Gia đình cần chuẩn bị gì khi F0 điều trị tại nhà?
Theo tài liệu hướng dẫn chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà của bộ Y tế, gia đình cần chuẩn bị các vật dụng tối thiểu gồm khẩu trang y tế dùng 1 lần (đủ cho cả nhà sử dụng trong 2 – 3 tuần), găng tay y tế sạch (tối thiểu đủ cho người chăm sóc dùng trong 2 – 3 tuần), nhiệt kế thủy ngân hoặc điện tử, máy đo huyết áp.
Ngoài ra, gia đình cũng cần chuẩn bị thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy và các túi nilon màu vàng để lót bên trong thùng. Được biết, màu vàng được quy định là chất thải bệnh lý, lây nhiễm, chất thải hóa học y tế, chất thải phòng thí nghiệm, dược phẩm.
Người bệnh cần được chuẩn bị các dụng cụ cá nhân riêng gồm bàn chải răng, khăn tắm, khăn mặt, chậu tắm, giặt, bộ đồ dùng ăn uống, xà phòng (tắm, giặt) máy giặt (nếu có), dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân.
Các thành viên trong gia đình thống nhất về vùng không gian riêng dành cho người bệnh. Nếu cần thì phân công một người phù hợp nhất để chăm sóc người bệnh.
Chuẩn bị các thuốc đang sử dụng cho người trong nhà có bệnh sẵn có như cao huyết áp, đái tháo đường, gút… với số lượng có thể dùng trong ít nhất 30 ngày. Gia đình cũng cần chuẩn bị các thuốc và đơn thuốc (toa) của bác sĩ đối với người nhiễm (nếu có).
Gia đình có người mắc COVID-19 cách ly và điều trị tại nhà cần lưu lại các số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch, người được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe người nhiễm cũng như các số điện thoại cần thiết khác để kịp thời liên lạc khi phát sinh tình huống khẩn cấp.
Theo dõi sức khỏe F0 điều trị tại nhà như thế nào?
Người chăm sóc hoặc người mắc COVID-19 cần điền đầy đủ thông tin vào Bảng theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều.
Bên cạnh đó, gia đình lưu ý những dấu hiệu cần theo dõi hàng ngày:
- Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, độ bão hòa oxy trong máu - SpO2 (nếu có thể) và huyết áp (nếu có thể).
- Các triệu chứng: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); Ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo;
- Các triệu chứng khác như: Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ…
Xử trí ra sao nếu người mắc COVID-19 điều trị tại nhà sốt cao không dứt?
Đối với người lớn:
Nếu sốt trên 38,5 độ C hoặc đau đầu, đau người nhiều, người mắc COVID-19 nên uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5g, có thể lặp lại mỗi 4 – 6 tiếng, uống không quá 4 viên/ ngày, uống oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.
Đối với trẻ em:
Nếu thấy trẻ sốt trên 38.5 độ C, người chăm sóc cho bé uống thuốc hạ sốt như Paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4 – 6 tiếng, ngày không quá 4 lần.
Trong trường hợp người bệnh đã uống thuốc hạ sốt 2 lần nhưng không đỡ, gia đình cần thông báo ngay cho nhân viên y tế quản lý người mắc COVID-19 tại nhà để xử lý.
Nếu người bệnh bị ho thì nên dùng thuốc ho theo đơn của bác sĩ. Người mắc COVID-19 điều trị tại nhà có thể dùng thêm các vitamin theo đơn thuốc của bác sĩ.
Các bài tập vận động cho F0 cách ly, điều trị tại nhà
Sức khỏe & Đời sống dẫn thông tin trong hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà do bộ Y tế ban hành kèm theo quyết định số 4156 cho biết, bên cạnh việc chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, người bệnh cần phải tập luyện các bài tập tăng cường chức năng hô hấp, vận động hàng ngày, duy trì tinh thần lạc quan để cải thiện sức khỏe.
Theo bộ Y tế, vận động trong thời gian cách ly tại nhà sẽ giúp người bệnh giãn nở lồng ngực, tăng thông khí ra vào phổi, hô hấp tốt hơn. Không chỉ vậy, việc này còn giúp tăng cường khả năng vận động và các cơ tham gia hô hấp, ngăn chặn suy giảm thể chất, cải thiện tinh thần.
Các bài tập gồm tập thở, vận động tại giường, giãn cơ, thể lực tăng sức bền. Nếu cảm thấy mệt, đau ngực, khó thở trong quá trình tập luyện, người bệnh cần dừng tập ngay và theo dõi cơ thể.
Nếu tình trạng nói trên vẫn tiếp tục tăng dù đã nghỉ ngơi, người bệnh phải báo ngay cho nhân viên y tế để được theo dõi kịp thời.
Đinh Kim(T/h)