+Aa-
    Zalo

    Nở rộ chiêu dựng nhà “hộp diêm” để bán đất trái phép

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Có một điều lạ, các công trình này không hề có bất cứ hoạt động nào của con người, cũng chẳng có điện, nước, nhà vệ sinh hay dụng cụ nào… Thực chất, đó không phải nhà....

    Có một điều lạ, các công trình này không hề có bất cứ hoạt động nào của con người, cũng chẳng có điện, nước, nhà vệ sinh hay dụng cụ nào… Thực chất, đó không phải nhà hay các công trình kiên cố trên đất mà là những kiểu làm lách luật của các đầu nậu nhằm phân lô bán nền một cách hợp pháp.

    Nhà tạm mọc như nấm sau mưa

    Theo Quyết định 33 của UBND TP.HCM (số 33/2014/QĐ-UBND) về diện tích tối thiểu được tách thửa thì ở khu vực 2 (gồm các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện được quy hoạch đô thị hóa) muốn tách thửa ở nơi chưa có nhà ở phải đủ 80m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 5m. Đối với đất có nhà ở thì diện tích tối thiểu là 50m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 4m. Lách quy định này, đầu nậu đang “xẻ thịt” các khu đất để phân lô bán nền, thậm chí dưới chuẩn để hợp thức hóa tất tần tật các thủ tục.

    Dạo quanh khu vực nằm trong diện “sốt nóng” đất nền vừa qua là khu vực quận 9, 12, Nhà Bè...,  PV rất dễ tìm thấy các khu nhà “ma” mọc lên như nấm sau mưa. Tại khu vực trường Mầm non Sơn Ca 8, phường An Phú Đông, quận 12, hàng loạt căn nhà “ma” nằm lọt thỏm trong các lùm cây dại. Những căn nhà này nằm lẫn với một số công trình nhà ở đã và đang mọc lên tại khu vực.

    Lúc đầu, PV ngạc nhiên cứ ngỡ đây là nhà vệ sinh hay kho của các hộ lân cận, nhưng hỏi ra mới biết nhà đó là nhà xây tạm để bán đất. Ông Hùng - một người dân ngụ gần khu vực chỉ về mấy ngôi nhà tạm nói: “Người ta xây tạm đó để dễ bán đất ấy mà. Từ khi đất nền sốt, họ xây hàng loạt căn như thế, không đáng bao nhiêu tiền. Khi nào làm sổ cũng dễ, do có nhà ở trên đất nên diện tích chỉ còn 50m2, chứ không phải là 80m2 nữa”. Thậm chí, ghi nhận của PV cho thấy, có những căn nhà nhỏ chỉ bằng hộp diêm, với diện tích 1 đến 2m2. Điều đáng nói, khi bán đất, các “cò” cam kết sẽ lo mọi thủ tục cho đến khi hoàn công căn nhà, nếu cần sự giúp đỡ.

    Trong vai người mua đất, PV được “cò” Bùi Văn Tiến (quận 12) giới thiệu: “Đất gần trường Sơn Ca 8 đã có nhà tạm trên đất, giá đang bán 25 triệu đồng/m2. Anh mua sẽ tiến hành tách sổ và chuyển mục đích sử dụng đất luôn. Nếu cần thì hỗ trợ giấy phép xây dựng với chi phí thấp nhất”. Ngoài các “cò”, một số đầu nậu trực tiếp đứng ra bán lẻ cho người có nhu cầu. Khi hỏi mua lô đất gần tu viện Khánh An, cũng thuộc phường An Phú Đông, đầu nậu tên Huy hỏi ngay: “Mua đầu tư hay để ở, nếu mua, ở anh lấy giá 20 triệu đồng/m2. Hiện trên đất bên anh đã cho xây dựng mấy căn nhà tạm để dễ dàng thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng”.

    Giải thích về căn nhà tạm này, Huy nói thêm: “Diện tích đất là 73m2, không đủ để tách thửa, đồng thời, khi xây dựng sẽ phải trừ lộ giới nên phải xây nhà tạm trước. Em mua bên anh sẽ làm các thủ tục: Chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, sang tên sổ... cho em luôn một lần, đỡ phải sang tên người này rồi lại sang cho người khác. Tất cả chi phí này đều do bên anh lo hết. Nếu em cần giấy phép xây dựng anh sẽ lo luôn và em phải chịu phí nhưng không nhiều đâu, khoảng vài chục triệu đồng là cao”.

