+Aa-
    Zalo

    Cảnh giác tội phạm lừa đảo với thủ đoạn “chạy án”

    (ĐS&PL) - Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân khi đang bị điều tra, nhiều đối tượng đã tiếp cận, hứa hẹn “chạy án” để lừa đảo.

    Thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân khi đang bị điều tra, xử lý do liên quan đến các sai phạm, vi pháp pháp luật, nhiều đối tượng đã tạo dựng vỏ bọc, giả danh có mối quan hệ thân quen với lãnh đạo trong ngành Công an để tiếp cận với bị hại, hứa hẹn có thể tác động giúp người có liên quan đến pháp luật không bị xử lý khiến cho bị hại tin tưởng để từ đó chiếm đoạt tài sản.

    Ảnh minh họa.

    Ảnh minh họa.

    Bằng thủ đoạn này, không ít nạn nhân đã bị lừa từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng, thậm chí lên đến hàng tỷ đồng… Điển hình, vừa qua cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03), Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng là: Nguyễn Thị Bích Thành, (SN 1982, trú tại quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) và Nguyễn Hữu Hiếu, (SN 1985, trú tại xã Hà Bắc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền lừa đảo hơn 4 tỷ đồng. Trước đó, vào khoảng đầu tháng 7/2022, Công ty TNHH Tân Hải ở xã Hà Tân, huyện Hà Trung do ông Nguyễn Xuân Phượng làm Giám đốc và Nguyễn Minh Hải là chỉ huy nổ mìn tại mỏ khai thác đá, bị Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra phát hiện có sai phạm trong việc khai thác đá làm vật liệu xây dựng.

    Do có mối quan hệ thân quen nên Nguyễn Hữu Hiếu đã bàn bạc với bố con ông Phượng để chạy án. Thông qua một mối quan hệ khác, Nguyễn Hữu Hiếu được giới thiệu để nhờ Nguyễn Thị Bích Thành chạy án cho công ty Tân Hải. Với thủ đoạn tự nhận là người có nhiều mối quan hệ, để tạo “vỏ bọc”, tạo sự tin tưởng, Thành giới thiệu có người quen ở Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cũng như có mối quan hệ quen biết với lãnh đạo Công an tỉnh, Viện kiểm sát, Tòa án hứa có thể giúp ông Nguyễn Xuân Phượng, Giám đốc Công ty Tân Hải được xử lý hành chính hoặc “án treo” đồng thời tư vấn để Công ty Tân Hải “khắc phục hậu quả”. Lấy lý do cần tiền để đi “chạy án”, Nguyễn Thị Bích Thành và Nguyễn Hữu Hiếu đã yêu cầu ông Phượng chuyển tiền nhiều lần và chiếm đoạt tổng số tiền 4,4 tỷ đồng.

    Mặc dù sau đó ông Phượng và Hải đã nhiều lần bị Cơ quan điều tra triệu tập làm việc nhưng Thành và Hiếu vẫn tìm cách tạo vỏ bọc tin tưởng và động viên gia đình ông Phượng yên tâm vì đã lo xong việc. Chỉ đến khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định khởi tố bị can thì gia đình ông Phượng mới biết mình đã bị lừa.

    Từ vụ án trên, Công an tỉnh Thanh Hóa cảnh báo và khuyến cáo đây là thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản không mới và đang diễn ra phổ biến, do đó đề nghị mọi cá nhân, tổ chức cần nâng cao cảnh giác, giữ bình tĩnh, không hoang mang lo sợ, xác minh thông tin cẩn thận trước khi thực hiện.

    Các trường hợp vi phạm pháp luật cần thành khẩn khai báo, tích cực khắc phục hậu quả thiệt hại, phối hợp cơ quan chức năng giải quyết vụ án, vụ việc, lập công chuộc tội… để được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/canh-giac-toi-pham-lua-ao-voi-thu-oan-chay-an-a430285.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Phải bật đèn xi nhan khi nào?

    Phải bật đèn xi nhan khi nào?

    Bật đèn xi nhan là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần đảm bảo an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.