Tín dụng “chui” đồng hành với “chiếu bạc”
Nhiều vùng quê ngoại thành Hà Nội đang thay da đổi thịt nhanh chóng, nhiều căn nhà mái ngói đơn sơ, những mảnh đất trống đã dần được thay bằng những tòa nhà cao tầng với tiện nghi khá hiện đại. Tuy nhiên, cờ bạc, tệ nạn cũng nhanh chóng “gõ cửa” những gia đình “phất lên” từ tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
Việc tín dụng “chui” phát triển ở các vùng ngoại thành là do nhân dân có tiền đền bù đất nhàn rỗi lại không có việc làm lao vào cờ bạc, tệ nạn xã hội. Số tiền đền bù đất “đội nón ra đi” nhưng con bạc vẫn “máu” xoay xở tiền để mong gỡ gạc lại. Tìm đến vay vốn tại ngân hàng thì sợ thủ tục, điều kiện khắt khe, giải ngân chậm. Trong khi đó, so với các thủ tục hành chính khi vay tiền tại ngân hàng, cho vay “chui” tại các vùng ngoại thành thì chỉ cần đóng lãi hàng ngày và viết giấy hẹn trả là nhận tiền.
Hoạt động này tồn tại dưới nhiều hình thức, nhưng phổ biến hơn cả là kiểu cho vay qua thế chấp và cầm cố đồ đạc tại các tiệm cầm đồ. Anh Nguyễn Học (chủ một tiệm cầm đồ ở Đông Anh, Hà Nội) cho biết, lãi suất “chợ đen” thường tính theo ngày, mức lãi dao động từ 5.000 đồng đến 20.000 đồng cho một triệu đồng. Nếu có tài sản thế chấp thì mức tiền cho vay cũng chỉ khoảng 70 – 80% giá trị của tài sản đó. Khách hàng phải làm biên lai ghi rõ số tiền vay và thời hạn trả gốc. Riêng lãi suất, sẽ là thỏa thuận giữa người vay và người cho vay.
Máu mê đến các “chiếu bạc” gỡ vốn, anh Hoàng Minh (Đông Anh, Hà Nội) đành phải tìm đến các chủ tiệm cầm đồ thế chấp chiếc xe máy trị giá khoảng 30 triệu đồng vừa sắm được từ tiền đền bù đất. Nhưng chủ cửa hàng cũng chỉ cho vay 20 triệu đồng với lãi suất là 10.000 đồng cho một triệu đồng trong một ngày. Ngoài ra, để được vay tiền, anh Huấn còn phải viết giấy bán xe, sau đó viết thêm một tờ giấy mượn xe trong vòng một tháng. Chủ vay đã tính đến trường hợp “con bạc” không trả được tiền, nên bắt viết giấy bán xe và mượn xe để xiết nợ trong trường hợp khẩn cấp.
Tinh vi hơn, nhiều chủ nợ còn “đón lõng” con bạc ngay tại các sới bạc, chỉ cần có nhu cầu vay tiền gỡ vốn là sẽ được “đáp ứng” ngay. Lãi ngày cho con bạc vay thường ở mức “cắt cổ” nhất từ 10.000 đến 20.000 đồng cho một triệu đồng. Tuy nhiên, việc cho vay lãi ngày rủi ro rất lớn nên các ông chủ tín dụng “đen” thường dùng nhiều “đệ tử” có máu mặt trong giới anh chị giang hồ. Nếu con nợ không trả đúng hạn sẽ bị đám côn đồ này “dằn mặt” đến khi nào trả tiền mới thôi.
Cái kết đau lòng vì lãi suất “cắt cổ”
Vay được vốn “nóng” đồng nghĩa với việc lãi suất cũng “nóng”. Hơn nữa, khi “lọt” vào vòng xoáy vay nặng lãi, “con nợ” sẽ chịu sự chi phối của chủ nợ. Người cho vay thường “nắm đằng chuôi” nên đến kì hạn, người vay không trả đủ tiền sẽ bị xiết nợ, thậm chí còn bị côn đồ, xã hội đen đe doạ, hành hung gây thương tích. Vay với lãi suất quá cao, nhiều người lâm vào cảnh khánh kiệt, mất nhà cửa, đất đai... Một số trường hợp bị dẩy vào bước đường cùng, “con nợ” chỉ còn cách tìm đến cái chết để giải thoát.
Tại các vùng quê như Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh…. những trường hợp bán đất bán nhà gạt nợ “vay nóng” cũng không hiếm. Có nhiều gia đình vừa mới cầm hàng trăm triệu tiền đền bù đất ngay lập tức đã rơi vào cảnh lô đề, cờ bạc do không còn ruộng đất canh tác “nhàn cư vi bất thiện”. Nướng hết tiền đền bù đất rồi lại rơi vào “bẫy” của đám chủ nợ cho vay nặng lãi, nhiều người đã phải bán đi đến mảnh đất cuối cùng.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thịnh (Văn phòng Luật sự Nguyễn Thinh – Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, theo Điều 163 – Bộ Luật hình sự qui định: Người nào cho vay với mức lãi suất cao gấp 10 lần (so với lãi suất của Ngân hàng Nhà nước) trở lên thì phạm tội này. Tuy nhiên, phải chứng minh được rằng các đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động chuyên nghiệp và lấy số lãi làm nguồn sống chính. Vì vậy, nhóm đối tượng cho vay nặng lãi luôn lách bằng cách hạ lãi suất cho vay dưới ngưỡng bị kết tội. Hoạt động của chúng cũng khá bài bản, cho vay nhưng hình thức là hợp đồng mua bán, có công chứng đàng. Lãi suất thường do người cho vay và người vay thoả thuận “ngầm” với nhau.
Do đó, khi xảy ra tranh chấp giữa các bên, chính quyền địa phương chỉ có thể giải quyết hòa giải chứ không thể xử lí mạnh tay vì không có bằng chứng cụ thể. Còn những nạn nhân của cho vay nặng lãi vẫn phải tìm cách tự giải quyết với chủ nợ, thay vì tố cáo lên chính quyền vì sợ bị trả thù. Vì vậy, tín dụng “chui” và các tệ nạn xã hội vẫn âm thầm hoạt động, nhấn chìm tương lai của biết bao gia đình vùng ngoại thành Hà Nội.
Hoàng Phương