“Các cuộc không kích dữ dội của Nga buộc chúng tôi phải sử dụng số lượng phương tiện phòng không tương ứng. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần những khí tài này nhiều hơn khi Nga tiếp tục tăng cường khả năng tấn công”, hãng tin RT dẫn lời phát ngôn viên Lực lượng Không quân Ukraine Yury Ignat ngày 9/1 nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
Nga đã tăng cường các cuộc không kích, phóng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái nhắm vào các nhà máy vũ khí và nhiều mục tiêu khác ở các thành phố trên khắp Ukraine trong 2 tuần qua. Những cuộc không kích đầu tiên, Ukraine thường xuyên tuyên bố bắt hạ hầu hết các khí tài Nga.
Tuy nhiên, kịch bản trên đã không xảy ra trong cuộc tấn công của Nga nhằm vào các cơ sở công nghiệp quân sự ở các khu vực Kharkov, Dnepropetrovsk, Khmelnitsky và Zaporozhye diễn ra ngày 8/1. Không quân Ukraine cho biết chỉ bắn hạ được 18 trong số 51 tên lửa của Nga. Kiev thừa nhận không đánh chặn được cả 4 tên lửa Kinzhal, 6 tên lửa Iskander-M và 8 tên lửa X-22.
Lí giải điều này, ông Ignat cho biết các hệ thống phòng không mà Ukraine sở hữu hiện đang phụ thuộc vào nguồn cung cấp tên lửa dẫn đường cho các hệ thống phòng không thời phương Tây và Liên Xô. Trong khi đó, kho dự trữ tên lửa của nước này cũng đang dần cạn kiệt.
Sự thiếu hụt phòng không xảy ra với Ukraine vào thời điểm Mỹ và các đồng minh phương Tây chưa thể đưa ra cam kết về các gói viện trợ mới. Tổng thống Joe Biden hồi tháng 10/2023 đã đề xuất gói ngân sách mới bao gồm 61,4 tỷ USD viện trợ bổ sung dành cho Ukraine nhưng chưa được quốc hội thông qua do không đạt được thỏa thuận về vấn đề an ninh biên giới.
Gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro (54,6 tỷ USD) từ Liên minh châu Âu (EU) cũng đang bị cản trở do quyền phủ quyết của Hungary. Các nhà ngoại giao EU cho biết, Hungary tuyên bố rằng họ có thể dỡ bỏ quyền phủ quyết đới với viện trợ dành cho Ukraine nếu Hội đồng châu Âu thông qua một cuộc bỏ phiếu để phân bổ vốn hàng năm.
Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao EU tỏ ra nghi ngờ về đề xuất này đồng thời lưu ý rằng đề xuất của Hungary sẽ không đảm bảo sự ổn định cho Ukraine. Hội đồng Châu Âu dự kiến sẽ có phiên họp vào ngày 1/2 để thảo luận lại về gói trị giá mới dành cho Ukraine. Nếu được thông qua, khoản tiền này sẽ được giải ngân từ năm 2024 đến 2027.
Ukraine đang đặt hy vọng về sự giúp đỡ ngắn hạn từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba mới đây cho biết, việc cung cấp tên lửa cho các hệ thống phòng không Patriot, IRIS-T và NASAMS là sẽ ưu tiên hàng đầu.
Phương Uyên (Theo RT)