Theo quy định của luật Khám chữa bệnh, bác sĩ không được bán thuốc dưới mọi hình thức (trừ bác sĩ đông y, lương y). Trên thực tế, quy định này dường như vô nghĩa với các phòng khám tư khi quy trình khám và bán thuốc được thực hiện khép kín.
Vô tư phạm luật
Theo Nghị định 96/2011/NĐ-CP của Chính phủ, bác sĩ chỉ được kê đơn, cấm bán thuốc dưới mọi hình thức. Trong quá trình tìm hiểu thực tế, PV báo ĐS&PL phát hiện tại một số phòng khám, việc bác sĩ kê đơn kiêm bán thuốc vẫn đang diễn ra công khai.
Lối đi vào phòng khám của bác sĩ N.. |
Tại phòng khám của bác sĩ N. trên Phố Huế, PV vô cùng ngạc nhiên trước cách thăm khám và kê thuốc cực nhanh của vị bác sĩ. Vừa lấy đèn pin soi vào chân bệnh nhân, bác sĩ N. vừa “bắt bệnh”. Không những thế, nữ bác sĩ này còn nhanh miệng đọc tên những loại thuốc cần phải bán cho bệnh nhân. Một y sĩ trẻ ngồi bên cạnh chỉ cần gõ chữ cái đầu là ra tên của những loại thuốc mà PV sẽ phải mua.
Sau khi được thăm khám, bệnh nhân nào cũng được bác sĩ N. kê cho 1 đơn thuốc với lời dặn “nhớ lên tầng 2 lấy thuốc nhé”. Ở tầng 2, PV được một vị dược sĩ bán thuốc. Được biết, dược sĩ này cũng chính là chồng của bác sĩ N.. Theo đó, quy trình khám chữa bệnh của phòng khám này được khép kín từ khám đến bán thuốc.
Trong lúc đi “lạc” ở tầng 1, PV quan sát thấy nhân viên của phòng khám này đang vận chuyển rất nhiều loại thuốc khác nhau. Sau khi phân loại, thuốc được gói ghém rất cẩn thận.
Theo tìm hiểu của PV, hầu hết bệnh nhân được bác sĩ N. thăm khám đều phải mua thuốc tại đây dù giá khá “chát”. Sau khi từ phòng khám của bác sĩ N. bước ra, bệnh nhân tên V. nhăn nhó: “Lần nào đến khám cũng phải mua một đống thuốc, giá lại đắt nữa. Nhưng không biết đến bao giờ mới khỏi bệnh đây”.
PV đã khảo sát thêm ở một phòng khám nhi của bác sĩ H. đóng trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Được biết, phòng khám của bác sĩ H. lúc nào cũng đông kín bệnh nhân. Lần nào khám xong, bác sĩ H. cũng ghi đầy đủ và cụ thể những loại thuốc mà bệnh nhân cần phải mua.
Chị Trần Thị L. (ngụ phường Mai Dịch) tiết lộ: “Tôi đưa con đến đây khám vì ở gần nhà. Ở đây có cái tiện là vừa được bác sĩ khám bệnh vừa được mua thuốc luôn nữa. Như vậy là yên tâm rồi. Tuy thuốc có hơi đắt một chút nhưng biết đâu thuốc đó tốt hơn thuốc ngoài thì sao?”.
Trong khi chờ đến lượt, PV được một người phụ nữ ngoài 30 tuổi “bật mí”: “Mỗi lần đến đây, con tôi đều được bác sĩ khám, kê thuốc luôn. Phòng khám nào chả vậy. Mình cũng chẳng thắc mắc gì. Nói chung bác sĩ cứ có tiếng, khám nhanh, gọn là được. Giá thuốc ở đây cao hơn bên ngoài khoảng 30%”.
Thuốc “độc quyền”
Theo tìm hiểu của PV, dù biết rõ quy định cấm bác sĩ bán thuốc nhưng vẫn có không ít người xem quy trình khép kín “khám-kê đơn-bán thuốc” của các phòng khám tư là chuyện... rất đỗi bình thường. Thậm chí, nhiều bệnh nhân còn khẳng định thuốc bán ra từ phòng khám tư là thuốc tốt bởi đó là cách phòng khám giữ uy tín cho bác sĩ (?).
Theo khảo sát của PV, hiện tượng bác sĩ vừa kê đơn vừa bán thuốc tại một số phòng khám ở Hà Nội diễn ra khá phổ biến. Có nơi, người bệnh đến khám, bác sĩ kê đơn rồi hướng dẫn họ sang phòng thuốc. Tại đây, nhân viên bán thuốc cứ thế “ấn” thuốc cho người bệnh mà không cần biết họ có muốn mua hay không. Hầu hết người bệnh đều không từ chối, thậm chí chẳng ai dám hỏi thuốc này giá bao nhiêu tiền...