    Tương tự, tại quận 9, tình trạng xây nhà “ma”, phân lô bán nền cũng diễn ra rầm rộ. Điển hình tại các phường Long Bình, Long Trường, Long Thạnh Mỹ... không khó để tìm thấy các căn nhà kiểu này. Điển hình, trên đường Nguyễn Xiển (phường Long Bình) có hàng chục căn nhà “ma” nằm sát nhau, được xây bằng tường gạch, trên đó là các số điện thoại rao bán đất.

    Lộ diện đầu nậu

     Tại Nhà Bè, các căn nhà “ma” còn được lắp ghép bằng sắt, tôn theo từng mảng cố định, khi bán xong thửa này, đầu nậu lại cho chuyển sang thửa khác để tiết kiệm chi phí. “Cò” đất tên Hoàng đang bán cho một dự án với 20 nền ở ấp 2, xã Nhơn Đức cho biết: “Đất khu này đang sốt dữ lắm, nhưng giá bên em thuộc dạng mềm nhất, chỉ 20 triệu đồng/m2. Hơn nữa, đường nội bộ đã hoàn thiện với 6m, trên thửa đất đã có nhà tạm, rộng 25m2”. Hiện nay, theo quy định, nếu là khu đất có diện tích trên 2.000m2 thì bắt buộc làm

    dự án theo quy hoạch 1/500, phải chuẩn bị hạ tầng, trường học, công viên... sau đó, chủ đầu tư mới xin cấp phép để đầu tư hạ tầng, chuyển mục đích sử dụng đất, xin phép xây dựng nhà ở, làm thủ tục hoàn công... Tuy nhiên, các đầu nậu nắm được quy định này nên thường xẻ nhỏ các khu đất nông nghiệp xuống còn dưới 2.000m2 nhằm tránh lập dự án. “Cách làm này cũng sẽ không phải trừ phần diện tích công cộng: Công viên, trường học... thường mất 50% diện tích đất. Trái lại, họ có thể khai thác tới 80 – 90% diện tích toàn khu đất”, ông Nguyễn Tuấn Cường, Tổng giám đốc công ty xây dựng Hùng Cường phân tích dưới góc độ chuyên môn. Theo tìm hiểu của PV, đứng đằng sau các dự án này đa số là các công ty bất động sản vừa và nhỏ. Họ bỏ chi phí đầu tư đường giao thông, cống thoát nước, điện... rồi giao cho một cá nhân nào đó đứng tên trên giấy tờ pháp lý. Để phân phối, các công ty này giao lại cho một đơn vị khác hoặc cũng có thể trực tiếp đứng ra đảm nhận. Bên cạnh đó cũng có những người chuyên đầu cơ, gom từ 5 đến 10 nền (phân phối thứ cấp) từ các công ty trên, sau đó bán lẻ kiếm lời. Khi bán lẻ, họ tìm mọi cách để có thể lách luật, bán được giá tốt nhất và lo luôn các thủ tục liên quan. Liên quan đến tình trạng trên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc sở TN&MT TP.HCM cho biết: “Thực tế thời gian qua, ở một số quận, huyện có tình trạng cá nhân, tổ chức lách luật, xây dựng các công trình tạm bợ để xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tiến hành tách thửa. Những trường hợp nào sai phạm, Sở sẽ chủ động phối hợp với UBND các quận, huyện xử lý nghiêm nhằm đảm bảo cho việc phát triển đô thị theo đúng quy định”. Ông Thắng cũng thông tin: “Để hạn chế tình trạng này, Sở đã và đang hoàn thiện dự thảo về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa, theo hướng bỏ nhà ở hiện hữu để quy định diện tích tối thiểu khi tách thửa. Quy định này nhằm tránh gây hiểu nhầm và quan trọng là sự lách luật của các chủ đất”.

    THANH TÙNG 
    Bài đăng lại báo giấy Đời sống & pháp luật
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/no-ro-chieu-dung-nha-hop-diem-de-ban-dat-trai-phep-a196162.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan