+Aa-
    Zalo

    Căn nhà 2 mét vuông và chuyện chàng trai 28 tuổi không dám lấy vợ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vì căn nhà chỉ đủ chỗ cho 2 người đàn ông nằm nghiêng khi ngủ, nên chàng trai trẻ dù đã đến tuổi thành gia lập thất nhưng chưa bao giờ dám tính chuyện lấy vợ...

    Căn nhà 2m2 nằm lọt thỏm trong con ngõ 63 Thuốc Bắc quanh năm không có ánh sáng được xếp vào hạng nhỏ nhất Hà Nội, là nơi sinh sống của ông cụ 70 tuổi cùng người con trai 28 tuổi suốt 25 năm qua. Vì cuộc sống khó khăn, vì căn nhà chỉ đủ chỗ cho 2 người đàn ông nằm nghiêng khi ngủ, nên chàng trai trẻ dù đã đến tuổi thành gia lập thất nhưng chưa bao giờ dám tính chuyện lấy vợ...

    25 năm ngủ nghiêng, ăn tại “khách sạn hạng sang”

    Những ngày Hà Nội chìm trong sự oi nồng của tháng Bảy, nhiều người dù ở trong căn phòng rộng, quạt chạy vù vù, điều hòa bật 24/24h vẫn than trời vì sự khắc nghiệt của thời tiết, thì ở một ngõ nhỏ quanh năm không có tia nắng, ngọn gió nào ghé thăm, có hai cha con sống trong một căn nhà nóng như “lò bát quái” mà vẫn lạc quan.

    Ngoài lúc ngủ, thời gian còn lại ông Cao thường ngồi nhờ tại một quán cà phê gần nhà để tránh nóng.

    Căn nhà chỉ độ 2m2 nằm lọt thỏm trong con ngõ nhỏ 63, Thuốc Bắc (quận Hoàn Kiếm), là nơi ở của hai cha con ông Chu Văn Cao (SN 1947). “Tổ ấm” của cha con ông cụ 70 tuổi có chiều dài chỉ khoảng 2m, rộng 1m và cao chưa đầy 1,4m. Gọi là nhà cho sang, chứ thực tế đây là căn gác xép. Theo ông Cao kể, trước đó, căn gác xép này thuộc căn phòng 16m2 bên dưới, đây chỉ là nơi chứa đồ. Năm 1994, vợ chồng ông Cao làm ăn thua lỗ nên phải bán căn hộ để trả nợ. Từ đó, căn gác xép này trở thành nơi sinh sống của ông và người con trai Chu Anh Văn (SN 1988).

    Nhắc lại câu chuyện phải bán nhà trả nợ, ông Cao ngậm ngùi: “Hồi đó, do tôi đi làm ăn rồi bị vỡ nợ, tiền bạc mất trắng. Sau khi bán nhà trả nợ, tôi và vợ ly hôn. Tôi nuôi đứa con trai, còn bà ấy nuôi đứa con gái riêng. Khi đó con trai mới 6 tuổi, nay đã gần 30 tuổi. Từ ngày ấy, tôi và cậu con trai sống ở căn gác xép này”.

    Căn phòng nhỏ hẹp, bí bách của ông cụ 70 tuổi này quanh năm không có ánh sáng, không có gió, không điện, không nước. Để vào được căn nhà, phải đi qua một ngõ nhỏ sâu hun hút. Khách muốn vào nhà phải quỳ bò và chỉ có thể nằm hoặc ngồi. Nếu ngồi, một người ngồi trong, một người phải cho chân ra ngoài mới đủ diện tích. Thấy cuộc sống của hai cha con ông Cao đáng thương nên hàng xóm bắc một đường điện cho dùng nhờ.

    Do diện tích căn nhà quá nhỏ nên cha con ông Cao hạn chế đến mức tối đa việc sắm sửa vật dụng. Ngoài 1 chiếc quạt, 1 chiếc đèn, vài bộ quần áo được gấp ngăn nắp, bình nước, gương, lược và sách báo thì căn nhà không có thêm bất cứ vật dụng thừa nào.

    Ông Cao cho biết, trước kia, cha con ông cũng có một chiếc tivi nhỏ, nhưng do nó chiếm quá nhiều diện tích nên ông phải bán đi. Để cập nhật tin tức thời sự hàng ngày, ông Cao thường xin lại những tờ báo cũ của các quán cà phê, quán cắt tóc. Và những tờ báo đó được ông cất gọn một góc. Những cuốn sách là tài sản mà ông lão 70 tuổi quý nhất, ông bảo, ông có thể nhịn ăn chứ không thể một ngày không đọc sách: “Tôi đọc sách để biết cuộc sống xung quanh mình biến đổi như thế nào, hiểu hơn về nhân tình thế thái”, ông Cao cho biết.

    Đưa tay gạt vội những giọt mồ hôi trên trán, ông Cao cho biết, ngày nắng nóng, căn nhà như cái lò thiêu. Nhiều người có dịp ghé vào con ngõ nhỏ luôn nhìn ông ái ngại và hỏi: "Nóng thế này thì sống làm sao?", "nhà bé như này thì ngủ nghỉ kiểu gì?". Và ông Cao vẫn lạc quan trả lời rằng: “Người khác thấy như vậy là khổ lắm nhưng với tôi, tôi không thấy nóng. Chắc do tôi đã quen rồi. Hai bố con sống ở đây đã lâu nên dần dần hình thành phản xạ như một thói quen. Dù không có ánh sáng tôi vẫn làm được mọi thứ bình thường mà ít khi va vào tường”.

    Sống trong căn nhà “siêu nhỏ, siêu mỏng” nên sinh hoạt thường ngày của cha con ông Cao cũng thật giản đơn. Ông Cao kể về những bữa ăn chỉ 10.000 đồng nhưng được ví như bữa ăn thịnh soạn ở khách sạn hạng sang: “Tôi ăn xong có người dọn, không phải nấu, bát đũa không phải rửa như thế chẳng là sang quá còn gì”, ông Cao cười.

    Đối với ông, việc vệ sinh tắm giặt càng đơn giản, ông đều dùng chung ở khu nhà vệ sinh công cộng. Ngoài lúc ngủ, thời gian còn lại hai cha con ông Cao phải tính toán để tránh việc ở nhà cùng nhau.

    Chàng trai 28 tuổi chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện lập gia đình

    Từng là giáo viên cấp 3, sau đó làm ở một vài cơ quan Nhà nước nhưng ông Cao không có lương hưu, vì vậy, dù đã 70 tuổi nhưng ông vẫn phải đi làm thuê kiếm thu nhập. Công việc của ông khi thì ở quán cà phê, lúc lại đi phụ ở các quán ăn.

    Ông Cao kể: “Nhiều người bảo tôi đi xin lại giấy tờ để được hưởng lương hưu. Nhưng mọi người phải ở hoàn cảnh của tôi mới hiểu được. Ngày đó là chiến tranh, loạn lạc, cốt là chạy giữ lấy tính mạng, ai mà nghĩ phải mang theo giấy tờ. Còn những người cùng làm với tôi, 10 người thì chắc may ra còn 1 người sống. Vì thế mà, xin giấy tờ để có lương hưu không phải là khó khăn mà vấn đề này không thể giải quyết được”.

    Suốt 25 năm, hai cha con ông Cao cố gắng khắc phục bằng một tinh thần lạc quan. Ông Cao cười hiền: “Bao nhiêu năm đi chiến đấu gặp nhiều gian khổ nên tình cảnh bây giờ tôi thấy bình thường. Tôi luôn cố gắng giữ cho cái tâm bình thản, không đố kỵ. Nhiều người nhìn thấy người khác giàu có dễ nảy sinh lòng đố kỵ, như vậy chỉ thêm đau khổ thôi. Cuộc sống của tôi 25 năm nay như thế này rồi, tôi chấp nhận nó nên cảm thấy bình thường”.

    Nhiều người nhìn thấy cuộc sống của ông như vậy, sẽ thấy khó khăn cùng cực. Nhưng với ông, đêm về có một chỗ để ngả lưng là cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều người phải lang thang ngoài đường.

    Nói về cậu con trai 28 tuổi, khuôn mặt ông Cao thoáng chút buồn: “Vì gia cảnh như vậy, con trai tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện lập gia đình. Không được ăn học đàng hoàng nên nó chỉ làm được những công việc lao động phổ thông, nay đây mai đó.

    Nhiều lúc tôi buồn lắm, sinh con ra mà không cho nó được cuộc sống như bạn bè. Nhưng cũng thật may, từ nhỏ con trai tôi đã nhận thấy gia cảnh nhà mình như vậy, cháu cũng chưa từng trách bố. Hai bố con dựa vào nhau mà sống qua ngày. Những lần đi làm xa thì con trai tôi sẽ ở lại đó, còn nếu làm quanh Hà Nội, tối đến nó về nhà ngủ”.

    Hai người đàn ông nằm trong căn phòng 2m2 , tính ra mỗi người được 1m2 . Đó là còn chưa kể đến đồ đạc xếp xung quanh. “Mùa hè nóng bức, gần như cả đêm, hai cha con nằm nghiêng cho đỡ nóng lưng. Trần nhà thấp, mỗi lần mặc quần áo, tôi đều phải khom lưng hoặc nằm ra sàn mới mặc được”, ông Cao chia sẻ.

    Có lẽ vì sống trong cảnh thiếu thốn mà con trai ông cũng tự ti, thâm trầm ít nói và ngại giao tiếp với mọi người.

    Khi hỏi về mong ước hiện tại, ông Cao chia sẻ: “Tôi sống thực tế, chứ không lãng mạn đâu. Ngần này tuổi rồi, tôi hiểu hai từ mong ước nó thế nào chứ. Nhưng thực ra, tôi vẫn mong có một căn nhà đàng hoàng cho mình. Điều đó thì lại xa vời quá”.

    Hiện nay, ông Cao đang làm thuê tại một quán cà phê gần nhà, bà Chi, chủ quán cà phê cho biết: “Ở chỗ của cha con ông Cao nóng và chật chội quá, tôi thường cho ông ấy ngồi nhờ những ngày nắng nóng. Thỉnh thoảng ông phụ giúp công việc ở quán. Số ông ấy khổ, mọi người trong khu này đùm bọc ông ấy nhiều. Hôm nay, người cho ông ấy cái này, mai lại có người cho cái khác. Tính ông Cao vui vẻ, hòa nhã nên mọi người trong xóm ai cũng quý”.

    Phong Linh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-nha-2-met-vuong-va-chuyen-chang-trai-28-tuoi-khong-dam-lay-vo-a197843.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan