+Aa-
    Zalo

    Cảnh giác với thuốc gây suy thận

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thuốc tây, thuốc nam hay thuốc bắc đều có hiệu quả chữa bệnh nhất định, song nếu uống không rõ nguồn gốc, uống tùy tiện thì hậu quả lại khôn lường, có thể là suy thận cấp

    Thuốc tây, thuốc nam hay thuốc bắc đều có hiệu quả chữa bệnh nhất định, song nếu uống không rõ nguồn gốc, uống tùy tiện thì hậu quả lại khôn lường, có thể là suy thận cấp.

    Bệnh nhân 63 tuổi bị suy thận cấp chỉ sau một liều thuốc nam

    Bệnh nhân 63 tuổi ở Lạng Sơn sau khi uống một liều thuốc nam của “lang vườn” đã phải nhập viện cấp cứu vì suy thận.

    Bác sĩ Nghiêm Trung Dũng (khoa Thận - Tiết niệu, bệnh viện Bạch Mai) cho biết bệnh nhân L.V.Đ (63 tuổi, ở Lạng Sơn) nhập viện trong tình trạng suy thận cấp tính: Bụng chướng, chân tay phù nề, vô niệu, nôn nhiều… Ông Đ. được lọc máu tích cực, rút dịch và không cần can thiệp ngoại khoa.

    Bác sĩ đang chăm sóc cho bệnh nhân (ảnh Đ.Liên)

    Đến ngày 21/4, sau 3 ngày điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, tình trạng của bệnh nhân Đ. vẫn chưa hồi phục, chỉ số nhiễm độc vẫn tăng khi dừng lọc máu.

    Trước đó 2 tháng, ông được xác định bị sỏi thận, chưa cần can thiệp. Nhưng vì sợ bệnh tiến triển, ảnh hưởng về sau, đồng thời cho rằng uống thuốc nam nếu không hết bệnh thì cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe nên ông đã mua thuốc về uống.


    Thế nhưng, ông Đ. mới chỉ uống một liều thuốc nam mua của “lang vườn” gần nhà đã bị đau bụng, nôn nhiều, không đi tiểu được. Đến ngày thứ tư, ông vào bệnh viện tỉnh cấp cứu và được xác định bị suy thận cấp. Sau hai ngày điều trị tích cực, ông Đ. được chuyển lên bệnh viện Bạch Mai tiếp tục cấp cứu.

    Theo các bác sĩ, chỉ tính riêng khoa Thận - Tiết niệu (bệnh viện Bạch Mai), trung bình mỗi tháng tiếp nhận từ 3-4 bệnh nhân bị suy thận cấp do sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc.

    Với những bệnh nhân nhiễm độc thể nhẹ có thể được thải độc hoàn toàn, hết suy thận và không ảnh hưởng đến sức khỏe về sau. Nhưng cũng có những bệnh nhân nhiễm độc nặng bị suy đa tạng, việc điều trị rất khó khăn và tốn kém, nếu cứu được cũng bị di chứng rất nặng nề như suy thận mãn…

    Điều đáng nói, phần lớn những bệnh nhân này tiên lượng rất khó khăn nhiễm độc nặng. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh muốn điều trị bằng đông y thì nên đến các cơ sở khám chữa bệnh được cấp phép, sử dụng thuốc rõ nguồn gốc để tránh "tiền mất tật mang".

    Cảnh giác với thuốc “lạ”

    Theo TS Bách, hiện thị trường thuốc có rất nhiều loại và nhiều nơi bán tự do không cần toa bác sĩ. Ngoài ra, còn có thực phẩm chức năng, thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc bán tràn lan, thầy lang hành nghề không phép... khiến cho không ít người nghe theo lời rỉ tai, tư vấn của người quen, người bán mà mua uống và bị suy thận đột ngột.

    Có người sau khi điều trị chức năng thận hồi phục một phần nhưng cũng có người dù được cứu sống nhưng thận bị suy hoàn toàn, phải chạy thận nhân tạo lọc máu suốt đời.

    Có hai nhóm bệnh nhân thường bị suy thận đột ngột do dùng thuốc tây không đúng chỉ định, hoặc tự dùng một số loại thuốc tễ, thuốc có chữ Tàu, cây cỏ cắt lát, thuốc bắc, thực phẩm chức năng... không rõ nguồn gốc. Có người lại sử dụng bột sừng tê giác, rượu thuốc.

    Nhóm một thường là người già có bệnh đau lưng, đau khớp mãn tính luôn mong muốn hết hẳn đau nhức.

    Do thuốc tây có hạn chế uống thì bớt, hết thuốc bị lại nên người đau dễ chán nản và đi tìm lối thoát khác. Nhóm hai thường là người trẻ, trung niên muốn bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lý cho mạnh lên.

    Để tránh bị suy thận đột ngột, TS Bách khuyên cần phải cảnh giác với các loại thuốc “lạ”. Trước khi sử dụng thuốc gì cần tìm hiểu kỹ. Chỉ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thuốc có nguồn gốc, hạn sử dụng và công dụng rõ ràng.

    Không tự ý mua và lạm dụng thuốc kháng viêm non-steroide để giảm đau nhức vì nhóm thuốc này có thể gây biến chứng suy thận cấp.

    Y học cổ truyền cũng rất tốt, có nhiều biện pháp để giảm đau không dùng thuốc nhưng nên đến cơ sở y tế chính thống, có giấy phép hoạt động để giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe. Không đến thầy lang, uống “thuốc gia truyền” theo kiểu truyền miệng.

    Triệu chứng suy thận

    Suy thận cấp: biểu hiện đầu tiên là phù mặt hoặc toàn thân, không tiểu được hoặc tiểu ít (lượng nước tiểu thải ra dưới 400ml/ngày), đi nước tiểu đổi màu sang sậm vàng hoặc đỏ. Kèm theo triệu chứng nôn ói, tiêu chảy cấp.

    Nhóm này thường thể hiện là bị ngộ độc thuốc rõ ràng và nhanh chóng. Có khi bệnh nhân thấy mệt, nhức đầu, có thể bị tổn thương cả gan, thần kinh, tiêu hóa.

    Suy thận mãn: thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng điển hình, có thể có tăng huyết áp, da niêm xanh xao, nhợt nhạt, không phù, không thay đổi nước tiểu.

    Suy thận mãn đa số phát hiện trễ và bệnh nhân đi khám không phải vì triệu chứng ở thận mà vì lý do sức khỏe khác nên mới phát hiện ra bệnh.

    Chỉ trong vòng một tuần đầu tháng 10-2016, khoa thận - lọc máu Bệnh viện Thống Nhất liên tục tiếp nhận ba bệnh nhân đã được chẩn đoán suy thận mãn phải nhập viện cấp cứu vì suy thận nặng lên sau khi sử dụng thuốc nam, thuốc không rõ nguồn gốc.

    Theo TS Bách, từng có người bỏ chạy thận 10-15 ngày để đi uống nước giếng, cây cỏ nào đó và phải nhập viện cấp cứu, khiến cho chức năng thận đã suy thận mãn càng xấu càng suy giảm nặng hơn và nguy hiểm đến tính mạng.

    Tổng hợp

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-giac-voi-thuoc-gay-suy-than-a187964.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan