Theo dõi các website, tài khoản mạng xã hội có nghi vấn hoạt động tín dụng đen
Theo cơ quan chức năng, hiện đang xuất hiện ngày càng nhiều các ứng dụng cho vay tiền không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản, có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”.
Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt thêm các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.
Khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là công nhân viên, người thu nhập thấp cần vay một khoản tiền trong thời gian ngắn mà không phải thực hiện các thủ tục tại ngân hàng, tổ chức tín dụng. Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, có người phải vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.
Trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Đẩy lùi ‘tín dụng đen’, tăng cường tín dụng chính thức” diễn ra ngày 24/12/2021, Đại tá Hoàng Ngọc Bách, Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đưa ra vấn đề đáng lưu ý, nhiều app cho vay online hiện nay có nguồn gốc nước ngoài. Đại tá Hoàng Ngọc Bách cho biết có yếu tố nguy hiểm ở đây là, với doanh nghiệp nước ngoài, khi khách hàng đăng ký vay, dữ liệu cá nhân của họ có thể được lưu trữ ở nước ngoài, cơ quan chức năng Việt Nam rất khó kiểm soát, khó kiểm tra. Đôi khi thông tin bên cho vay là giả, dữ liệu khách hàng có nguy cơ bị lộ, lọt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Hình ảnh chụp tại buổi giao lưu trực tuyến (Ảnh D.V).
Theo Đại tá Hoàng Ngọc Bách, cần có một số giải pháp cấp thiết để bảo vệ người dân, tránh sa bẫy tín dụng đen. Về hành lang pháp lý, chúng ta cần kiện toàn đặc biệt là cho vay ngân hàng. Truyền thông cần tuyên truyền cho người dân về “bẫy tín dụng đen”, khi đi vay phải tìm hiểu kỹ. Các công ty tài chính chính thức có cách tiếp cận với khách hàng nhiều hơn...
Được biết, để ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, hiện Bộ Công an đang giao cho công an các địa phương điều tra hoạt động cho vay trực tuyến qua ứng dụng điện thoại di động tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành. Cơ quan công an cũng lập danh sách theo dõi 62 website, blog, tài khoản mạng xã hội có nghi vấn hoạt động tín dụng đen.
Giải pháp tối ưu là gì?
Trao đổi với PV tạp chí Đời sống và Pháp luật, Tiến sĩ luật Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: “Cho vay tín dụng đen thông qua nền tảng mạng xã hội, app online đúng là vấn đề rất khó khăn để kiểm soát. Tuy nhiên, chúng ta đã có Luật An ninh mạng, lại đang trong thời đại 4.0, thì hoàn toàn có thể truy vết bằng các giải pháp công nghệ.
Thêm nữa, Việt Nam không phải đất nước cô lập, mà chúng ta có quan hệ ngoại giao tốt trên trường quốc tế, có Hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều nước. Bởi thế, có thể dựa vào Hiệp định để phối hợp với các nước và xử lý tình trạng app online cho vay tín dụng đen có nguồn gốc nước ngoài. Bên cạnh đó cũng có thể dựa vào Interpol (tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế) để cùng thực hiện”.
TS. Lưu Bình Nhưỡng.
“Cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân hiểu, tránh xa app online không phép. Thế nhưng cũng rất cần có chính sách tín dụng tốt để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đảm bảo đời sống, không đến mức đường cùng để phải tìm đến tín dụng đen, nhất là các app vay nhanh nhưng nhiều cạm bẫy”, ông Nhưỡng nói.
Trao đổi với PV trước thực trạng khó kiểm soát app online cho vay tiền có nguồn gốc nước ngoài, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, ĐBQH khóa XIV, khẳng định: “Các app này hoạt động là vi phạm pháp luật Việt Nam, bởi tất cả hoạt động ngân hàng, cho vay tín dụng, đầu tư tài chính thì phải được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp phép.
Qua thực tế, các app đều gắn với hành vi phạm tội lừa đảo tài chính, tiền tệ. Có thể ban đầu, người vay sẽ nhận ưu đãi thủ tục đơn giản, nhanh gọn, lãi suất hấp dẫn, tuy nhiên, hoạt động tín dụng tài chính kinh doanh theo chuẩn mực nhất định nên không thể có lãi suất thấp ưu đãi được. Bởi thế, sau khi vay tiền, người dân dễ rơi vào lừa đảo, thậm chí là bị đối tượng cho vay khống chế bằng các thông tin cá nhân đã để cho app truy cập khi đồng ý vay tiền.
Thông tin cá nhân lộ lọt thì rất nguy hiểm. Bởi đó là quyền của công dân, nó còn gắn với quản lý nhà nước, ví dụ như số định danh cá nhân. Người vay tiền có thể bị lợi dụng thông tin dữ liệu cá nhân - đây là một dạng tài sản nên việc mua bán thông tin trên mạng cá nhân là rất phức tạp”.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng – nguyên Ủy viên Thường trực ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (Nguồn: Hội Nhà nông).
Về giải pháp, ông Hồng cho rằng: “Rất khó để có thể có biện pháp chủ động tuyệt đối vì pháp luật của mỗi nước là khác nhau, có những loại hình ở Việt Nam cấm nhưng một số nước khác lại công nhận hợp pháp.
Mục đích lừa đảo rõ ràng chặt chẽ của các app, giống như bán hàng đa cấp, tổ chức nhiều chiến dịch thậm chí khuyếch đại lên để mọi người không nhận thức được hành vi lừa đảo. Nhiều thủ đoạn rất tinh vi, dễ làm con người ta mắc vào bẫy.
Do đó, trước hết cá nhân phải tự bảo vệ mình trên không gian mạng, không để bị khống chế bằng những thông tin cá nhân. Các cơ quan nhà nước cần tăng cường cảnh báo, sử dụng các giải pháp quản lý an ninh mạng, quản lý an toàn thông tin mạng để ngăn chặn kịp thời các hành vi vay và cho vay app. Căn cứ các quy định pháp luật buộc tháo gỡ các app, xử lý các đối tượng hoạt động trái phép, cho vay tín dụng đen trên không gian mạng”.
Nhật Hạ