+Aa-
    Zalo

    Câu chuyện cảm động ở lớp xóa mù chữ cho trẻ em nghèo của chàng hướng dẫn viên du lịch

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Học trò của anh chủ yếu là những đứa trẻ nghèo mưu sinh trên đường phố, cũng có người đã ngoài 30 tuổi, hay đôi khi, đến hơn 20 người trong một gia đình cùng theo học.

    Dù không tốt nghiệp trường sư phạm, nhưng chàng trai 30 tuổi ấy đã gắn bó với bục giảng hơn 10 năm nay. Học trò của anh chủ yếu là những đứa trẻ nghèo mưu sinh trên đường phố, cũng có người đã ngoài 30 tuổi, hay đôi khi, đến hơn 20 người trong một gia đình cùng theo học.

    Lớp học Ngọc Việt.

    Nghỉ việc tại công ty để đứng lớp

    Phố xá lên đèn, lớp học tình thương của Huỳnh Quang Khải (30 tuổi, TP.Hồ Chí Minh) cũng vừa kịp sáng. Nằm trong một con hẻm nhỏ của quận 12, không gian chật hẹp nhưng được trang bị đầy đủ bàn ghế, bảng, tủ sách và dụng cụ học tập. Đây là nơi xóa mù chữ, chắp cánh ước mơ cho khoảng 50 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

    Vừa tan giờ làm, anh Khải vội vã bỏ lại phía sau những ồn ào, tấp nập của đường phố để về với lớp học của mình. Nhìn anh đứng trên bục giảng, ân cần giải thích và sửa bài cho học sinh, ít ai nghĩ rằng anh lại là một chàng hướng dẫn viên du lịch. Không khí lớp học bao giờ cũng sôi nổi, không thể thiếu những nụ cười hồn nhiên và ngân vang tiếng tập đọc của trẻ thơ.

    Anh Khải gọi tên lớp học miễn phí của mình là Ngọc Việt. “Tôi muốn nói rằng, từng em trong đây đều là viên ngọc quý”, anh lý giải khi bắt đầu cuộc trò chuyện.
    Tranh thủ giờ giải lao, người thầy đặc biệt bùi ngùi nhớ lại: “Tôi cũng từng có một tuổi thơ cơ cực. Mồ côi cha, hoàn cảnh khó khăn nên từ kỳ nghỉ hè năm học lớp 6, trong khi bạn bè đi học thêm, tôi đã phải đi bán vé số, làm hết việc nọ đến việc kia để phụ mẹ đóng tiền học. Ngày đó, tôi sợ nhất là khi đi học về, nhìn thấy cảnh phụ huynh đón con trước cổng trường, ôm hôn con. Cảm giác lúc đó buồn và thiếu thốn vô cùng. Nhiều khi tôi phải bịt mắt lại, chạy thật nhanh để không nhìn thấy những cảnh đó. Bây giờ, nhìn mấy đứa trẻ như vậy, tôi thương nên muốn giúp đỡ”.

    Năm 2009, thấy có quá nhiều hoàn cảnh đáng thương trong khu mình sống, có những đứa trẻ, thậm chí người lớn ngoài 20 tuổi còn không biết chữ, anh cùng một số người bạn đã mở lớp, với mục đích đơn giản là xóa mù chữ để các em không bị ai bắt nạt. Thầy trò sát cánh cùng nhau được 6 năm thì lớp học phải giải tán do mọi người đều bận công việc riêng. Đến đầu năm 2015, Khải là người cuối cùng rời đi.

    “Ngày 26/9/2015, tôi gặp lại tụi nhỏ, mấy đứa nói: “Giờ lớp không còn ai nữa, thầy dạy lại tụi con đi”. Thấy mấy đứa nhỏ ham học quá, tôi không đành lòng bỏ chúng, nên đã một mình gây dựng lại. Sau buổi đó, tôi quyết định mở lại lớp. Thầy trò chúng tôi trải chiếu ngồi dưới đất, đốt đèn cầy học. Sau này mới có điện, ngày nào trời mưa thì thầy trò cùng chạy. Tôi để dành tiền mua tôn cũ về lợp, một thời gian sau, mưa to lại dột, tôi lại phải chắt bóp để mua tôn mới lợp lại cho chắc chắn”, anh hướng mắt về phía những đứa trẻ đang chăm chú tập đọc.

    Do đặc thù công việc, Khải gặp khó khi cân bằng giữa việc dẫn tour du lịch cho công ty và dành thời gian cho học trò. Sau một thời gian trăn trở, năm 2017, Khải quyết định nghỉ việc tại công ty để làm hướng dẫn viên du lịch tự do. Từ đó, thời gian đứng lớp của anh ổn định hơn.

