Chiều 26/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Phát biểu ý kiến, ĐBQH Lê Văn Cường (đoàn Thanh Hóa) cho hay, qua nghiên cứu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược cho thấy, nếu dự án Luật được thông qua sẽ giải quyết hầu hết các vướng mắc, bất cập; đồng thời bổ sung nhiều vấn đề mới, bảo đảm tăng tiếp cận thuốc của người dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Cường cho biết, về chính sách về dược, dự thảo luật đưa ra bổ sung rất nhiều chính sách ưu đãi, ưu tiên, hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực như: nghiên cứu khoa học, ưu đãi đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, chính sách thuế đại biểu cho rằng, để chính sách triển khai thực tế cần quy định cụ thể ưu đãi đó là gì; trình tự, hồ sơ, thủ tục… để nhận được ưu đãi của Nhà nước.
Do vậy, đại biểu đề nghị đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật việc giao cho Chính phủ, hoặc các bộ, ngành có thẩm quyền quy định chi tiết các chính sách của Nhà nước về Dược.
Liên quan đến vấn đề kinh doanh dược theo hình thức thương mại điện tử, ông Lê Văn Cường cho rằng, việc kinh doanh dược theo thương mại điện tử là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc kinh doanh dược là hết sức đặc thù nên cần phải có quy định chặt chẽ hơn.
ĐBQH Nguyễn Hoàng Uyên (đoàn Long An) nhận thấy, dự thảo luật đã tiếp thu, sửa đổi nhiều nội dung, bổ sung thêm các điểm, khoản trong các điều của Luật. Đặc biệt, nhiều điểm, khoản đều phải sửa dẫn chiếu áp dụng, chưa tính đến nội dung rà soát với các quy định của pháp luật như: Luật Đầu tư, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Đấu thầu, Luật Thuế giá trị giá tăng, Luật Xuất nhập khẩu…
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Điều 32 về kinh doanh dược, nguyên liệu làm thuốc bao gồm cả hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức điện tử, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên nhất trí với nội dung bổ sung quy định trong dự thảo Luật này.
Quy định này sẽ phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng. Do đó, đại biểu cho rằng, cần có cơ chế quản lý hiệu quả hơn trong việc mua và bán thuốc.
Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc có những quy định chi tiết về danh mục thuốc, hình thức kinh doanh, đối tượng được phép mua hoặc bán thuốc theo hình thức thương mại điện tử.
Đồng thời, phải giới hạn đối tượng mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và tránh rủi ro phát sinh nhằm bảo vệ người sử dụng được an toàn.
Ngoài ra, liên quan tới kiểm soát thị trường thuốc kinh doanh qua các hệ thống quầy thuốc, ĐBQH Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) chỉ rõ, Luật hiện hành đang có nhiều quy định liên quan đến việc kiểm soát hoạt động mua bán thuốc tại các quầy thuốc.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc mua bán các loại thuốc tại nhiều nhà thuốc, quầy thuốc vẫn khá thoải mái, kể cả những loại thuốc thuộc diện phải kê đơn của bác sĩ chuyên khoa. Việc người bán thuốc tự chẩn bệnh, kê đơn và tư vấn cho người mua dù hoàn toàn không có bằng cấp chuyên môn tương ứng về lĩnh vực y, dược còn khá phổ biến.
Từ đó, dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khoẻ của người dân như dùng sai chỉ định, dùng quá liều, tác dụng phụ của thuốc... Do đó, ông đề nghị bổ sung các quy định, chế tài cụ thể để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa vấn đề này trên thực tế.