Mỹ tuyên bố không muốn gây chiến với Iran nhưng luôn sẵn sàng đáp trả mọi cuộc tấn công từ lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo hoặc quân đội chính quy Iran.
Ông Brian Hook, đặc phái viên Mỹ về Iran. Ảnh: mehrnews.com |
Ngày 8/5, ông Brian Hook, đặc phái viên Mỹ về Iran tuyên bố mọi cuộc tấn công của Tehran nhằm vào Mỹ hay các đồng minh sẽ bị đáp trả bằng vũ lực. Động thái này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nổ ra xung đột giữa Iran và Mỹ, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi.
Tuyên bố của ông Hook được đưa ra sau khi tình báo quân đội Mỹ đã phát hiện dấu hiệu cho thấy Iran đưa tên lửa đạn đạo tầm ngắn lên tàu chiến neo đậu ở vịnh Ba Tư.
Lầu Năm Góc nhận định động thái của Iran có thể khiến Mỹ và lực lượng đồng minh ở Arab Saudi, Bahrain và Qatar gặp nguy hiểm, không loại trừ khả năng tên lửa Iran sẽ nhằm vào các mục tiêu Mỹ ở Iraq và Syria.
Đáp trả động thái này, Lầu Năm Góc thông báo đang triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln và phi đội oanh tạc cơ B-52 đến Trung Đông nhằm gửi thông điệp cảnh cáo rằng "mọi cuộc tấn công nhằm vào lợi ích của Mỹ và các đồng minh sẽ bị đáp trả một cách nghiêm khắc".
Giới quan sát đánh giá đây là động thái phô trương sức mạnh rầm rộ nhằm gia tăng sức ép với Iran, bởi các khí tài Mỹ triển khai lần này có uy lực tấn công rất lớn.
Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln sẽ gồm tàu sân bay chở theo không đoàn chiến đấu cơ đầy đủ, được hộ tống bởi một tuần dương hạm lớp Ticonderoga và 4 tàu khu trục lớp Arleigh Burke.
Máy bay xếp trên boong tàu USS Abraham Lincoln hồi cuối tháng 4. Ảnh: US Navy. |
Phản ứng trước động thái triển khai lực lượng quân sự của Mỹ, Iran tuyên bố bắt đầu từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân 2015, đồng thời đe dọa sẽ có các biện pháp quyết liệt hơn nếu các cường quốc trên thế giới không bảo vệ Tehran trước lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng cáo buộc "những quan điểm cứng rắn" ở Mỹ đang cố phá hoại thỏa thuận hạt nhân từ năm 2015 tới nay. Các bên còn lại của thỏa thuận hạt nhân là Pháp, Anh, Đức, Nga và Trung Quốc đã được thông báo trước về động thái của Iran.
Hội đồng an ninh quốc gia tối cao Iran (SNSC) nói rằng, ở giai đoạn này, Iran sẽ không tiếp tục chấp hành các giới hạn mà họ đã cam kết trong việc làm giàu uranium và nước nặng theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Quyết định này là cần thiết nhằm "đảm bảo quyền lợi và lấy lại cân bằng" sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận cách đây tròn một năm.
Tuy nhiên, ông Brian Hook khẳng định Mỹ không muốn chiến tranh với Iran những sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa cho đến khi Tehran thay đổi hành vi và chính sách "đối ngoại khiêu khích". Đại diện Mỹ cũng khẳng định việc Iran từ bỏ một số cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là đi ngược với các quy tắc quốc tế.
Mộc Miên (Theo mehrnews.com)