Theo VietNamNet, bộ Y tế vừa ban hành quyết định số 4156 kèm theo tài liệu “Hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà”.
Hướng dẫn này cho biết COVID-19 có thể lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người thông qua các đường lây sau:
- Qua tiếp xúc: Tiếp xúc trực tiếp với người mắc COVID-19 qua các hành động như bắt tay, ôm hôn. Tiếp xúc gián tiếp như chạm tay vào các bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên miệng, mắt, mũi của mình.
- Qua giọt bắn: Khi tiếp xúc gần (dưới 2m) với người nhiễm SARS-CoV-2, ho, hắt hơi tạo ra các giọt có chứa virus bắn vào mắt, mũi, miệng hoặc hít phải các giọt này.
- Qua không khí: Trong môi trường kín, thông khí kém, khi thực hiện chăm sóc y tế có tạo những hạt nhỏ (aerosol) chứa virus lan theo không khí và có thể gây nhiễm nếu hít phải.
Trong hướng dẫn nói trên, bộ Y tế khuyến cáo nếu gia đình có vật nuôi, người mắc COVID-19 không nên tiếp xúc với con vật đó vì đã có bằng chứng cho thấy virus lây lan sang động vật.
Bên cạnh đó, người sống cùng nhà cũng không nên tiếp xúc gần với vật nuôi. Gia đình không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài các thành viên trong nhà.
Theo “Hướng dẫn chăm sóc người măc COVID-19 tại nhà” vừa được ban hành, bộ Y tế cũng đưa ra các khuyến cáo trong việc cách ly người nhiễm SARS-CoV-2 khỏi những người khác trong gia đình.
Cụ thể, người nhà cần bố trí cho người nhiễm SARS-CoV-2 phòng ngủ và phòng vệ sinh riêng. Nếu không thể, phải đánh dấu không gian riêng cho người nhiễm SARS-CoV-2.
Các thành viên cần giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người nhiễm. Trong khi đó, người nhiễm SARS-CoV-2 không được ăn uống cùng người khác, di chuyển ra khỏi khu vực cách ly hay tiếp xúc gần với người khác và với vật nuôi.
Người nhiễm virus cũng không dùng chung bát đĩa, ly uống nước, bộ dụng cụ ăn, khăn tắm hoặc bộ đồ giường với những người khác trong gia đình.
Người bệnh nên có một bộ đồ ăn riêng, tốt nhất là nên dùng dụng cụ dùng một lần. Ngoài ra, người bệnh nên tự rửa bát ở phòng riêng, bát đĩa nên được rửa bằng nước nóng và xà phòng. Người chăm sóc hỗ trợ phải mang găng khi thu dọn đồ ăn và rửa bát đĩa hộ.
Gia đình có ngưởi mắc COVID-19 điều trị tại nhà cần lưu ý thường xuyên mở cửa sổ, lối đi trong nhà khi có thể để không khí luôn được thay đổi. Thêm vào đó, không sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm, không để luồng khí thổi từ phòng người nhiễm vào không gian chung, sử dụng quạt và máy lọc không khí.
Những dấu hiệu người mắc COVID-19 cần theo dõi hàng ngày
Thanh Niên dẫn thông tin từ bộ Y tế cho biết người mắc COVID-19 có thể diễn biến nặng, nguy kịch và tử vong. Những người mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không có bệnh lý nền, có đủ các điều kiện về sức khỏe, điều kiện cách ly có thể được theo dõi và chăm sóc tại nhà.
Trong quá trình điều trị tại nhà, người mắc COVID-19 cần theo dõi nhịp thở, mạch, nhiệt độ cũng như độ bão hòa oxy trong máu SpO2 (nếu có thể) và huyết áp (nếu có thể).
Bên cạnh đó, người bệnh cần theo dõi các triệu chứng như mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh, gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng, đi ngoài); ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo.
Một số triệu chứng khác người bệnh có thể gặp gồm đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ.
Khi phát hiện có một trong số các dấu hiệu sau, người bệnh cần báo ngay với nhân viên y tế phụ trách theo dõi sức khỏe của gia đình để được xử trí và chuyển viện kịp thời:
- Khó thở, thở hụt hơi hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.
- Nhịp thở: Người lớn ≥ 21 lần/phút, trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi ≥ 40 lần/phút, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ≥ 30 lần/phút. Lưu ý, đối với trẻ em, cần đếm đủ nhịp thở trong một phút khi trẻ nằm yên không khóc.
- SpO2 ≤ 95% (nếu có thể đo). Khi phát hiện bất thường thì đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo.
- Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút.
- Huyết áp thấp: Tối đa < 90 mmHg, tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).
- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
- Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
- Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em). Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống gồm sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban...
- Mắc thêm bệnh cấp tính như sốt xuất huyết, tay chân miệng...
Đinh Kim(T/h)