Ngày 20/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh. Gói ưu đãi với mức hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tổng nguồn vốn hỗ trợ là 40.000 tỷ đồng. Đây được xem như chiếc “phao cứu sinh” giúp các doanh nghiệp phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Thực tế, báo cáo của NHNN cho thấy, đến cuối tháng 9/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng trên 15.000 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng trên 13.000 tỷ đồng; số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng khi tới kỳ thu lãi trên 29 tỷ đồng. Lãnh đạo các ngân hàng thương mại nhận định, mặc dù tiến độ triển khai gói hỗ trợ chưa như kỳ vọng, nhưng các ngân hàng cũng đã đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất bằng cách đơn giản hoá thủ tục cho vay; chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ.
“Nước xa khó cứu lửa gần”
Là doanh nghiệp thuộc nhóm các ngành hàng trong gói hỗ trợ lãi suất nhưng khi được hỏi về công tác tiếp cận, trao đổi với ĐS&PL, ông Phạm Hà, Chủ tịch công ty du lịch Lux Group cho biết: “Chúng tôi đã tìm hiểu thông tin nhiều nơi về gói hỗ trợ trên nhưng không ngân hàng nào có và thông tin cũng rất hạn chế. Thực sự chúng tôi cũng rất kỳ vọng, nếu được hỗ trợ 2% lãi suất, doanh nghiệp sẽ dễ thở hơn vì trong thời điểm vay vốn rất khó khăn hiện nay”.
Về phía HTX, ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Nông nghiệp Gia Đình cho biết: “Hiện nay
không chỉ HTX Gia Đình mà nhiều HTX khác trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) cũng chưa thể tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất 2% từ NHNN”. Ông Thành cho rằng vướng mắc chính đến từ thủ tục vay và thời gian xét duyệt. Ngoài ra, do mô hình mang tính đặc thù của HTX dẫn đến quy trình cho vay vốn tại các ngân hàng thường diễn ra chậm. Trong khi đó, các khó khăn của doanh nghiệp về nguồn vốn, thanh khoản đều cấp bách trong bối cảnh phục hồi sản xuất nên thời gian chờ đợi giống như “nước xa khó cứu lửa gần”.
Từ những khó khăn trên, ông Phạm Hà mong muốn các chính sách được rộng mở để không chỉ các doanh nghiệp lớn mà doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn. Không chỉ vậy, Chủ tịch Lux Group hy vọng các chính sách hỗ trợ vay vốn sẽ minh bạch, công khai hơn trong quá trình đưa vào áp dụng.
Doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt
Trao đổi với ĐS&PL liên quan đến vấn đề trên, ĐBQH Trần Văn Lâm (Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội) cho rằng: “Sau khi Nghị định 31 của Chính phủ có hiệu lực, gói hỗ trợ 2% từ NHNN đã đi vào hoạt động và phần nào để lại những dấu mốc, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX phục hồi hậu đại dịch”.
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào những khó khăn của gói hỗ trợ, ông Trần Văn Lâm cho rằng không phải HTX và doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được hỗ trợ lãi suất vì thủ tục còn rất nhiều phức tạp, tốn nhiều thời gian. Ông Lâm lý giải vì mục tiêu điều hành để kiểm soát lạm phát dẫn đến tình trạng dù đủ điều kiện cho vay nhưng các doanh nghiệp, HTX không thể vay vì room tín dụng đã hết. Đây là biện pháp quản lý vĩ mô để kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế. “Các cơ quan quản lý chỉ đóng vai trò định hướng, hỗ trợ tối đa bằng các cơ chế chính sách trong phạm vi cho phép, còn doanh nghiệp, HTX phải chủ động tìm kiếm hướng đi. Càng những giai đoạn khó khăn, càng cần sự chủ động, linh hoạt thích ứng của doanh nghiệp để vượt qua”, ông Trần Văn Lâm cho hay.
Đánh giá về hiệu quả của gói hỗ trợ lãi suất trên, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Hà Nội chia sẻ: “Gói hỗ trợ lãi suất 2% là điều rất cần thiết đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên sau khi được ban hành và thực thi, kết quả mang lại của gói hỗ trợ chưa đạt được như kỳ vọng của các doanh nghiệp”. Theo ông Quốc Anh, các doanh nghiệp và HTX khó có thể đáp ứng được những điều kiện đi kèm để nhận hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhu cầu để vay hỗ trợ lớn nhưng số tiền ngân sách cho vay lại hạn chế nên việc nhiều doanh nghiệp cùng thụ hưởng là điều rất khó.
Trước thực tế trên, nhằm rộng mở các chính sách giúp tiếp cận gần hơn với gói lãi suất 2% nói riêng và giải quyết vấn đề khát vốn nói chung, ông Mạc Quốc Anh đã đề xuất “bơm” thêm nguồn tài chính vào gói hỗ trợ đồng thời cắt giảm tối đa điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với vốn vay. Đồng thời, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị nên mở rộng ngành hàng trong gói hỗ trợ thay vì chỉ giới hạn trong các nhóm ngành hàng. Bởi hiện nay ngành nào cũng gặp khó khăn do thị trường cả cung cả cầu đều giảm. Đồng thời, đây cũng là các biện pháp nhằm cải thiện niềm tin của doanh nghiệp đối với các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Phương Anh