+Aa-
    Zalo

    Cảnh sát giao thông cấp huyện có được xử phạt vi phạm giao thông không?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cảnh sát giao thông cấp quận, huyện có được xử phạt các trường hợp vi phạm giao thông trên đường quốc lộ hay không?

    Cảnh sát giao thông cấp quận, huyện có được xử phạt các trường hợp vi phạm giao thông trên đường quốc lộ hay không?
    Xin được hỏi: Lúc 16h55 ngày 21/4/2015 tôi đang chạy xe đạp điện trên Quốc lộ 13 nhưng vì tôi không đội mũ bảo hiểm nên bị Trung úy Phan Trọng H, Tổ trưởng tổ tuần tra kiểm soát Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi "điều khiển xe đạp điện vi phạm: người điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm".
    Căn cứ quy định tại Điều 6 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP tôi đã có hành vi vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ như trên là đúng.
    Nhưng tôi thấy thắc mắc về nhiệm vụ, quyền hạn: Cảnh sát giao thông thành phố Thủ Dầu Một là Công an cấp huyện.
    Như vậy, căn cứ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ do Bộ Trưởng Bộ Công an ban hành thì Cảnh sát giao thông thành phố Thủ Dầu Một có được quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với người điều khiển xe đạp điện tham gia giao thông trên Quốc lộ 13 không đội mũ bảo hiểm hay không?.
    Không biết Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương có phân cấp tuyến, địa bàn tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm đảm bảo TTATGT cho Cảnh sát giao thông Công an thành phố Thủ Dầu Một được làm nhiệm vụ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật trên Quốc lộ 13 hay không?
    Không biết Tổ tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ  này có được quyền tuần tra, kiểm soát và lập biên bản vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ hành vi người điều khiển xe đạp điện tham gia giao thông trên Quốc lộ 13 không đội mũ bảo hiểm hay không?
    Tôi không biết việc xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với người điều khiển xe đạp điện tham gia giao thông trên Quốc lộ 13 không đội mũ bảo hiểm của Trung úy Phan Trọng H, Tổ trưởng tuần tra kiểm soát Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương là đúng hay không?
    Xin được giấu tên khi đăng, chân thành cám ơn quý Báo! 

    Cảnh sát giao thông cấp huyện có được xử lý vi phạm giao thông không? - Ảnh độc giả cung cấp.

    Xin được tư vấn cho bạn:

    Điều 6, trong thông tư 65/2012/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ đã quy định rõ:
    Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt
    - Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ trong phạm vi toàn quốc.
    - Chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc;
    - Tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ trong phạm vi toàn quốc;
    - Tổ chức lực lượng của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt thực hiện độc lập hoặc chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương, các lực lượng có liên quan thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi toàn quốc.
    Công an cấp tỉnh
    -  Giám đốc Công an cấp tỉnh:
    + Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện việc tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ trong phạm vi quản lý;
    + Quyết định phân công trách nhiệm, phân cấp tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này) giữa Phòng Cảnh sát giao thông và Công an cấp huyện theo quy định tại Thông tư này.
    - Phòng Cảnh sát giao thông:
    + Tham mưu cho Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định bố trí lực lượng của Phòng Cảnh sát giao thông và Công an cấp huyện tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ theo địa giới hành chính của địa phương;
    + Bố trí lực lượng, tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ thuộc địa giới hành chính của địa phương; đường tỉnh, đường đô thị (đối với đô thị loại I) theo quyết định phân cấp của Giám đốc Công an cấp tỉnh;
    + Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc lực lượng Cảnh sát giao thông Công an cấp huyện thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
    + Chủ trì, phối hợp với Cảnh sát giao thông Công an cấp huyện tuần tra, kiểm soát giao thông trên các tuyến đường huyện theo kế hoạch của Giám đốc Công an cấp tỉnh.
    Công an cấp huyện:
    - Bố trí lực lượng, tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường huyện, đường xã, đường chuyên dùng trong phạm vi địa giới hành chính; đường tỉnh, đường đô thị theo quyết định phân công, phân cấp của Giám đốc Công an cấp tỉnh;
    - Trên đoạn quốc lộ đi qua thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện, nếu phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông tĩnh và các hành vi vi phạm như: chạy xe lạng lách đánh võng; tụ tập gây rối trật tự công cộng; đua xe trái phép; đi ngược chiều đường; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; điều khiển mô tô, xe gắn máy chở quá số người quy định; điều khiển, ngồi trên xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm thì được xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
    Như vậy, Cảnh sát giao thông cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh được phép xử lý các vi phạm giao thông đã được nêu liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy trên đoạn quốc lộ đi qua địa bàn của mình.
    Còn đối với phương tiện ôtô khi đang di chuyển trên đường quốc lộ, cảnh sát giao thông cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh không có quyền yêu cầu dừng xe, xử lý vi phạm, mà chỉ được phép xử lý trong trường hợp giao thông tĩnh, tức là, xử lý các vi phạm khi xe ôtô đó không tham gia lưu thông trên đường.
    Luật Giao thông đường bộ Việt Nam năm 2008 quy định đối với người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy, kể cả xe đạp máy, xe đạp điện đều phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
    Theo đó, người điều khiển phương tiện xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm sẽ bị CSGT kiểm tra, xử lý theo quy định.
    Theo điểm i khoản 3 Điều 6, điểm d khoản 4 Điều 8 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ.
    Theo quy định tại Điều 15 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012: Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện trong xử lý vi phạm hành chính
    "1. Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
    2. Cá nhân có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
    3. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện nếu xét thấy việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại, khởi kiện phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó theo quy định của pháp luật."
    Như vậy, người bị xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ không đồng ý với quyết định xử lý vi phạm hành chính của người có thẩm quyền thì có quyền khiếu nại. Thẩm quyền, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa án để đề nghị giải quyết vụ án hành chính.
    Như vậy, việc Cảnh sát giao thông thành phố Thủ Dầu Một xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với người điều khiển xe đạp điện tham gia giao thông trên Quốc lộ 13 (điểm đi qua địa bàn thành phố Thủ Dầu Một) không đội mũ bảo hiểm là đúng pháp luật. Việc lập biên bản xử phạt của Trung úy Phan Trọng H, Tổ trưởng tuần tra kiểm soát Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương là đúng.
    Tài xế vi phạm giở chiêu trò thoát khỏi 7 cảnh sát giao thông
    Luật Gia Đồng Xuân Thuận
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-sat-giao-thong-cap-huyen-co-duoc-xu-phat-vi-pham-giao-thong-khong-a92326.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan