Các quan chức chính quyền khi ở vai Đại biểu Quốc hội, HĐND thường ít dám phát biểu, tranh luận tới cùng.
Ngày 21-7, đoàn giám sát của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) do Phó Chủ nhiệm Lê Minh Thông dẫn đầu đã có buổi làm việc tại Đà Nẵng về việc thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND.
Đừng nặng cơ cấu quá
Báo cáo với đoàn làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương cho biết: Việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trong thời gian qua đã làm đơn giản hóa bộ máy. Theo đó, việc chỉ đạo, xử lý các vấn đề ở địa phương đã nhanh nhạy và hiệu quả hơn so với trước đây.
Góp ý về giải pháp để tăng cường hiệu quả hoạt động của HĐND, ông Khương cho rằng để HĐND thực sự mạnh thì cần hạn chế số lượng đại biểu từ các cơ quan chính quyền. “Các cán bộ chính quyền khi ở vai là đại biểu HĐND thì làm sao dám mạnh dạn góp ý” - ông Khương nhìn nhận và nói thêm “ngay cả tại QH, các đại biểu kiêm nhiệm cũng ít thấy mạnh dạn phát biểu”.
Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng để HĐND thực sự mạnh thì cần hạn chế số lượng đại biểu từ các cơ quan chính quyền. Ảnh: L.PHI |
Ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng Đoàn đại biểu QH TP Đà Nẵng, cũng cho rằng HĐND không nên nặng về tính cơ cấu quá. “Kinh nghiệm cho thấy khi không có nhiều đại biểu bên chính quyền thì chất vấn của các kỳ họp rất mạnh mẽ, hiệu quả. Vì các đại biểu khi không nằm trong chính quyền thì thường không ngại truy các vấn đề đến cùng” - ông Nghĩa nói. Lấy ví dụ ngay tại Đà Nẵng, ông Nghĩa cho biết chính vì cơ cấu bên chính quyền ít nên “các kỳ họp của chúng tôi đại biểu chất vấn kinh khủng lắm, họ làm đến nơi đến chốn”.
Ông Nghĩa đề nghị phải lấy yếu tố chất lượng làm trọng. “HĐND cũng như QH cần có những người xứng đáng, đó phải là những người tài giỏi, dám nói, dám làm. Có thế cơ quan dân cử mới thực sự mạnh lên được. Còn khi ta vì nặng về cơ cấu rồi đưa những anh thậm chí chủ trì một hội nghị còn không xong là không được” - ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, đối với QH, HĐND thì Đảng chỉ nên lãnh đạo về đường lối còn khi đi vào thực hiện cụ thể thì để cho cơ quan dân cử làm, tự quyết định theo luật định.
Phân cấp, phân quyền cho địa phương
Cũng tại buổi làm việc này, lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng đề nghị cần phải sửa đổi bổ sung các quy định về phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn giữa trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền với nhau. Phải để cho các địa phương đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền. Có như vậy mới phát huy được tính chủ động của chính quyền địa phương.
Đại biểu QH Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, cũng cho rằng hiện nay chúng ta thực hiện phân cấp cho địa phương rất nhiều nhưng lại mập mờ, không triệt để. Theo ông Cương, 80\% việc hiện nay là phân cấp cho chính quyền địa phương nhưng vì không triệt để nên làm cái gì các địa phương cũng cứ phải hỏi Chính phủ. Vì vậy, chính quyền địa phương được phân cấp nhưng lại không có quyền quyết định. “Theo tôi, phải phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương để họ tự chủ và tự chịu trách nhiệm trước các quyết định của mình. Chứ như hiện nay vì việc này mà khi xử lý trách nhiệm còn đá cho nhau” - đại biểu Cương nói.
Ví dụ cụ thể về việc này, ông Cương cho hay chính vì sự phân cấp, phân quyền không rõ ràng mà một công trình xây dựng cả chục tầng mọc lên ở Hà Nội nhưng khi hỏi thì từ phường, tới quận và cả TP đều không biết. “Cái này là hết sức vô lý” - ông Cương nhấn mạnh.
Bộ máy phình to, mối lo ngân sách
Liên quan đến vấn đề tổ chức bộ máy, ông Võ Duy Khương cho hay không chỉ ở Đà Nẵng mà các tỉnh, thành trong cả nước hiện nay bộ máy chính quyền đang ngày càng phình ra. “Bộ máy đoàn thể cũng ngày càng phình ra, hội đoàn nào cũng đòi cho được cơ chế đặc thù để có biên chế, được cấp ngân sách” - ông Khương cho hay. Theo ông Khương, hiện tại riêng TP Đà Nẵng có 70 hội, đoàn trong đó vài chục đơn vị hằng năm cứ xin TP kinh phí. “Ngân sách TP có hạn, lấy đâu ra để nuôi các hội này. Năm nào cũng đòi tổ chức kỷ niệm rồi còn quà cáp. Lãng phí lắm. Nếu cứ như thế này thì chúng ta vẫn sẽ nghèo miết thôi” - ông Khương nói.
Đại biểu Cương cũng cho rằng ông chưa thấy đơn vị, cơ quan nào xây dựng được một đội ngũ công chức theo vị trí việc làm. Biên chế thì ngày càng phình to. Các đơn vị cứ tuyển ồ ạt vào, rồi sau đó mới mày mò chia việc để làm. Trong khi đó để xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức hiện nay là rất khó thực hiện.
“Giám sát có thực chất hay là để vuốt ve nhau” Ở một khía cạnh liên quan khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Lê Minh Thông cho rằng hiện nay hiệu quả giám sát của HĐND còn yếu. “Chúng ta thường giám sát xong rồi là thôi. Nhưng cái quan trọng nhất của công tác này là phải giám sát việc thực hiện kết luận của cuộc giám sát ấy. Phải xem kết quả đạt được của hậu giám sát ấy như thế nào; giám sát có đúng không, có làm không; giám sát có thực chất không hay là chỉ là để vuốt ve nhau” - ông Thông nói. |