+Aa-
    Zalo

    Căng thẳng Nga – Ukraine mới nhất ngày 25/10: Bật mí phương tiện giúp Ukraine tấn công bán đảo Crimea do Nga kiểm soát

    (ĐS&PL) - Các cuộc tấn công Crimea được cho là một phần quan trọng trong chiến dịch phản công mà Ukraine đang thực hiện nhằm đẩy lùi Nga ra khỏi các vùng lãnh thổ. Được biết, quân đội Ukraine đã huy động cả lực lượng biệt kích để vượt biển đánh vào căn cứ Nga, ngoài ra không thể không nhắc đến một loại phương tiện bí mật.

    Bật mí phương tiện bí mật

    Cơ quan tình báo quân sự GUR của Ukraine đăng tải video cho thấy lực lượng biệt kích của nước này đã sử dụng mô tô nước vượt biển vào lúc nửa đêm sau khi bị các tàu tuần tra được trang bị vũ khí hạng nặng và máy bay chiến đấu của Nga truy đuổi. Trong video, các binh sỹ của lực lượng đặc nhiệm Artan của Ukraine đang nhanh chóng rút lui sau khi tiến hành cuộc đột kích bất ngờ vào căn cứ của Nga ở phía Tây Crimea vào ngày 4/10.

    Các đội hình mô tô nước và đội hình xuồng máy của lực lượng đặc nhiệm Artan đều được trang bị kính hồng ngoại và súng trường tấn công. Một số phương tiện gắn súng máy đã nạp sẵn đạn và bắn thẳng vào lực lượng đối phương.

    Trong thông báo trên mạng xã hội, Cục An ninh Ukraine (SBU) cho biết: “Lính biệt kích Artan đã đổ bộ lên bờ biển phía Tây bán đảo Crimea,  Mũi Tendriv và Mũi Kinburn. Đặc nhiệm Ukraine đã có các cuộc giao tranh ác liệt với quân đội Nga và gây tổn thất đáng kể cho đối phương. Đối phương đã cố gắng truy đuổi lực lượng đặc nhiệm Ukraine bằng các tàu tuần tra cao tốc, với sự hỗ trợ từ trên không”.

    Một lính biệt kích Ukraine có biệt danh Muzykant cho biết, mô tô nước có tốc độ rất nhanh. Chúng được phóng từ những chiếc xuồng máy lớn khi đến gần mục tiêu. Theo binh sỹ này, cuộc đột kích hôm 4/10 diễn ra khi biển động với những con sóng cao tới gần 2m.

    Hải quân Nga đang vận hành một hạm đội lớn gồm các tàu chống phá hoại lớp Grachonok, tàu tuần tra lớp Raptor, được thiết kế để chống lại những đối tượng xâm nhập, từ người nhái đến tàu ngầm mini hay xuồng cao tốc của đối phương. Mỗi tàu Raptor được trang bị một khẩu súng máy hạng nặng 14,5mm, 2 súng máy 7.62mm. Tàu có tốc độ tối đa 88km/h.

    Theo nguồn tin từ Ukraine, Nga đã triển khai ít nhất 2 tàu Raptor truy đuổi lính biệt kích của Ukraine. Những chiếc tàu này đã nhận được sự hỗ trợ trên không từ trực thăng của Hải quân Nga gồm Ka-27, Ka-29, Mi-8, máy bay chiến đấu hoặc máy bay tuần tra săn ngầm Be-12.

    cang thang nga ukraine moi nhat ngay 25 10 bat mi phuong tien giup ukraine tan cong ban dao crimea do nga kiem soat1
    Lực lượng biệt kích của Ukraine đã sử dụng mô tô nước để vượt biển. Ảnh: The Times.

    Cơ quan tình báo Ukraine cho biết, lính biệt kích của nước này rút lui thành công, nhưng đã chịu một số tổn thất trong cuộc đột kích.

    Về phần mình, Nga công bố video cho thấy một chiếc mô tô nước bị phía Ukraine bỏ lại và một lính biệt kích của đối phương bị bắt giữ. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, máy bay chiến đấu của nước này đã ngăn chặn thành công cuộc tấn công.

