(ĐS&PL) “Người Khmer ở Trà Vinh khi xưa nghèo lắm. Nhà tôi càng nghèo. Bố mẹ sinh 7 anh em nên lúc nào chuyện kiếm sống cũng trở nên chật vật. Anh em tôi người làm ruộng, người cấy lúa… Tôi thì thường vác chài đi ra kênh mang tôm cá về cho cha mẹ. Các anh chị tôi không ai được đi học hết, chỉ có tôi có lẽ vì là con út nên được tới trường” – Doanh nhân Chung Minh tâm sự.
Người duy nhất trong gia đình được đi học
Doanh nhân Chung Minh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo người dân tộc Khmer ở huyện Cầu Kè, Trà Vinh. Gia đình anh có 7 anh chị em, cha mất sớm. Anh luôn nhớ về quá khứ đầy gian khó của gia đình. 6 anh chị của Chung Minh sinh ra vào đúng thời điểm đất nước còn khó khăn nên không ai được đi học. Anh sinh sau đẻ muộn nên dường như anh được ưu ái hơn. Anh được cha dẫn đến trường học cùng các bạn người Kinh. Cha luôn nói “Phải cố học con ạ, chỉ có học mới đổi đời được. Nhà mình quá nghèo, không học thì mãi nghèo!”.
Những ngày đầu đi học cũng là những ngày khó khăn với Chung Minh. Người Khmer lúc đó được đi học không nhiều, vào lớp chủ yếu là người Kinh, cậu bé Khmer thường xuyên bị bạn bè chọc ghẹo vì nói sai và ngọng. Nhưng lớp học lại rất vui, không ai ác ý với cậu bé Khmer hiền lành ấy. Chung Minh nhớ lại: “Khi ấy, sáng tôi đi học, trưa về đi chài (chài lưới) để kiếm tôm cá cho bữa cơm thêm ấm cúng. Cũng cực nhọc, vất vả nhưng đi học rất vui và cha tôi lúc nào cũng bên cạnh động viên nên tôi ham tới trường lắm”.
Và “cái chữ” cùng với sự khích lệ của người cha đã khiến Chung Minh đi hết con đường cấp 3 ở quê nhà.
Tốt nghiệp cấp 3 cũng là lúc cha anh qua đời vì bạo bệnh, anh được mẹ gửi lên một ngôi chùa ở Cần Thơ để ôn thi Đại học. Luôn nhớ lời cha dặn dò, Chung Minh quyết tâm sẽ học lên Đại học dù không biết con đường phía trước ra sao. Và trong số 7 anh chị em, Chung Minh là người duy nhất học lên đến bậc Đại học.
Bắt đầu con đường học hành bằng cách vào Đại học dự bị, sau đó anh thi vào Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhớ lại những năm đầu bước chân lên Thành phố, Chung Minh vẫn không thể quên được những khó khăn mà một cậu sinh viên nghèo gặp phải: “Mẹ tôi nghèo lắm, làm gì có tiền mà gửi cho con đâu. Để có tiền trang trải, tôi phải đi làm thuê, làm mướn. Tôi vẫn nhớ công việc đầu tiên là tham gia làm nhân viên cứu hộ ở công viên nước Đầm Sen. Tôi được trả 40 ngàn/1 ngày và được ăn 1 bữa trưa. Với tôi, đó là số tiền rất lớn. Sau này tôi còn tham gia nhiều việc lắm. Đến Tết có Hội Hoa xuân tôi lại xin đi trông hàng cho họ, rồi những ngày Tết tôi cũng tranh thủ đi làm thêm luôn. Nên suốt những năm đi học, chẳng Tết nào tôi được về quê”
Nói về lý do để gắn bó với ngành dược phẩm, Chung Minh cho biết, hồi anh nhỏ, cả huyện Cầu Kè chỉ có một tiệm thuốc Tây nhỏ. Người dân cần mua thuốc quá nhiều mà tiệm thuốc thì quá bé. Từ đó, anh luôn mơ ước mình sẽ làm một điều gì đó liên quan đến dược phẩm để đáp ứng được nhu cầu của người dân nhiều hơn.
Từ ước mơ ấy, Chung Minh luôn dõi theo sát sao các hoạt động ngành dược phẩm. Và đến kỳ thực tập, anh may mắn được một cô giáo cho ở nhờ và phụ giúp việc kinh doanh dược phẩm tại Trung tâm thương mại dược phẩm TP. HCM.
Hướng công ty tới sự đoàn kết và hiện đại
Ra trường, Chung Minh tiếp tục làm thuê tại Trung tâm thương mại dược phẩm và rất sớm bắt tay vào kinh doanh dược và đạt được những thành công ngoài mong đợi. Anh lập Dược phẩm Samaki từ năm 2008 và gắn bó với ngành dược đến giờ. Thời điểm đó, nhiều người không tin chàng thanh niên người Khmer sẽ thành công vì dược phẩm vốn là một lĩnh vực “khó”. Hơn nữa, những người Kinh nhanh nhạy chưa chắc đã dám dấn thân vào. Vậy mà một thanh niên Khmer vừa mới ra trường lại dám lập công ty trong lĩnh vực ấy.
Rất may, sau khi lập Dươc phẩm Samaki, Chung Minh đã sớm đạt được kết quả. Anh trở thành một doanh nhân có tiếng trong ngành.
Dù rất thành công trong dược phẩm nhưng trên chặng đường đời của mình, Chung Minh lại có những giai đoan bén duyên với thế giới giải trí. Anh cũng đã từng thành công vang dội khi đầu tư vào phim “Ngôi nhà trong hẻm” và nhiều dự án giải trí khác. Từ đó, bên cạnh công việc chính của mình, anh có thêm hoài bão mở rộng sang lĩnh vực truyền thông và đầu tư cho các Start up.
Chung Minh chia sẻ: “Tôi vốn có xuất thân nghèo khó, tôi hiểu tình cảnh của một người nghèo đi học vất vả ra sao. Tôi luôn trân trọng những sinh viên nghèo hiếu học. Tôi nghĩ trong khả năng của mình, nếu giúp được họ có môt đòn bẩy nào đó thì cuộc đời của họ có thể sẽ có những bước tiến xa hơn rất nhiều”.
Trộn lẫn những ước mơ, hoài bão, khát vọng, đam mê và cả tình yêu của mình, Chung Minh quyết định đổi tên Dược phẩm Samaki thành Samaki Power để bao quát hơn. Anh giải thích ý nghĩa của Samaki Power: “Tôi nghĩ cái tên đó là đại diện cho sự giao thoa của hai nền văn hoá Đông – Tây. Từ Samaki có nguồn gốc từ ngôn ngữ của người Khmer, được hiểu theo nghĩa tiếng Việt là “đoàn kết” và từ Powercó nguồn gốc từ tiếng Anh được hiểu là “sức mạnh”.
Anh cho biết, công ty của mình sẽ vẫn phát triển ngành dược phẩm bên cạnh đó sẽ hướng tới xây dựng chuỗi phòng khám, bệnh viện, gây quỹ vì bệnh nhân nghèo… Ngoài ra, Samaki Power cũng sẽ thực hiện nhiệm vụ tổ chức, sản xuất các hoạt động, chương trình mang tính giáo dục cao, xây dựng quỹ học bổng nhằm đóng góp cho sự phát triển của các thế hệ tương lai.
Thông tin công ty: Tên doanh nghiệp : CÔNG TY CỔ PHẦN SAMAKI POWER Tên tiếng Anh : SAMAKI POWER JOINT STOCK COMPANY Tên gọi tắt : Samaki Power Trụ sở chính : Số 10 Tản Đà, Phường 10, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Kho hàng : 319 – A8 Lý Thường Kiệt, Phường 15, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Điện thoại : 028.36.207.029 Email : [email protected] Website : www.samakipower.com Mã số thuế : 0315573117 Lĩnh vực hoạt động: - Y tế: Xây dựng chuỗi phòng khám đa khoa, bệnh viện; Phân phối dược phẩm; Bán buôn thuốc, hoá chất xét nghiệm, hoá dược, dược liệu, trang thiết bị y tế,… - Truyền thông & Giải trí: Trang tin điện tử; Tổ chức và sản xuất các chương trình truyền hình, gameshow, TVC quảng cáo; Rạp chiếu phim, mua bán, sản xuất và đầu tư phim điện ảnh,… - Công nghệ: Đầu tư các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực y tế; Thương mại điện tử trong lĩnh vực dược phẩm,… - Đầu tư cho các Start-up tiềm năng |
L. Hương/ Sức Khỏe 365