Là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn ở nước ta, du lịch hiện nay không chỉ mang đến một nguồn thu lớn mà nó còn góp phần vào việc giao lưu văn, quảng bá hình ảnh của đất nước.
Tuy nhiên, khi du lịch ngày càng phát triển, đồng nghĩa với số lượng du khách tăng lên cũng là lúc những vấn nạn về ô nhiễm môi trường xuất hiện. Nó không chỉ gây mất mỹ quan, làm thay đổi môi trường xung quanh khu du lịch mà về lâu dài, nó còn làm biến đổi chính những danh lam thắng cảnh đó, nhất là những địa điểm thiên nhiên hoang dã.
Nơi nào cũng ô nhiễm
Là một trong những kỳ quan của thế giới mới, di sản của UNESSCO khu du lịch Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) từ lâu đã được rất nhiều du khách trong và ngoài nước tìm tới. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm trong lòng vịnh này cũng đang ngày một nhức nhối, gây lên những búc xúc của người dân. Cụ thể, theo nhiều người dân sinh sống trong vùng thì khu vực lòng vịnh Hạ Long hiện nay tình trạng ô nhiễm dầu đã ở mức đáng báo động. Nguyên nhân chính của việc này là trong lòng vịnh có quá nhiều những cảng, âu tàu và hàng ngàn những chiếc tàu thuyền hoạt động khiến lượng dầu thải ra mỗi ngày là rất lớn.
Theo tính toán sơ bộ, sở dĩ tình trạng ô nhiễm trở lên báo động như vậy là bởi lượng tàu du lịch quá đông và hoạt động tự do, không được quản lý đầy đủ. Tại khu vực phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, trung bình mỗi ngày có khoảng 450 tàu du lịch đưa đón khách tham quan Vịnh Hạ Long và gần 1000 lượt tàu vận tải, tàu biển quốc tế... hoạt động 24/24h trên mặt biển. Dầu thừa từ những con tàu này cứ từng ngày che lấp mặt nước, chưa kể các phương tiện vận tải thủy, nhà bè, nhà hàng nơi đây cũng thường xuyên xả thẳng chất thải, rác bẩn xuống biển.
Vì vậy, chỉ cần quan sát thông thường cũng có thể thấy, các vùng nước ở Cảng tàu Du Lịch Bãi Cháy, Âu tàu Tuần Châu, các khu neo đậu tàu du lịch ở các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long... thường xuyên có váng dầu thải loang rộng trên mặt biển. Ngoài ra, rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp có mặt khắp mọi nơi ở Vịnh Hạ Long cũng là vấn đề đáng báo động. Khi thủy triều lên, rác thải ven bờ bị sóng cuốn trôi dạt ra vịnh Hạ Long, trôi nổi khắp nơi. Hậu quả của tình trạng này, đầu tiên chính là việc người dân sinh sống trong vùng phải gánh chịu và sau đó, bản thân những người khách du lịch đến đây cũng cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, Vịnh Hạ Long không phải là khu du lịch duy nhất để xảy ra tình trạng ô nhiễm tràn lan và đáng báo động như vậy mà theo tìm hiểu, hầu hết những địa phương có khu du lịch vùng ven biển nước ta, đều gặp phải vấn đề chung như vậy. Nghĩa là, những bãi biển bị ô nhiễm bởi rất nhiều loại rác thải khiến hình ảnh chung của khu du lịch đang ngày một xấu đi.
Hơn nữa, không chỉ có những địa điểm ven biển, nhiều khu du lịch thu hút đông đảo khách tham quan cũng để xảy ra tình trạng tương tự. Điển hình trong số đó chính là thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Theo được biết, tại Đà Lạt, một thành phố cao nguyên với khí hậu mát mẻ nổi tiếng là nơi thơ mộng với những điểm đến vô cùng lý thú như thác Cam Ly, hồ Tuyền Lâm, hồ Xuân Hương, thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở…luôn là sự lựa chọn của hàng triệu lượt du khách mỗi năm. Tuy nhiên, ở hầu hết những địa điểm trên, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng xảy ra khiến người dân và du khách hết sức lo lắng.
Còn nhớ cách đây chưa lâu, hàng loạt vụ việc như ô nhiễm tại Hồ Xuân Hương, tại thác Cam Ly, những điểm du lịch thu hút đông đảo du khách tại Đà Lạt được phơi bày, gây ra nhiều lo ngại trong dư luận. Với những người dân sinh sống ở Đà Lạt thì cách đây khoảng 15 năm trước, nước hồ Xuân Hương còn xanh trong thơ mộng, thậm chí có thể sử dụng làm nước uống nhưng nay hồ Xuân Hương thơ mộng chỉ còn là bể chứa nước thải khổng lồ của người dân, của hoạt động sản xuất nông nghiệp, của nước và rác thải từ các nhà hàng, khách sạn, những quán cà phê ven hồ. Còn nay, thác Cam Ly ngập tràn trong rác. Dù chính quyền địa phương cũng đã nỗ lực để giải quyết tình trạng trên nhằm cứu vãn tình trạng ô nhiễm nhưng có lẽ là chưa đủ. Du khách vẫn không khỏi ám ảnh, khó chịu khi phải bịt mũi tới thăm quan thắng cảnh. Ô nhiễm môi trường du lịch, vấn đề tưởng như nhỏ nhưng về lâu dài, nó có thể ảnh hưởng tới đời sống của hầu hết người dân ở thành phố xinh đẹp này.
