“Hậu quả của động thái này vốn được cố tình giấu kín trước công, chúng sẽ mang tính nghiêm trọng nhất”, hãng tin Reuters dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói sau khi Ukraine xác nhận lần đầu tiên sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS tấn công các mục tiêu quân sự của Nga.
Ông Antonov cho rằng quyết định gửi tên lửa tầm xa ATACMS tới Ukraine của Mỹ là một sai lầm lớn và sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Điều này cũng cho thấy Mỹ vẫn theo đuổi chính sách cắt giảm hoàn toàn các mối quan hệ song phương đồng thời tiếp tục thúc đẩy một cuộc xung đột trực tiếp giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga.
Thông tin Mỹ bí mật cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine đã được truyền thông đưa tin từ nhiều ngày trước đó. Hôm 17/10, Nhà Trắng chính thức xác nhận đã cung cấp cho Kiev một số tên lửa tầm xa ATACMS có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 165km.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày cho hay, quân đội nước này đã lần đầu tiên sự dụng tên lửa tầm xa ATACMS nhận được từ Mỹ để tiến hành hành hoạt động tấn công 2 căn cứ không quân do lực lượng Nga kiểm soát ở Ukraine.
Washington Post dẫn nguồn tin cho hay, lực lượng Ukraine đã phóng 18 tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) vào các mục tiêu ở Berdyansk, trên bờ biển Azov và ở khu vực phía đông Luhansk. Cuộc tấn công đã gây ra “tổn thất đáng kể” cho phía Nga.
Lực lượng đặc nhiệm Ukraine sau cuộc tấn công truyên bố, 9 trực thăng, 1 bệ phóng tên lửa phòng không, các đường băng và nhiều thiết bị khác của Nga đã bị phá hủy gần thành phố Luhansk ở phía Đông và thành phố Berdiansk ở phía Nam Ukraine.
Ông Yurii Ihnat - người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine cho biết, việc nhắm mục tiêu vào các sân bay của Nga là rất quan trọng đối với Ukraine, vì các máy bay trực thăng hoạt động gần chiến tuyến được đặt ở đó và có thể tấn công các vũ khí trang bị của Lực lượng Phòng vệ Ukraine.
Kể từ khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái, Ukraine đã nhiều lần đề nghị chính quyền Mỹ cung cấp ATACMS, cam kết không sử dụng vũ khí này trong lãnh thổ của Nga. Kiev nhấn mạnh những loại vũ khí mạnh như ATACMS có thể làm thay đổi tình hình cuộc xung đột kéo dài 20 tháng qua.
Các quan chức Mỹ ban đầu từ chối yêu cầu này vì lo ngại Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong Nga. Chính quyền Tổng thống Joe Biden lo ngại rằng điều đó có thể làm leo thang căng thẳng, đẩy Mỹ can dự sâu vào xung đột.
Trong khi đó, Điện Kremlin khẳng định việc Mỹ cung cấp tên lửa ATACMS và xe tăng Abrams cho Ukraine sẽ không thể làm thay đổi tình hình xung đột. Nga đồng thời cũng sẽ có những động thái đáp trả cụ thể nếu điều này xảy ra.
Phương Uyên(Theo Reuters)