Trong vai một bệnh nhân, PV vào khám bệnh tại phòng khám của bác sĩ N. (Phố Huế). Theo kết luận của bác sĩ, PV bị viêm da cơ địa, cần điều trị lâu dài mới khỏi. Sau đó, bác sĩ N. kê cho PV một đơn thuốc khá “chát”.
Đơn thuốc do một bác sĩ tại phòng khám tư kê. |
Lấy lý do không đủ tiền, PV hỏi bác sĩ N. rằng có thể mang đơn thuốc ra hiệu thuốc ở gần nhà để mua không, bác sĩ N. lắc đầu nói: “Thuốc này không bán ở ngoài đâu. Hơn nữa, thuốc mua ngoài chưa chắc đã tốt bằng. Nếu muốn nhanh khỏi bệnh thì nên mua thuốc tại phòng khám, an toàn lại hiệu quả”.
Thấy PV tỏ ra băn khoăn vì trong 5 loại thuốc bác sĩ vừa kê có tới 4 loại là kháng sinh, bác sĩ N. giải thích: “Với những người bị viêm da, cần phải uống nhiều thuốc kháng sinh mới nhanh khỏi. Nhiều người bệnh đến đây còn muốn lấy liều cao chứ bấy nhiêu thì bõ bèn gì!”.
Cuối cùng, với 30 viên thuốc và 2 lọ thuốc bôi ngoài da, PV phải thanh toán hết 450.000 đồng. Khi PV mang đơn thuốc này ra hiệu thuốc ở gần nhà khảo giá thì với đơn thuốc trên, nếu mua ở ngoài chỉ mất 130.000 đồng! Có bệnh nhân vì đã trót “đâm lao nên đành phải theo lao” dù biết giá thuốc ở phòng khám đắt hơn ở hiệu thuốc bên ngoài rất nhiều lần.
Trao đổi với PV, nam thanh niên tên V. cho biết: “Mặt tôi bị nhiều mụn nhân mà đàn ông con trai lại có mụn thì trông khó coi lắm. Thế nên tôi phải đến đây khám và sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ vì cứ dừng thuốc là mụn sẽ quay trở lại. Có những loại thuốc giá bán lên tới 900.000 đồng nhưng vẫn phải “nghiến răng” mua”.
Cũng giống như V., chị Hà đưa con đến khám ở phòng khám của bác sĩ N. đều được kê đơn và mua thuốc ngay tại phòng khám. Chị Hà bảo: “Lần nào khám xong bác sĩ đều dặn, nếu không mua thuốc ở đây thì bên ngoài không có thuốc mà mua đâu. Tôi nghĩ phòng khám bán thuốc thì chắc là an toàn nên mua luôn thuốc ở đây”.
Được biết không riêng chị Hà hay anh V., hầu hết các bệnh nhân khi đến phòng khám tư đều được các bác sĩ “dặn dò” nhớ mua thuốc ở quầy thuốc thuộc phòng khám cho “đảm bảo”.
Lý giải về những đơn thuốc độc quyền này, một vị bác sĩ (xin được giấu tên) đã có nhiều năm làm việc tại phòng khám đa khoa cho biết: “Điều này cũng dễ hiểu thôi. Dù lợi nhuận từ việc khám bệnh tại các phòng khám tư nhân có lớn nhưng dường như vẫn còn chưa đủ. Hơn nữa, để mở một phòng khám tư cần một số vốn không hề nhỏ, do đó nếu chỉ thu mỗi tiền khám chữa bệnh thì còn lâu mới thu hồi được vốn. Trong khi đó, lợi nhuận từ việc bán thuốc lại rất lớn. Do vậy, giờ có ít phòng khám chỉ nhận khám bệnh đơn thuần lắm”...
Xử phạt nhiều cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng hành nghề sở Y tế Hà Nội cho biết, trong năm 2016 và quý I/2017, sở Y tế đã kiểm tra 170 lượt cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, trong đó xử lý vi phạm hành chính 102 lượt với số tiền phạt gần 2,6 tỷ đồng. Đã có 5 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, tước giấy phép có thời hạn 2 cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 bác sĩ, thu hồi giấy phép hoạt động 3 cơ sở. Đối với các cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài, từ đầu năm 2017 đến nay, Sở đã kiểm tra 26 cơ sở, trong đó thu hồi giấy phép hoạt động 3 cơ sở, xử phạt hành chính 4 cơ sở, đình chỉ hoạt động 1 cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề của 1 bác sĩ nước ngoài. |
(Còn nữa)
Nhóm PV