Tuy nhiên, với những ai sinh sống ở Đà Lạt thì nguy cơ quan trọng nhất của thành phố này đang gặp phải chính là việc biến đổi khí hậu. Nghĩa là, đặc điểm nổi tiếng, được nhiều du khách tìm tới đây chính là do khí hậu mát mẻ, trong lành với những đồi thông rộng mênh mông thì nay đã và đang bị chặt phá không thương tiếc. Rất nhiều cánh rừng thông cổ ở Đà Lạt và các vùng lân cận đã bị đốn hạ, để xây dựng nhà cửa, biệt thự hay những công trình khác. Hậu quả của việc này là “thành phố mù sương Đà Lạt” đã không còn sương nữa do thông đã ít đi, khí hậu vì thế cũng nóng hơn. Có thể nói, vấn đề này nếu cứ tiếp tục kéo dài thì sẽ vô cùng khó khắc phục sửa chữa. Nó không đơn giản như việc vớt rác thải ở hồ Xuân Hương, xây dựng hệ thống xử lý nước thải ở vùng đầu nguồn thác Cam Ly mà đây là vấn đề mang tính vĩ mô. Điều này có nghĩa là những tác động của con người đã làm thay đổi môi trường tự nhiên của Đà Lạt, biến nó thành một thành phố bình thường như hàng trăm thành phố với những căn nhà cao ốc, biệt thự và hàng ngàn các công trình dân sự khác.
Phát triển phải đi với bền vững
Sẽ không khó để nhận ra rằng, hầu hết các địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo khách du lịch ở nước ta hiện nay chính là những thắng cảnh thiên nhiên hoang dã. Ở đó, bên cạnh sự xuất hiện của con người thì hệ động thực vật và môi trường sinh thái xung quanh cũng chính là yếu tố quan trọng nhất để tạo lên vẻ đẹp của thắng cảnh đó. Thế nhưng, thực tế tại những địa điểm du lịch có đông du khách, vấn đề tái tạo lại hệ sinh thái thiên nhiên khi con người tác động vào chúng đã không được trú trọng. Nghĩa là, khi con người bắt tay vào khai thác một vài đặc điểm nào đó của hệ sinh thái tự nhiên thì sau đó, bằng cách nào đó, con người cũng phải có trách nhiệm bảo vệ, tái tạo lại một phần của hệ sinh thái đó. Đây là bài toán kinh tế và phát triển giản đơn nhằm gìn giữ và khôi phục lại hệ sinh thái tự nhiên, môi trường sống ở quanh khu di tích đó. Như câu chuyện về những đồi thông ở Đà Lạt chẳng hạn. Khi người ta chặt một ngàn cây thông để xây những con đường, khách sạn, biệt thự làm nơi sinh hoạt, cư trú cho du khách thì ở đâu đó, trong thành phố này, người ta phải trồng thêm một ngàn, hoặc thậm chí phải hơn số đó cây thông để hệ sinh thái môi trường không bị phá vỡ và những hệ lụy mà môi trường bị ảnh hưởng sẽ không tác động lên chính con người. Tuy nhiên, tại hầu hết những địa phương này, công tác phục hồi hệ sinh thái tự nhiên (sau khi đã khai thác) đều không được trú trọng. Và đó chính là nguyên nhân khiến không sớm thì muộn, hệ sinh thái môi trường ở những địa điểm du lịch cũng mất cân bằng, ô nhiễm tràn lan là vấn đề không tránh khỏi và chắc chắn, hậu quả của việc này sẽ ngày càng nặng nề hơn nếu không kịp khắc phục ngay từ bây giờ.
Có thể nói, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu du lịch là vấn đề không mới nhưng hầu hết các địa phương đó đều lúng túng trong cách giải quyết khiến tình trạng này cứ tiếp diễn trong một thời gian dài. Về cơ bản, nó không chỉ là những búc xúc của dư luận mà chắc chắn còn ảnh hưởng trực tiếp tới các khu du lịch đó, khiến du khách quay lưng lại vì những vấn nạn trên. Vì vậy, việc nhà nước cần có những biện pháp bắt buộc, có những chế tài đủ mạnh để bắt những nhà đầu tư du lịch phải bỏ một số tiền nhất định nhằm tái tạo lại cảnh quan di tích nhằm duy trì sự bền vững ở những địa điểm trên là hết sức cần thiết và khẩn trương.
Chúng tôi tiếp nhận tất cả các thong tin phản ánh về vấn đề môi trường của bạn 24/24h
Liên hệ: Viện nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội phân viện phía nam
Địa chỉ: 58 Nguyễn Phi Khanh, P. Tân Định, Q1, HCM
Hotline: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519
Đoàn Đại Trí
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-bao-o-nhiem-khu-du-lich-a67651.html