RT đưa tin ngày 24/10, tờ Welt am Sonntag công bố một báo cáo cho thấy, giá đạn pháo do nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức sản xuất đã tăng hơn 50% kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu.
Theo các tài liệu mật, Rheinmetall - nhà sản xuất tự coi mình là “đối tác mạnh mẽ của Ukraine” - đã kiếm được lợi nhuận khổng lồ bằng cách bán đạn pháo cho Kiev (do chính phủ Đức thanh toán), khi giá đạn dược tăng vọt kể từ đầu năm 2022.
Hồi tháng 7/2023, Bộ Quốc phòng Đức đã ký thỏa thuận với Rheinmetall về việc cung cấp đạn pháo cỡ nòng 155mm có thể bắn từ pháo tự hành PzH-2000 và bắn trúng mục tiêu nằm cách xa hàng chục km. Thỏa thuận này được cho là sẽ phục vụ nhu cầu của cả Đức và Ukraine.
Quân đội Ukraine từng bị cáo buộc sử dụng đạn pháo cỡ nòng 155mm trong một loạt cuộc tấn công bằng pháo vào cơ sở hạ tầng dân sự ở thành phố Donetsk hồi tháng 5/2023.
Theo thỏa thuận, Rheinmetall sẽ cung cấp cho Kiev 333.333 viên đạn cỡ nòng lớn, mỗi viên trong số đó có giá ít nhất là 3.600 euro (khoảng 93,7 triệu đồng). Tờ Welt am Sonntag tiết lộ, giá đạn pháo dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Bộ Tài chính Đức cho hay, trong “tình hình thị trường hiện tại, Rheinmetall chưa sẵn sàng đơn phương ấn định số lượng đặt hàng ràng buộc trong toàn bộ thời gian hợp đồng, thời gian giao hàng hoặc giá cả cụ thể”.
Theo thông tin trên RT, một quả đạn pháo được bán với giá thị trường tiêu chuẩn là 2.000 euro (khoảng 52,1 triệu đồng) ở thời điểm trước tháng 2/2022. “Bạn không thể tiếp tục sản xuất đạn ở châu Âu với giá 2.000 euro”, một nhà kinh tế quân sự nói.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, chi phí sản xuất và nguyên liệu thô tại châu Âu tăng lên do chuỗi cung ứng gián đoạn và cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt.
Trong diễn biến khác, trao đổi với tờ Financial Times, Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal nói rằng Kiev đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đạn dược rất lớn, cả trong nước và trên toàn thế giới.
“Chúng tôi đang thiếu hụt số lượng đạn dược lớn, không chỉ ở Ukraine mà trên toàn thế giới. Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi nên sản xuất đạn dược trong nước vì đạn dược đã cạn kiệt trên toàn thế giới. Tất cả các kho dự trữ đều trống rỗng”, ông Denis Shmygal nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, Ukraine đang cố gắng xây dựng ngành công nghiệp của riêng mình để giảm sự phụ thuộc vào các nước phương Tây. Kiev hiện ưu tiên việc liên doanh với các công ty quốc phòng Mỹ và châu Âu.
XEM THÊM: Căng thẳng Nga - Ukraine ngày 25/10: Kiev nói Moscow đang tấn công trên toàn chiến tuyến
Theo Financial Times, Tập đoàn Ukroboronprom của Ukraine đã ký một thỏa thuận với nhà sản xuất Đức Rheinmetall để sửa chữa xe tăng Leopard và các phương tiện bọc thép khác bị hư hỏng, cũng như sản xuất phương tiện mới.
Thủ tướng Denis Shmygal tiết lộ, đó là một trong khoảng 20 thỏa thuận được ký kết với các nhà sản xuất vũ khí phương Tây về hợp tác và sản xuất chung.
Hôm 29/9, Ukraine tổ chức diễn đàn công nghiệp quốc phòng đầu tiên. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết sự kiện này có sự tham gia của hơn 30 quốc gia và 252 doanh nghiệp.
Tại diễn đàn, các công ty Ukraine đã ký kết 20 thỏa thuận với các đối tác nước ngoài, trong số đó có thỏa thuận liên quan đến sản xuất máy bay không người lái và đạn dược.
Đinh Kim(Theo RT, TASS)