    Năm 2018 Khải lập gia đình, Ngọc Việt lúc đó có gần 60 học sinh. Hai vợ chồng anh vận động được 60 triệu đồng để xây thêm lớp học, nhưng khi xây xong thì chi phí phát sinh lên hơn 100 triệu đồng, đôi vợ chồng trẻ đành bán hết “của hồi môn” mới đủ chi trả.

    Lớp học Ngọc Việt san tay chia sẻ khó khăn giữa mùa dịch COVID-19.

    “Trong tương lai, tôi không mong dạy lớp này nữa”

    Lớp học tình thương sáng đèn suốt các ngày trong tuần. Có hai môn học chính là Toán và Tiếng Việt, ngoài ra, còn có thêm một buổi chia sẻ về “nhân cách sống”. Tuy chỉ áp dụng phương pháp dạy như những gì anh từng được học, nhưng Khải luôn có cách làm cho học trò hứng thú. “Mỗi khi kiểm tra bài, bé nào đúng tôi sẽ thưởng cho một cây kẹo. Qua thời gian, bé nào tích lũy được 10 cây kẹo sẽ được thưởng thêm một phần quà to hơn, 30 hoặc 50 cây kẹo sẽ được tặng thêm cái quần hoặc cái áo. Vì thế, tụi nhỏ rất mong chờ những giờ kiểm tra”, Khải hào hứng chia sẻ.

    Một trong những khó khăn đối với anh chính là vì nhiều phụ huynh miền Tây nghèo khó, lên thành phố làm ăn, thường chỉ cần con đọc được chữ, rồi đi làm chứ không cần học nhiều. Vì vậy, anh luôn phải tích cực vận động phụ huynh cho con đi học.

    “Có hai anh em từ miền Tây lên, cả hai đều học tốt nhưng hoàn cảnh khó khăn. Ba mất sớm, mẹ đã 60 tuổi rồi nên muốn cho chúng nghỉ học để phụ giúp gia đình. Tôi phải đến tận nhà động viên, ngồi vẽ ra một tương lai sáng sủa cho hai đứa. Tôi biết người mẹ không hài lòng nhưng vẫn hỏi ý kiến tụi nhỏ, thì nhỏ em quyết định nghỉ, còn nhỏ anh tiếp tục theo học cho đến giờ cũng được ba năm rồi”, anh nhớ lại.

    Anh Khải giảng bài cho học trò.

    Có những học trò đặc biệt khiến anh không thể nào quên. Nhiều em bị chậm phát triển, bình thường dạy một buổi một bài thì với những em này phải dạy 2-3 buổi. Hay một người cha đã 35 tuổi, nhưng xấu hổ khi không trả lời được câu hỏi “Chữ này đánh vần ra sao?” của đứa con nên đã quyết định đi học.

    “Có một gia đình người Khơ-me có hơn 20 thành viên từ ông bà, bố mẹ, chú bác, cháu chắt không biết chữ đã được anh dạy. Họ không biết tiếng Kinh nên giao tiếp rất khó, tôi phải dạy trong vòng nửa năm. Nhưng vui lắm, trong đó có một bà mẹ ngoài 50 tuổi rồi, khi viết được tên mình đã nói: “Tôi cảm ơn thầy, tôi tưởng cả đời này sẽ không viết nổi cái tên của mình”. Lúc đó tôi thực sự xúc động, tôi nghĩ đó là một trong những niềm vui lớn mà công việc này cho tôi”, giọng anh như nghẹn lại.

    Nhiều học trò sau khi rời khỏi lớp học Ngọc Việt đều có cuộc sống ổn định. Có người về quê trở thành chủ một gara ô tô, chủ tiệm sửa điện thoại di động... Học trò thường xuyên trở về thăm lớp, ngày 20/11 hàng năm, anh cũng được đón nhận niềm vui như những nhà giáo khác.

    “Trong tương lai, tôi không mong là sẽ dạy lớp này nữa. Vì tôi còn phải dạy, tức là vẫn còn người nghèo. Lớp còn một học trò, tôi vẫn dạy, đến đời con tôi mà còn học trò nghèo, tôi cũng sẽ kêu con dạy”, lời khẳng định chắc nịch của Khải lấp lánh một tình thương mãnh liệt đối với học trò.

    21h45, buổi học kết thúc, những gương mặt ngây thơ sáng ngời, hào hứng chào thầy. Ngày mai, chúng lại tiếp tục bán vé số, nhặt ve chai để kiếm sống, tiếp tục theo đuổi con đường tri thức mà Khải đang vẽ ra cho các em.

    Thủy Tiên - Quang Trường

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (36)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cau-chuyen-cam-dong-o-lop-xoa-mu-chu-cho-tre-em-ngheo-cua-chang-huong-dan-vien-du-lich-a338622.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan