(ĐSPL) - Chưa có thống kê chính thức nào cho biết bao nhiêu diện tích đất ven biển và ở các khu đô thị lớn đang nằm trong tay nhà đầu tư ngoại. Quy mô của nhiều dự án cho thấy, một diện tích đất không nhỏ đang được người nước ngoài khai thác.
Điều đáng nói là nhiều dự án rơi vào bế tắc hoặc được "sang nhượng" cho bên thứ ba sau khi nhận được đủ ưu đãi. Thậm chí có những dự án đặt ra mối lo ngại lớn hơn về an ninh quốc phòng...
Đất "nhạy cảm" cũng... cấp?!
Những ngày qua, dư luận đang dành sự quan tâm đến thông tin về việc tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa cấp phép cho dự án khu Du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine ở khu vực Cửa Khẻm - nơi xem là mũi vươn ra biển xa nhất của đèo Hải Vân. Khu vực này còn được coi là vị trí rất nhạy cảm về an ninh quốc phòng, nhất là khi cấp phép cho một doanh nghiệp nước ngoài thực hiện.
Tuyến đường 5km đã được trải nhựa dẫn từ đèo Hải Vân xuống khu vực triển khai dự án (nguồn Internet). |
Vấn đề chỉ thực sự gây sự chú ý của dư luận khi UBND TP. Đà Nẵng một mực phản đối dự án này với lý do, đây là khu vực giáp ranh giữa hai địa phương, chưa được phân định địa giới hành chính rạch ròi nên Thừa Thiên - Huế không thể tùy tiện cấp phép cho doanh nghiệp vào đầu tư dự án. Đặc biệt, theo lãnh đạo TP. Đà Nẵng thì ngoài lý do vị trí giáp ranh chưa phân định, thì còn do vị trí dự án này nằm ở khu vực đèo Hải Vân - vùng trọng điểm về quân sự nên không thể giao đất cho một doanh nghiệp được đại diện bởi các doanh nhân nước ngoài. Không những thế, nhiều tướng lĩnh quân đội cũng lên tiếng phản đối việc cấp phép triển khai dự án tại khu vực trọng yếu về an ninh quốc phòng vì cho rằng, có thể "được thì ít mà mất thì nhiều".
Theo tìm hiểu của PV bản báo, dự án khu Du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine triển khai từ năm 2013 đến 2023, gồm có khu nghỉ mát tiêu chuẩn 5 sao công suất 450 phòng, khu nhà nghỉ dưỡng năm tầng với 220 căn hộ cao cấp, 350 căn hộ biệt thự, trung tâm hội nghị quốc tế 2.000 chỗ ngồi, khu dịch vụ, nhà hàng... do công ty cổ phần Thế Diệu (thuộc công ty TNHH World Shine Hong Kong) thực hiện.
Từ sự vụ trên, nhiều người còn phải giật mình với hàng loạt diện tích "đắc địa" của Việt Nam rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại, nhưng đến khi triển khai thì không "ngoại" chút nào. Kinh nghiệm quá đắt cho những chính sách ưu đãi "nặng ngoại, nhẹ nội" của Việt Nam trong thời gian qua phải kể đến thương vụ METRO Cash & Carry Việt Nam bán 19 siêu thị ở Việt Nam cho doanh nghiệp Thái Lan. Quả là nếu không được ưu ái, không dễ gì METRO có được khu đất đẹp ở Bình Phú (Q.6, TP.HCM) để xây dựng siêu thị vì đất này vốn được quy hoạch để làm công viên cho khu dân cư.
Tất cả những khu đất hàng ngàn mét vuông mà METRO xây siêu thị trong cả nước đều nằm ở các khu đô thị lớn, cung đường đẹp như METRO An Phú (Q.2, TP. HCM), METRO Biên Hòa (đường Nguyễn Ái Quốc, Đồng Nai), METRO Buôn Ma Thuột (đường Giải Phóng, Đắk Lắk), METRO Hoàng Mai (đường Tam Trinh, Hà Nội), METRO Hà Đông (đường Tô Hiệu, Hà Nội), METRO Hạ Long (đường Vũ Văn Hiếu, Quảng Ninh)... Nhưng, sau khi xây 19 siêu thị ở các vị trí đắc địa và chưa phải đóng đồng thuế nào, METRO bán cả hệ thống cho một đối tác nước ngoài và thu về gần 870 triệu USD trên đất đai và ưu đãi của Nhà nước chúng ta.
Các nhà đầu tư ngoại cũng được cấp đất dày đặc ở dọc chiều dài bãi biển Việt Nam. Mới đây, để đón một công ty của gia đình tỉ phú Mỹ Rockefeller quyết định đầu tư tổ hợp Vũng Rô Bay, nhà máy lọc dầu trong quy hoạch của tỉnh Phú Yên đã phải dời đi nơi khác. Tại Đà Nẵng, hàng loạt dự án chiếm đất rộng lớn ven biển là nhà đầu tư ngoại như Hyatt Regency của Indochina Land; Ocean Villas của Vina Capital, P&I Resort Nhật Bản. Bên cạnh biển Lăng Cô thì có Laguna Huế của Banyan Tree của Singapore. Còn Quảng Nam có khu nghỉ dưỡng Nam Hội An của liên doanh Genting Malaysia Berhad của Malaysia và Vina Capital. Tỉnh Bình Định là hòn ngọc Việt Nam, khu du lịch Vĩnh Hội của nhà đầu tư Nga. Phú Quốc tỉnh Kiên Giang cũng chen kín dự án ngoại như khu nghỉ dưỡng cao cấp Hòn ngọc châu Á của tập đoàn Trustee Suisse - Thụy Sĩ và liên doanh Việt Nam.
Thế nhưng, không ai lý giải được, vì sao nhà đầu tư ngoại luôn được ưu ái và hậu đãi quá mức trong việc cấp dự án. Thậm chí có người còn ví von đến chuyện, tài nguyên thiên nhiên Việt Nam đang làm giàu cho những người... ngoại quốc. Thực tế cho thấy, tại nhiều dự án, chủ đầu tư ngoại tìm mọi cách chiếm vị trí đất đẹp rồi dùng chiêu "thoát xác" để trục lợi.
Ai chịu trách nhiệm?
Bên hành lang Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, khi PV đặt câu hỏi về những lùm xùm quanh dự án ở đèo Hải Vân, ĐBQH Huỳnh Nghĩa (TP. Đà Nẵng) cho hay: "Vị trí đó rất quan trọng và nhạy cảm, từ thời Pháp, Mỹ đánh vào cũng đổ bộ lên đó. Mặt khác, vị trí đó lại giáp ranh giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP. Đà Nẵng, đến nay chưa phân định rạch ròi từ khi tách tỉnh. Do đó, thành phố Đà Nẵng đã kiến nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế không nên cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài làm khu du lịch tại đó".
Đại biểu Huỳnh Nghĩa cũng cho biết, đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng đã có báo cáo, Thủ tướng đã nhận được văn bản đề nghị và đang chờ đợi Thủ tướng xem xét. Theo ông Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch cũng nói chỗ đó rất tế nhị nên cần thận trọng.
Trước đó, trao đổi với báo giới, ĐBQH - Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, đây là khu vực nhạy cảm, nằm trong khu vực trọng yếu về an ninh quốc phòng, vì thế không thể cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư. Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Quốc phòng thẩm định, xác định địa bàn chiến lược đó.
Cũng theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa báo cáo lên Chính phủ và Bộ Quốc phòng. Dự án này, nếu Bộ Quốc phòng đồng ý thì mới làm được, không thì không thể làm. "Đó là một hòn đảo nhỏ, nằm trong vịnh ở phía đèo Hải Vân và nó có tác động rất lớn, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng. Được thì không biết được bao nhiêu, nhưng mất thì có thể mất nhiều", nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá.
Trong khi đó, nhìn một cách tổng thể hơn về việc cấp đất ồ ạt cho các nhà đầu tư nước ngoài khi chưa xem xét thấu đáo những tổn hại cho địa phương và cho đất nước, ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh) chia sẻ với PV báo Đời sống và Pháp luật: "Tôi nghĩ, ai đề ra quy hoạch đó mà không thực hiện được thì người đó phải chịu trách nhiệm. Thực tế, vừa qua một số dự án treo gây bất bình trong nhân dân, có những dự án lợi ít, hại nhiều nhưng không có ai chịu trách nhiệm hay bị xử lý kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật".
Cũng theo Đại biểu Phương, muốn giải quyết được vấn đề này, từ việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến phê duyệt các dự án đầu tư thu hồi đất, giao đất, sử dụng đất cần đảm bảo tính khả thi cao. Đồng thời, cần phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn đối với cơ quan quản lý, cá nhân phê duyệt việc thu hồi giao đất, tránh tình trạng lãng phí quá lớn và thiếu thấu đáo trong vấn đề an ninh quốc phòng như hiện nay.
"Có một thực tế đáng tiếc, đó là lãnh đạo nhiều địa phương quá ưu ái với nhà đầu tư ngoại, bỏ lơ doanh nghiệp nội. Trong khi thực tế, sau vài năm đầu tư đã có hàng trăm ngàn tỉ đồng mỗi năm "đội nón" ra đi theo nhà đầu tư ngoại", Đại biểu Phương cho hay.
"Chưa cần tính đến đây là khu vực giáp ranh, chưa phân rõ địa giới hành chính giữa Đà Nẵng và Huế, thì việc tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài vào vùng quân sự, nhưng chưa được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng là đã vi phạm luật". (ĐBQH Huỳnh Nghĩa) |