lệ tự sát cả.
Khá nhiều ngành nghề, nhân viên bày tỏ không hài lòng với tỷ lệ cao, thu nhập làng nhàng thì họ vẫn ngày hai buổi đong đều và vui vẻ nhận lương. Y khoa không phải là một ngành dễ nhằn, tuy nhiên nó được coi là một ngành được xã hội ưu ái trọng vọng, được coi đó là chuẩn vàng của nghề nghiệp. Hay nói cách khác là một ngành dễ làm hài lòng nhiều người và thu nhập lại không hề thấp, nếu không nói là luôn trong nhóm dẫn đầu của thu nhập cao. Thế nhưng, các con số thống kê cho thấy tỷ lệ tự sát trong ngành y khoa cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung và cao nhất trong các ngành nghề.
Ước tính cho thấy mỗi năm tại Mỹ có ít nhất 400 bác sĩ tự tử. Số liệu của Viện Quốc gia về Sức khỏe và An toàn Nghề nghiệp ở Mỹ so sánh tỷ lệ tự sát của ngành nghề so với con số chung (tỷ suất) cho thấy TỶ LỆ TỰ SÁT CAO NHẤT NƯỚC là BÁC SĨ với tỷ suất 1.87, kế đến là NHA SĨ, 1.67; dược sĩ đứng ở hàng thứ 10 với tỷ suất 1.29. [
Kết quả trong một nghiên cứu về sức khỏe tâm thần ở Úc tiến hành trên 14 nghìn bác sĩ và sinh viên y khoa- một nghiên cứu trên diện rộng đầu tiên trên thế giới, đã đưa ra các con số đáng suy nghĩ. Một trong 5 sinh viên và 1 trong 10 bác sĩ đã từng có ý nghĩ tự sát trong vòng 12 tháng trước đó. Hơn 40% sinh viên và 25% bác sĩ có biểu hiện rối loạn tâm thần nhẹ, như trầm cảm hay rối loạn lo âu ở mức độ nhẹ.
Có 3.4% các bác sĩ hiện đang bị ức chế về tâm lý ở mức độ nặng, con số này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của cộng đồng. Trong khi các bác sĩ chuyên khoa ung thư chiếm tỷ lệ cao nhất về ức chế tâm lý nặng thì các ngành không làm việc trực tiếp với bệnh nhân như nghiên cứu hay hành chính y khoa lại có tỷ lệ có ý nghĩ tự sát cao hơn.
Với những người làm việc nhiều giờ (trên 46 giờ/tuần), bác sĩ nam thì có xu hướng uống rượu ở mức nguy hiểm ở tỷ lệ cao hơn, còn bác sĩ nữ có xu hướng bị ức chế tâm lý và có ý nghĩ tự sát cao hơn. Hẳn đây là điều đáng lo ngại vì trong cộng đồng, nam giới có tỷ lệ tự sát cao hơn nữ giới gấp 4 lần. [6] Các bác sĩ trẻ làm việc nhiều giờ (trên 50h/tuần) có xu hướng nặng hơn nhiều về ức chế tâm lý, suy nhược và có ý nghĩ tự sát cao hơn nhiều so với các đồng nghiệp lớn tuổi.
Tóm lại, những điều tưởng chừng không mới nhưng vẫn chưa bao giờ cũ. Một người thầy thuốc chết vì một bệnh hiểm nghèo có thể coi là một điều trớ trêu nhưng là định mệnh, còn một thầy thuốc mà chết vì tự sát là một oan khiên, mà có thể tránh được. Và cũng như thế, việc tự tìm đến cái chết của BS Andrew Bryant một bác sĩ Chuyên khoa Tiêu hóa có 20 năm kinh nghiệm cũng không có gì mới, nhưng vẫn là một tiếng chuông tiếp tục gióng lên cảnh tỉnh các đồng nghiệp: đừng bao giờ ẩn mình, hãy cởi mở, hãy chia sẻ, hãy tìm đến sự giúp đỡ. Chúng ta cũng chỉ là một con người bình thường, cũng đau ốm về mặt thể chất và tinh thần, cũng cần sự giúp đỡ của người khác kể cả không phải là đồng nghiệp. Nó giúp cho chúng ta có thể tránh được một thảm kịch cho bản thân cho gia đình và cho cả xã hội.
Thêm vào đó, các cơ quan, các tổ chức quản lý nhân sự và chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp cần phải có chính sách và giải pháp hữu hiệu trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế chứ không riêng về sức khỏe thể chất.
Sự đời "dao sắc không gọt được chuôi"
Nguyễn Đình Nguyên