    Ukraine không chỉ dùng mô tô nước mà còn sử dụng những loại phương tiện khác

    Không chỉ sử dụng mô tô nước để tấn công bán đảo Crimea, lực lượng đặc nhiệm của hải quân Ukraine cũng sử dụng phương tiện này để tấn công các đảo ở cửa sông Dnieper chia cắt Kherson thành hai bờ đông tây. Ukraine hiện đang kiểm soát bờ tây còn Nga nắm giữ bờ đông. Bên cạnh đó, Kiev cũng sử dụng mô tô nước để xâm nhập Mũi Kinburn và Mũi Tarkhankut ở phía Tây bán đảo Crimea.

    Ukraine đã thực hiện “Chiến dịch thức tỉnh”, theo đó, triển khai 20 lính biệt kích sử dụng 10 mô tô nước vượt qua quãng đường dài 362km để đổ bộ vào Mũi Tarkhankut. Trong lúc đó, một nhóm riêng biệt gồm 5 thuyền hỗ trợ đã sử dụng súng máy và súng phóng lựu tự động tấn công các mục tiêu ven biển để đánh lạc hướng sự chú ý của Nga, tạo điều kiện cho nhóm đổ bộ tấn công mục tiêu chính là trạm tác chiến điện tử ven biển. Trạm này đã giúp Nga ngăn chặn và vô hiệu hóa nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine vào Crimea, bằng cách gây nhiễu tín hiệu GPS và tín hiệu điều khiển.

    Bị Nga phát hiện trước khi cài đặt thiết bị nổ tại trạm tác chiến điện tử, nhóm biệt kích của Ukraine đã sử dụng lựu đạn để phá hủy một số phương tiện gần đó, đồng thời cắm quốc kỳ Ukraine trên bán đảo Crimea. Sau đó, họ nhanh chóng rút lui bằng mô tô nước, trốn tránh tàu tuần tra và máy bay chiến đấu của Nga.

    Ngoài việc sử dụng mô tô nước, Ukraine cũng dùng máy bay không người lái hoặc xuồng không người lái tự sát tấn công bán đảo Crimea. Cuộc tấn công bằng xuồng không người lái cảm tử đầu tiên của Ukraine diễn ra vào ngày 29/10/2022, nhằm vào bến cảng Sevastopol, làm hư hỏng một tàu khu trục nhỏ và một tàu kéo của Nga. Theo các nhà phân tích, Ukraine dường như đã sửa đổi ván trượt phản lực Seadoo của Canada để chế tạo xuồng không người lái, thực hiện hoạt động trinh sát hoặc tấn công vào tàu, các cây cầu và cơ sở hạ tầng cảng biển của Nga tại Crimea. Quá trình chuyển đổi được thực hiện nhờ vào kinh phí từ nền tảng gây qũy trực tuyến United24 do chính phủ Ukraine vận hành.

    Giới phân tích cho rằng, các cuộc đột kích của Ukraine vào Crimea nhiều khả năng nhằm “dọn đường” cho hoạt động phản công của lực lượng mặt đất. Ukraine từng hy vọng sẽ nhanh chóng giành được Bán đảo Crimea sau khi chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga ở phía Nam.

    Về mặt lý thuyết, các cuộc đột kích nhằm mục đích nâng cao tinh thần chiến đấu của binh sỹ Ukraine bằng cách chứng minh khả năng xâm nhập lãnh thổ do Nga kiểm soát. Việc vô hiệu hóa một cách có chọn lọc những hệ thống phòng thủ quan trọng tại Crimea có thể giúp Ukraine mở đường cho các cuộc tấn công quy mô lớn hơn, đồng thời buộc Nga phải triển khai thêm lực lượng để bảo vệ hậu phương và cắt giảm hoạt động trên tiền tuyến. Tuy vậy, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu những cuộc tấn công táo bạo này có thể giúp Ukraine đạt được mục đích hay không trong khi có rất nhiều rủi ro đi kèm.

    Ukraine phối hợp đổ bộ đường biển với tập kích tên lửa

    Loạt đổ bộ nói trên nằm trong một loạt các cuộc tấn công do quân Ukraine tiến hành nhằm vào bán đảo Crimea kể từ giữa mùa hè 2023. Các cuộc tấn công như vậy đã vô hiệu hóa một số hệ thống phòng không của Nga, gây hư hại cho một số xưởng sửa chữa của hải quân Nga tại Sevastopol. Nga sau đó đã phải đưa 10 chiến hạm từ Sevastopol ở bờ Tây Crimea tới cảng Novorossiysk nằm trên đất liền Nga. Mỹ hiện chưa rõ việc này là mối quan ngại về an ninh hay là việc luân chuyển định kỳ.

    Số lượng tấn công nhằm vào Crimea đang gia tăng và có thể còn tăng cao nữa khi Mỹ vừa chuyển giao cho Ukraine các tên lửa tầm xa ATACMS mới.

    Việc Hạm đội Đen rút một phần khỏi Sevastopol - căn cứ của hạm đội này trong hơn 200 năm, đã giúp Ukraine hạn chế thế phong tỏa của Nga và cho phép một số tàu Ukraine di chuyển trên Biển Đen. Điều này rất đáng kể với Ukraine trong bối cảnh cuộc phản công của Ukraine trên bộ gặp muôn vàn khó khăn do phải vượt qua bãi mìn dày đặc của Nga.

    Các lãnh đạo quân sự Ukraine đã từ lâu công bố rõ ý định tái chiếm Crimea. Một số nhà quan sát cho rằng mục tiêu này bất khả thi do bán đảo Crimea đóng vai trò sống còn đối với chiến dịch quân sự của Nga ở miền Nam Ukraine cũng như đối với mục tiêu của Nga khôi phục vị thế của mình.

    Ukraine bắt đầu tấn công Crimea cách đây một năm, bằng cuộc tấn công lên cầu Kerch (kết nối bán đảo Crimea với đất liền Nga). Mùa hè năm nay, Ukraine bắt đầu tấn công Crimea bằng các tên lửa đánh sâu vào sau chiến tuyến Nga.

    Các tên lửa tầm xa nói trên đánh vào các cây cầu trên các tuyến đường bộ và đường sắt nối Crimea với các nơi trên đất Ukraine cũng như đánh vào các hệ thống phòng không, căn cứ quân sự và sở chỉ huy của Nga. Mục tiêu là làm rối loạn hệ thống hậu cần quân đội Nga, làm suy yếu năng lực của họ. Đây là chiến thuật mà Tổng tư lệnh Ukraine Valery Zaluzhny đã sử dụng trong các cuộc phản công ở các tỉnh Kharkov và Kherson.

    Cuối tháng 6, cầu Chonhar nằm trên một trong các con đường bộ chính dẫn ra khỏi bán đảo Crimea đã bị làm hư hại. Ngày 17/7, cầu Kerch lại bị tấn công một lần nữa, lần này bằng xuồng không người lái (USV).

    Các cuộc tấn công như thế đã tác động mạnh lên công chúng Nga. Năm 2019, số du khách Nga thăm Crimea là 9 triệu người. Đến năm 2022, số lượng này giảm xuống còn 6 triệu. Cho đến tháng 10 này của năm 2023, con số này mới khoảng 4 triệu người, theo các quan chức địa phương.

    Lyudmyla Denisova - một cựu nghị sĩ Ukraine có người thân sống ở Crimea, kể rằng nhiều người Nga ở đây đã bán bất động sản của mình đi, đồng thời giá cả bất động sản tại đây cũng tụt dốc.

    Đến giữa tháng 9, tên lửa Ukraine lại đánh vào tàu hải quân Nga ở cảng Sevastopol. Một tuần sau đó, Ukraine phóng tên lửa tầm xa Storm Shadow vào tổng hành dinh Hạm đội Biển Đen, cũng ở Sevastopol, làm bị thương nhiều sĩ quan Nga.

    Thùy Dung(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cang-thang-nga-ukraine-moi-nhat-ngay-25-10-2023-bat-mi-phuong-tien-giup-ukraine-tan-cong-ban-dao-crimea-do-nga-kiem-soat-a596514.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan